📞

Vì sao người dân Ukraine muốn chọn diễn viên hài làm Tổng thống?

19:14 | 31/03/2019
Ukraine đang trên bờ vực của một cuộc “nổi loạn” nữa. Song lần này, người dân Ukraine sẽ không thể hiện sự giận dữ của mình trên những con phố, mà là tại nơi họ sẽ chọn ra người đứng đầu đất nước vào ngày 31/3.  

Đây cũng là một cuộc bỏ phiếu kỳ lạ, với số lượng ứng cử viên đạt mức kỷ lục: 39 người. Thú vị hơn, người đang dẫn đầu trong cuộc đua với vị trí Tổng thống lại là ông Volodymyr Zelensky, một diên viên hài chưa từng có bất kỳ kinh nghiệm chính trị hay quản lý nào.

Trước thềm bỏ phiếu, tỷ lệ ủng hộ ông Zelensky đang hơn người đứng thứ hai, đương kim Tổng thống Petro Poroshenko 8  - 15%. Hai người được cho là sẽ đối đầu trong vòng 2, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21/4.

Diễn viên Volodymyr Zelensky trong một chương trình hài kịch ở Kiev, ngày 22/2/2019. (Nguồn: Reuters)

"Cơn bão" mang tên Zelensky

Vai diễn nổi tiếng nhất của ông Zelensky là trong một bộ phim truyền hình có tên Người đầy tớ của Nhân dân. Ông đóng vai một thầy giáo nghèo trung thực nhưng tình cờ trở thành Tổng thống. Diễn viên hài này thường nói rằng, ông “có những phẩm chất” như nhân vật của mình.

Và tương tự vai diễn của mình, ông Zelensky "đổ bộ" lên chính trường của Ukraine như một cơn bão. Ông được nâng tầm bởi một kênh truyền hình TV phổ biến bậc nhất tại Ukraine, sở hữu bởi một trong những tỷ phú giàu có nhất quốc gia, Igor Kolomoisky, hiện đang sinh sống ở Thụy Sỹ và Israel.

Kênh truyền hình này dành nhiều thời lượng chương trình cho ông Zelensky trên tư cách một ứng cử viên Tổng thống cũng như một diễn viên hài. Ông còn có cơ hội tỏa sáng trong hàng tá những chương trình truyền hình và phim tài liệu ngay trước thềm cuộc bầu cử, khi mà các hoạt động vận động tranh cử bị cấm tại quốc gia này.

Cả ông Kolomoisky và Zelensky đều phủ nhận rằng họ có dính líu về mặt chính trị với nhau, bất chấp việc luật sư và cận vệ của ông Kolomoisky là một phần trong đội ngũ tranh cử của ông Zelensky.

Những người tham gia khảo sát cho rằng sự phổ biến của Zelensky đến từ tên tuổi được nhiều người biết đến của ông, cũng như sự thất vọng tràn trề của người dân đối với giới tinh hoa cầm quyền. Các cử tri đã sẵn sàng cho một khuôn mặt mới, dù họ hiểu rằng đây là một người chưa có nhiều kinh nghiệm trên chính trường.

Từ nỗi thất vọng tràn trề...

Một cuộc khảo sát gần đây của Gallup cho thấy, Ukraine đang ở mức thấp kỷ lục về niềm tin của người dân đối với Chính phủ trong hai năm liền: Chỉ có 9% người dân tin tưởng vào chính phủ, thấp hơn nhiều so với con số trung bình của các nước trong khối Soviet (48%) và mức trung bình của toàn thế giới (56%).

Người dân Ukraine thực hiện quyền công dân tại một điểm bầu cử ở Kiev. (Nguồn: CNN)

Đây là cái giá mà giới chính trị tinh hoa phải trả sau khi thất bại trong việc thực hiện những cam kết của Cuộc Cách mạng Phẩm giá năm 2013 về khôi phục tốc độ tăng trưởng, chính sách pháp quyền, tăng cường sự minh bạch và cải thiện đời sống nhân dân.

5 năm sau, nạn thất nghiệp và tình trạng thiếu việc làm đã buộc xấp xỉ 3,2 triệu dân Ukraine phải kiếm việc làm dài hạn ở nước ngoài, trong khi nhiều người khác phải làm những công việc tạm thời ở nước ngoài để trang trải cuộc sống. Tỷ lệ nghèo đói và bất bình đẳng xã hội ở mức cao.

Một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, có 60% người dân Ukraine sống dưới mức nghèo đói trong năm 2016 và quốc gia này tiếp tục là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Trong khi đó, giới chính trị cầm quyền tiếp tục trở nên giàu hơn; trong năm 2018, thống kê của truyền thông nước này cho thấy tổng giá trị tài sản của 100 người giàu nhất đất nước đã tăng 43% và đạt mức 37 tỷ USD chỉ trong vòng một năm.

Tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Ukraine cũng đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Yevgeniy Utkin, chủ một doanh nghiệp và một trong những người tiên phong trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin (IT) tại Ukraine, chua chát nói: “Ngay cả trong cơn ác mộng tồi tệ nhất, tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng chúng tôi sẽ rơi vào tình cảnh ngày hôm nay”.

Ông Utkin không buồn rầu bởi doanh nghiệp IT của ông đã bị đột kích một vài lần bởi cái gọi là “chiến dịch maski” hay hầu hết những tài sản thuộc Nga của ông đều biến mất sau khi Nga sáp nhập Crimea. Thay vào đó, tương tự giới doanh nghiệp tại Ukraine, ông Utkin cảm thấy tuyệt vọng sau thời gian dài cố gắng. 

...đến những lời hứa gió bay

Ngược dòng thời gian, khi trở thành Tổng thống, ông Poroshenko từng cam kết mang lại những thay đổi, trong đó có việc sớm kết thúc chiến tranh, nhưng sau đó chỉ là sự thất vọng và tình trạng tham nhũng. Bốn năm sau, chính ông Poroshenko đã buộc phải xin lỗi vì đã đưa ra quyết định vội vàng và thiếu cân nhắc về kết thúc chiến tranh. Trong khi đó, nỗ lực chống tham nhũng của ông cũng thất bại.

Ảnh minh họa: Một bé gái Ukraine giơ cao quốc kỳ nước này trong một sự kiện kỷ niệm Ngày độc lập. (Nguồn: Euromaidanpress)

Trong khi giới tinh hoa kiểm soát những khu vực lớn của nền kinh tế và ngày càng trở nên khó kiểm soát, thì Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đã thực hiện một cuộc khảo sát thông thường của các CEO để đánh giá về môi trường đầu tư tại Ukraine. Kết quả cho thấy, 78% số người được hỏi tỏ ra thất vọng về mức độ tham nhũng, 74% không còn tin tưởng ở hệ thống tòa án và 65% phàn nàn về những hoạt động của nền kinh tế ngầm.

Áp lực thay đổi từ bên ngoài

Công bằng mà nói, Ukraine đã ít nhiều thay đổi kể từ năm 2013. Năm 2018, tăng trưởng GDP đạt mức 3,3%, con số cao nhất kể từ năm 2011. Ngành ngân hàng của Ukraine đã ít nhiều trở nên minh bạch hơn, với hơn 100 ngân hàng vi phạm bị đóng cửa và Ngân hàng Quốc gia được cải cách hoàn toàn.

Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Naftogaz cũng đã trải qua một cuộc lột xác ngoạn mục, từ làm ăn thua lỗ tới 18 tỷ Hryvnia (2,2 tỷ USD) vào năm 2013 đến thu về lợi nhuận kỷ lục đạt mức 39.4 tỷ Hryvnia (1,5 tỷ USD) vào năm 2017.

Hệ thống điện tử kiểm soát quốc gia Prozorro cũng đã được triển khai như đảm bảo mọi công quỹ được sử dụng hiệu quả và minh bạch. Nó đã tiết kiệm được ít nhất 2.76 tỷ USD trong vòng chưa đầy 5 năm và giành được nhiều giải thưởng quốc tế về tính hiệu quả và sáng tạo.

Những cải cách đáng kể cũng đã bắt đầu được triển khai trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Song quan trọng hơn cả, người dân Ukraine hiện đã có thể tự do đi lại với những người hàng xóm Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, hầu hết những cải cách này trở thành hiện thực bởi những áp lực đến từ cộng đồng xã hội tại Ukraine (dưới sự ủng hộ của phương Tây), cũng như sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế và đối tác, trong đó có Mỹ, EU và Canada.

Cuộc cải cách nào cũng cần có một nhà lãnh đạo mang phong cách “tự sát”, thường là những người chưa từng tham gia hệ thống, đến từ giới doanh nghiệp hoặc có tâm huyết thúc đẩy cải cách vì một lý tưởng nhất định. Sở dĩ nói như vậy bởi sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phần nhiều trong số họ từ bỏ hoặc bị đẩy ra khỏi hệ thống; một số cầm cự được cho đến bầu cử, trong khi số còn lại thất bại và buộc phải chứng kiến cải cách của họ bị đảo ngược bởi những quan chức cấp cao trong chính quyền.

Do đó, trong những năm qua, giới tinh hoa chính trị tại Ukraine đã nhiều lần khẳng định rằng tự thân họ không thể mang lại những thay đổi, với quy mô và mức độ đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

Trong một tập của bộ phim truyền hình Đầy tớ của Nhân dân, nhân vật của Zenlensky đã nói với Quốc hội rằng: “Xã hội đã thay đổi. Nó sẽ không tiếp tục chờ đợi và tha thứ”. Nhân vật này sau đó đã sử dụng súng máy tự động bắn hạ tất cả các nghị sỹ Quốc hội.

Thật vậy, xã hội Ukraine đã thay đổi và chắc chắn rằng nó sẽ không chờ đợi và tha thứ nữa. Ngày 31/3, người dân sẽ tự quyết định vận mệnh của mình qua các lá phiếu. Súng đạn chẳng thể giúp khôi phục nền kinh tế, cải thiện tính minh bạch, quét sạch tham nhũng, cải cách toàn diện hệ thống xã hội... Để làm được tất cả những điều đó cần có một nhà lãnh đạo có tâm và có tầm, thay vì những cá nhân chỉ biết cách tận dụng nỗi giận dữ và sự thất vọng của người dân.

(theo al Jazeera)