TIN LIÊN QUAN | |
Thưởng thức Fika cùng Đại sứ Thụy Điển | |
Thụy Điển than phiền vì người dân nộp thuế quá nhiều |
Nhiệt độ khu vực Bắc Âu những ngày đầu hè đang nhích dần lên cùng các sự kiện ăn mừng Quốc khánh liên tiếp. Nếu người Na Uy tràn ra đường trong sắc đỏ quốc kỳ, hát vang reo hò trong ngày 17/5, du khách đến Đan Mạch được trải nghiệm vô số festival đường phố đầy màu sắc và âm nhạc tuần đầu tháng Sáu, thì họ - những người Thụy Điển, lại “hững hờ” với ngày đặc biệt của quốc gia mình. Điều ấy đã làm tôi ngạc nhiên và không khỏi băn khoăn...
Người dân ngồi nghe nhạc trong yên lặng “mừng” Quốc khánh. |
Quốc khánh tự chọn
Khác với nhiều quốc gia khối Scandinavia, Quốc khánh Thụy Điển mới chỉ được chọn ra cách đây hơn 30 năm chỉ vì các chính trị gia cảm thấy “kém miếng khó chịu” khi “người hàng xóm Na Uy” ăn mừng quá tưng bừng.
Trước đó, người dân nước này chỉ mơ hồ nhớ đến sự đặc biệt của nó như ngày Quốc kỳ, ngày Lập Hiến, ngày Vua Gustav Đệ Nhị lên ngôi… Sự kiện lịch sử mang tính chất khai sinh ra đất nước nhất có lẽ là cách đây gần 500 năm khi quốc gia này tách khỏi Hiệp hội Kalmar (tiền thân của các nước khu vực Bắc Âu, lúc ấy do Đan Mạch nắm quyền).
Được chọn làm ngày Quốc khánh chính thức từ năm 1983, nhưng phải đến năm 2005, ngày 6/6 mới được Thụy Điển mới đánh dấu đỏ là ngày Quốc lễ hàng năm. Tuy nhiên, nó chẳng thu hút được sự quan tâm của cư dân nước này nhiều như những ngày lễ khác trong năm như Giáng sinh, ngày lễ thánh Lucia, lễ Phục sinh, lễ hội mùa Xuân Valborg, lễ hội mùa Hè Midsommar,...
Bối rối …ăn mừng
Nếu được hỏi về ý nghĩa ngày Quốc khánh, nhiều người Thụy Điển sẽ không trả lời được hoặc chỉ nhớ Gustav là tên một vị vua. Sự bối rối này khiến họ không mấy hào hứng đón mừng một ngày lễ mang tính hành chính. Ngoài sự kiện Fika Ceremony hàng năm tại Tòa thị chính Stockholm để trao quyền công dân chính thức cho người nhập cư như lời chào đón, các thành phố không có hoạt động gì đáng kể. Hầu hết mọi người ở nhà với gia đình, gặp bạn bè tán gẫu như ngày nghỉ bình thường.
Dù thờ ơ với việc ăn mừng Quốc khánh, nhưng cứ bảy năm một lần, người dân Thụy Điển lại ca thán về việc ngày này rơi vào cuối tuần do chính sách không nghỉ bù. Hơn nữa, ngay sau khi 6/6 được lựa chọn trở thành Quốc lễ, Whit Monday – một ngày lễ sau Phục sinh năm tuần – bị xóa bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ có ít ngày nghỉ hơn, cuối tuần ngắn hơn. Lý do thực tế đó phần nào lý giải vì sao người Thụy Điển đôi khi tiếc nuối ngày lễ cũ và ít đón chờ ngày lễ mới.
Với họ, lễ hội mùa Hè (Midsommar), tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng Sáu, còn mang màu sắc Quốc khánh hơn ngày lễ chính thức. Vào ngày này, những hoạt động nhảy múa quanh cây nêu, trẻ em mặc quốc phục, đội vòng hoa… diễn ra khắp các thành phố, trị trấn, làng mạc và mang đậm màu sắc truyền thống Thụy Điển.
Văn hóa “vừa đủ”
Đáng ngạc nhiên là Thụy Điển lại nằm trong top những quốc gia ít thể hiện tinh thần yêu nước nhất thế giới, theo xếp hạng của Forbes. Người Thụy Điển rất ngại ngần khi phất cao quốc kỳ.
Cầm lá cờ trên tay với tâm trạng háo hức lần đầu đón Quốc khánh ở một đất nước Bắc Âu, tôi giơ cao vẫy theo nhịp bài đồng ca trong khu bảo tàng văn hóa cho đến khi nhận ra mình là người duy nhất làm điều đó. Lý giải cho việc ngại vẫy cờ này, một người bản địa nhắc tôi về hai giá trị cốt lõi của văn hóa Thụy Điển. Thứ nhất, từ lâu văn hóa lagom (mọi thứ đều chỉ cần vừa đủ) đã trở thành lối sống và kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của người dân nơi đây. Họ ăn uống vừa đủ, ở trong ngôi nhà vừa đủ, kiếm tiền vừa đủ và hiếm khi dùng những từ ngữ mạnh mẽ, hùng hồn. Thể hiện thái quá lòng yêu nước, kể cả việc treo cờ, cũng có thể nằm trong danh sách “những điều vượt quá lagom”. Thứ hai, hành động phất cờ hay bị liên hệ là biểu hiện phân biệt chủng tộc, đi ngược tôn chỉ của đất nước bình đẳng và luôn chào đón người nước ngoài này. Do đó, quốc kỳ Thụy Điển hoàn toàn có thể phủ kín khán đài một trận bóng mà Zlanta Ibrahimović ra sân hay phấp phới trên sân khấu Cuộc thi Eurovision, nhưng lại vô cùng hiếm hoi trong Quốc khánh.
Theo thống kê mới nhất của trường Đại học Gothenburg, số lượng người mừng Quốc khánh tại Thụy Điển đã tăng 6% trong 5 năm trở lại đây nhưng vẫn không chiếm quá 1/3 dân số. Chủ yếu những người tham gia ăn mừng là sinh viên quốc tế, người nước ngoài hoặc khách du lịch. Tranh thủ dịp Bảo tàng Văn hóa mở cửa miễn phí để kéo người dân ra khỏi nhà, tôi cùng nhóm bạn đến trải nghiệm không gian Thụy Điển cổ xưa qua những công trình kiến trúc còn sót lại từ nhiều thế kỷ trước. Cuối ngày, chúng tôi cùng nhau làm thử món thịt viên truyền thống, ăn kèm khoai tây nghiền để khép lại một ngày “không thể Thụy Điển hơn”.
Nếu đến đây vào một ngày tháng Sáu, bạn đừng ngạc nhiên vì sao đường phố vắng vẻ và yên tĩnh đến vậy. Người Thụy Điển không hề thiếu lòng tự hào dân tộc bởi hàng ngày biết bao sản phẩm mang thương hiệu của đất nước này vẫn đi khắp thế giới. Họ chỉ mừng Quốc khánh theo cách của riêng mình. Bạn vẫn có thể trải nghiệm không khí ngày Quốc khánh tại Bảo tàng ngoài trời Skansen tại thủ đô Stockholm hoặc theo dõi kênh truyền hình quốc gia vào lúc 8 giờ tối.
Người Bắc Âu Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan đều hào hiệp giúp đỡ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Riêng ... |
Tái chế rác ở Stockholm Những cây thông Noel bỏ đi và một số loại rác ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) sẽ được tái chế thành chất bón cho ... |
Thụy Điển - không rác! Thụy Điển là quốc gia duy nhất trên thế giới gần đạt được mục tiêu không rác thải khi 99% rác thải sinh hoạt được ... |