📞

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 của Nga bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ?

Duy Phương 20:30 | 31/12/2020
TGVN. Đây là câu hỏi được đặt ra khi những tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 ngày càng cứng rắn, bất chấp sự “cân não” mà nó mang lại.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. (Nguồn: ESD)

Mặc dù gây tranh cãi và nhận lệnh trừng phạt từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. Sự hoài nghi trong nước ngày càng tăng về lý do mua hệ thống tên lửa này cũng không ngăn cản được Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vốn thường không thích thỏa hiệp chính trị.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp lên Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/12 theo đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CATSAA) thậm chí còn làm cứng rắn thêm đường lối của Ankara.

Về phần mình, Washington cho rằng các hệ thống của Nga đe dọa đến tiêm kích F-35 tối tân của NATO, đồng thời muốn Ankara bảo đảm rằng S-400 sẽ không được kích hoạt.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã đi trước một bước và tiến hành thử nghiệm S-400 vào tháng 10 tại thành phố Sinop thuộc Biển Đen. Động thái này đã gây ra sự tức giận của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, khiến quốc hội Mỹ buộc phải áp đặt các lệnh trừng phạt CATSAA với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ quả của lệnh trừng phạt

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các thành viên trong chính phủ tiếp tục nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cúi đầu trước áp lực từ Mỹ hoặc châu Âu về vấn đề này. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã thông báo rằng các bước trả đũa nhằm vào Washington đang được tiến hành.

Các nhà phân tích cho rằng động thái tiếp theo để xoa dịu cuộc khủng hoảng đang leo thang này sẽ phải đến từ Ankara, nhưng khả năng này dường như không thực tế. Một số người cho rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dần thay đổi cách giải quyết khi hậu quả của các lệnh trừng phạt bắt đầu rõ rệt.

Hiện tại, ông Ismail Demir, người đứng đầu Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), kiên quyết khẳng định các lệnh trừng phạt sẽ không thể ngăn cản ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của Thổ Nhĩ Kỳ. Trích dẫn “Chỉ thị của Tổng thống Erdogan”, ông Demir cũng nhắc lại rằng sẽ không có sự thay đổi nào đối với kế hoạch mua S-400.

Trả lời truyền thông vào đầu tuần trước, ông Demir nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của CATSAA chỉ nhắm vào SSB, nghĩa là bản thân ông và một số giám đốc điều hành cấp cao của cơ quan này.

Ông Demir lập luận rằng Bộ Quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong phạm vi hoạt động của CATSAA, nhưng thừa nhận rằng Mỹ còn có thể áp đặt thêm các biện pháp khác. “Tuy nhiên, nếu Washington có ý định khác liên quan đến việc thực hiện các lệnh trừng phạt, thì đó là một vấn đề khác. Mọi thứ vẫn tiếp diễn, các biện pháp trừng phạt đã và đang làm chậm hoặc cản trở các dự án khác nhau”, ông Demir nói.

Tuy nhiên, ông Demir vẫn lạc quan về tương lai: “Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan, ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

Trong khi đó, nhà bình luận chính sách đối ngoại Cansu Camlibel tin rằng không có chỗ cho sự tự tin như vậy. Ông Camlibel nhấn mạnh rằng SSB vốn là cơ quan mua sắm quân sự chính của Thổ Nhĩ Kỳ nên việc SSB là đối tượng của CATSAA sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Ankara.

“Thông qua bước đi này, Washington đã liệt SSB vào danh sách cấm đối với các quốc gia coi trọng thương mại với Mỹ”, ông Camlibel viết trên Gazete Duvar. Ông Camlibel lập luận rằng ngay cả khi Ankara có lách luật để thành lập một cơ quan mua sắm mới thay thế SSB thì ảnh hưởng tâm lý của các lệnh trừng phạt sẽ khiến nhiều quốc gia tránh Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự hoài nghi về lý do mua S-400

Trong khi đó, sự hoài nghi ngày càng gia tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ về lý do đằng sau việc mua S-400. Nhiều nhà phân tích cũng không rõ hệ thống này sẽ được triển khai ở đâu và sứ mệnh của chúng là gì.

Theo nhà bình luận chính trị Fikret Bila, các câu hỏi như tại sao thương vụ S-400 được tiến hành, tại sao các hệ thống vẫn chưa được triển khai và kích hoạt vẫn chưa được giải đáp.

Trong một bài viết, ông Bila cho rằng S-400 được mua trước sự phản đối của Mỹ nên người ta ước tính rằng lợi nhuận thu được từ thương vụ này sẽ lớn hơn thiệt hại. “Nếu không quá cần thiết thì tại sao S-400 lại phải mua bằng được? Tại sao 2,5 tỷ USD lại được chi cho S-400 vào thời điểm đất nước đang khủng hoảng kinh tế?”, ông Bila đặt câu hỏi.

Trong khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lý giải rằng lý do chính để mua S-400 là công nghệ mà ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thu được từ thỏa thuận, nhưng dường như Moscow không có dấu hiệu nào cho việc chuyển giao bí quyết quân sự và công nghệ điện tử nhạy cảm cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giáng một đòn nghiêm trọng sau khi Ankara bị Mỹ thẳng tay gạt khỏi “Chương trình máy bay chiến đấu F-35”. Ankara hiện đang cân nhắc các lựa chọn thay thế để đáp ứng nhu cầu về máy bay chiến đấu hiện đại. Cũng như Nga và Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với những phức tạp mới trong quan hệ với Washington và NATO.

Điểm mấu chốt là S-400 đang nhanh chóng trở thành trách nhiệm đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tình thế tiến thoái lưỡng nan khiến Tổng thống Erdogan không thể đảo ngược quyết định để không làm mất uy tín chính trị.

Nhiều chuyên gia nghi ngờ việc chính phủ của Tổng thống Erdogan sẽ chịu nhượng bộ trong việc mua S-400. (Nguồn: United World)

S-400 là vấn đề chính trị hơn là vấn đề quân sự

Được thúc đẩy bởi mâu thuẫn với Mỹ và phương Tây, Ankara dường như đã hấp tấp mua các hệ thống của Nga mà không cân nhắc đến hậu quả.

Trong một bài viết trên tờ The Washington Post, bà Asli Aydintasbas, thành viên cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định: "S-400 chưa bao giờ có ý nghĩa đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có hệ thống phòng không được tích hợp vào mạng lưới của NATO và không tương thích với hệ thống của Nga".

Bà Asli Aydintasbas tin rằng vào thời điểm quyết định tiến hành thương vụ, Tổng thống Erdogan đã tức giận vì cho rằng Mỹ ủng hộ cuộc đảo chính bất thành chống lại ông vào năm 2016.

Nhiều nhà ngoại giao cao cấp đã nghỉ hưu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia đề xuất các phương án giúp Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi tình huống khó khăn này.

Trong một tuyên bố chung, ba cựu đại sứ NATO của Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Uzumcu, Mehmet Fatih Ceylan và Umit Pamir cho biết sự bế tắc hiện tại giữa Ankara và Washington có thể được khắc phục bằng sự nhượng bộ từ hai phía.

“Vấn đề về S-400 do Nga sản xuất có thể được giải quyết thỏa đáng nếu Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cam kết không kích hoạt hệ thống này (có thể kiểm chứng bởi NATO) và Mỹ đưa ra quyết định đảo ngược việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình mua F-35 và các lệnh trừng phạt được áp đặt gần đây”, ba cựu Đại sứ gợi ý trong tuyên bố chung.

Cũng theo ba cựu Đại sứ NATO này, những động thái hòa giải như vậy cần được nhận được sự ủng hộ từ NATO, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận về việc sản xuất chung hệ thống phòng thủ tên lửa đi kèm chia sẻ công nghệ.

Đây dường như là cách duy nhất để thoát khỏi bế tắc hiện tại. Và trở ngại cần phải vượt qua trước tiên là Thổ Nhĩ Kỳ cần tái hòa nhập với phương Tây, không chỉ về mặt quân sự mà còn về những yếu tố khác như dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Đặc biệt khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng đã chỉ ra rằng những cân nhắc này sẽ là ưu tiên đối với chính quyền Mỹ trong tương lai.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ việc chính phủ của ông Erdogan sẽ chịu nhượng bộ như vậy. Việc này đòi hỏi Tổng thống Erdogan phải mềm mỏng hơn và hòa hợp hơn với các đồng minh NATO. Bình luận viên Aydintasbas tin rằng ông Erdogan là một người thực dụng, người “sẽ lùi bước và thay đổi hướng đi nếu không thể đạt được kết quả”.

Mặc dù vậy, không thể đánh giá thấp quyết tâm của ông Erdogan bởi trong quá khứ đối với các vấn đề mà ông đặt niềm tin lớn thì ông sẽ quyết tâm làm bằng mọi giá. Và thỏa thuận mua S-400 của Nga bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Washington là một điển hình.

(theo Al-Monitor)