Bùng nổ trà trái cây kiểu Trung Quốc tại Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei Asian Review) |
Cùng đồng hành với trào lưu trà sữa đang thịnh hành, các cửa hàng kinh doanh đồ uống chuyên về các loại trà trái cây mới đang mọc lên “như nấm” ở Tokyo, Osaka và các thành phố lớn khác tại Nhật Bản.
Từ những cái tên mới…
Cửa hàng thứ hai của chuỗi Yucha, nhãn hàng chuyên bán trà trái cây, được khai trương vào tháng Tư tại khu mua sắm và giải trí nổi tiếng Ikebukuro của Tokyo. Cửa hàng này được đưa vào vận hành sau khi ra mắt cửa hàng Yucha đầu tiên vào tháng 9/2018 tại Takadanobaba - điểm vui chơi yêu thích của sinh viên ở Thủ đô Tokyo.
Đặc điểm nổi bật của Yucha là tính thời vụ của đồ uống. Chẳng hạn như vào mùa Xuân, cửa hàng sẽ phục vụ loại trà có hương vị quất, còn nếu thời tiết nóng, trà dưa hấu sẽ là loại đồ uống được phục vụ trong suốt dịp Hè. Theo đó, với mỗi đơn đặt hàng, Yucha sẽ phục vụ theo yêu cầu của thực khách, sử dụng loại trà không có chất phụ gia kèm trái cây vắt bằng tay.
Yucha được điều hành bởi Tendo, công ty có trụ sở tại tỉnh Saitama, cách trung tâm Tokyo khoảng 20-30km. Chủ tịch Tập đoàn Tendo Han Yafei cho biết, ông đã học được phương pháp pha trà bằng cách "ghé thăm các cửa hàng ở Trung Quốc, quê hương của trà trái cây". Bên cạnh đó, ông chủ của Tendo còn cẩn thận chọn những lá trà của Đài Loan có hương vị phù hợp với trà trái cây.
Một số mẫu trà trái cây kiểu Trung Quốc tại Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei Asian Review) |
Bằng chứng cho thấy sự nổi tiếng của Yucha là một hàng dài các thực khách đang chờ mua hàng trong suốt vài tháng qua. Trong mùa Hè năm nay, loại đồ uống được yêu thích và bán chạy nhất là Super Fruit Tea. Với sự kết hợp hoàn hảo của năm loại trái cây như cam, kiwi, chanh, dưa hấu và táo, một chiếc cốc Super Fruit Tea cỡ vừa được bán với giá 580 Yen (tương đương 5,30 USD).
Một hãng trà trái cây khác cũng nổi tiếng ở khu vui chơi sinh viên Takadanobaba là cửa hàng Te a Mo mới được khai trương vào tháng 2/2019. Tại đây, khách hàng có thể tùy chọn các loại trà trái cây, cũng như chọn toppings (đồ đi kèm) như trân châu và kem cheese, và điều chỉnh độ ngọt. Vì các loại trà ở Nhật Bản không phong phú như ở Trung Quốc, Quản lý của chuỗi Te a Mo Shang Di muốn thử nghiệm một số loại trà mới, chẳng hạn như trà hoa hồng.
Một cửa hàng khác phục vụ trà trái cây tự nhiên ở Osaka là Fruits &. Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review, nữ sinh Nhật Bản Akane Okahisa chia sẻ: "Tôi không cảm thấy tội lỗi khi uống trà của Fruits &, vì đồ uống ở đây không ngọt lắm".
Tại cửa hàng đồ uống Fruit &, nữ sinh viên Okahisa đã mua một cốc trà Ô long vàng, bao gồm dứa và trà Ô long có giá 650 Yên. Sinh viên 23 tuổi người Nhật cho biết, đây là lần đầu tiên cô uống trà kết hợp với trái cây, còn bạn của Okahisa là Yurie Moriyama cũng rất thích đồ uống mát lạnh. "Khi thời tiết nóng bức, có lẽ tôi sẽ uống nhiều hơn", Moriyama nói.
Là người gốc Hoa, chủ sở hữu của chuỗi Fruits & muốn người Nhật “khám phá” trái cây thông qua trà. Trong quá trình du học tại Xứ sở mặt trời mọc trong khoảng 6 năm, ông chủ Chi Chengyu đã thấy "rất ngạc nhiên khi người Nhật không ăn nhiều trái cây".
Sau quá trình nghiên cứu, Chi Chengyu - người đứng đầu Công ty Fruit & đã dành khoảng một năm để chọn ra các loại trà trái cây phù hợp với thị hiếu của người Nhật dựa trên những loại phổ biến ở Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan.
Sở hữu một cái tên khá mới trong làng kinh doanh trà trái cây ở Nhật Bản, Fruits & bán được nhiều nhất 200 cốc mỗi ngày, trong đó loại đồ uống dùng với toppings (đồ đi kèm) chiếm khoảng 70% doanh thu. Tuy vậy, ông Chi Chengyu muốn lượng trà trái cây được bán ra chiếm khoảng một nửa doanh số bằng cách giới thiệu những hương vị mới.
Khu vực pha chế của một quán trà cao cấp. (Nguồn: Nikkei Asian Review) |
…cho đến chuỗi cửa hàng tiện lợi
Không muốn bỏ lỡ xu hướng, các cửa hàng tiện lợi Lawson nổi tiếng của Nhật Bản đã bắt đầu chiến dịch bán trà trái cây tại khoảng 14.000 cửa hàng trên khắp Xứ sở hoa anh đào từ tháng 4/2019.
Theo đó, loại thức uống Lipton Fruits in Tea của chuỗi Lawson được làm từ trà Earl Grey có chứa chanh, dâu và dứa sẽ được bán sẵn tại cửa hàng trong khoảng thời gian nhất định. Với giá 350 Yen/cốc, đây được coi là cái giá khá đắt cho một đồ uống ở cửa hàng tiện lợi. Tuy vậy, khi chuỗi Lawson lần đầu tiên giới thiệu loại đồ uống mới vào mùa Hè năm 2018, chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu bán 400.000 cốc chỉ trong hai ngày.
Bên cạnh sự hấp dẫn của trà cũng như màu sắc của đồ uống, các phương tiện truyền thông xã hội cũng góp phần giúp cho trà trái cây thêm nổi tiếng tại Nhật Bản. Một sinh viên (19 tuổi) cho biết: “So với trà sữa trông có vẻ khá nhạt nhẽo, trà trái cây có nhiều màu sắc hơn và trông rất đẹp mắt trên Instagram, vì nó chứa những miếng trái cây lớn.”
Theo Hideomi Yamada, người bán hàng cao cấp của chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson, nhiều phụ nữ mua trà trái cây "như một món đặc biệt dành cho chính họ".