📞

Vì sao người bệnh tiểu đường nên ăn lạc và ăn như thế nào để phát huy tối đa tác dụng?

11:22 | 18/04/2023
Lạc (đậu phộng) giàu chất xơ, protein, chứa axit béo không bão hòa, có tác dụng rất tốt trong việc hạ đường huyết cho người tiểu đường.
Ăn lạc rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường nhưng cũng nên ăn đúng liều lượng. (Nguồn: india.com)

Vì sao người tiểu đường nên ăn lạc?

Lạc giàu chất xơ

Hàm lượng chất xơ trong lạc khá cao. Chất xơ có tác dụng giảm lượng đường trong máu và cholesterol.

Bởi khi ăn một lượng lạc (đậu phộng) phù hợp có thể làm giảm sự hấp thụ đường trong thức ăn của bệnh nhân tiểu đường và kiểm soát lượng đường trong máu.

Lạc chứa axit béo không bão hòa

Axit béo không bão hòa trong lạc có tác dụng làm giảm cholesterol và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Ngoài ra, axit béo không bão hòa có thể giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn và hạ đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường.

Lạc giàu protein

Protein là thành phần dinh dưỡng cần thiết, giúp cơ thể duy trì quá trình trao đổi chất bình thường và sửa chữa mô.

Protein có thể từ từ cung cấp năng lượng và giúp ổn định lượng đường trong máu đối với người bị tăng đường huyết hoặc đang bị bệnh tiểu đường.

Người tiểu đường ăn lạc cần chú ý điều gì?

Không nên ăn khi lượng đường trong máu đang cao

Nếu lượng đường trong máu của bạn đang tương đối cao, tốt nhất sau khi kiểm soát nó về mức ổn định mới nên ăn lạc. Sau đó, mỗi ngày nên ăn điều độ một ít để tốt cho đường huyết.

Cân đối lượng thức ăn

Một khi đã ăn lạc, bạn nên giảm lượng thức ăn chủ yếu hoặc các món ăn khác để giữ cho lượng đường trong máu không bị dao động quá nhiều.

Chú ý phương pháp chế biến

Người tiểu đường nên ăn lạc luộc, thay vì lạc rang để kiểm soát lượng calo và hạn chế dầu mỡ.

Theo dõi lượng đường huyết

Sau khi ăn đậu phộng, cần theo dõi lượng đường trong máu. Nếu chỉ số tăng cao, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh để lượng đường huyết dao động quá mức.

Người tiểu đường cần lưu ý gì về chế độ ăn?

Kiểm soát tổng calo

Người bệnh tiểu đường cần chú ý không nên ăn kiêng quá mức, sẽ khiến cơ thể bị suy dinh dưỡng. Nên kiểm soát lượng carbohydrate và thực phẩm giàu calo, đồng thời tăng lượng protein, rau.

Kiểm soát giờ ăn

Thời gian giữa các bữa ăn không nên quá dài hoặc quá ngắn, thông thường 5-6 tiếng là phù hợp. Bữa ăn nên kéo dài hơn 20 phút, nhai chậm và kỹ.

Thứ tự trong bữa ăn

Trong bữa cơm, người tiểu đường nên ăn rau trước, đến đạm rồi tinh bột. Do nếu ăn tinh bột nhiều trước dễ dẫn đến tình trạng tăng chỉ số đường huyết.

(theo Ngôi sao)