Thứ trưởng từng phát biểu rằng quá trình xây dựng lòng tin 20 năm qua đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ trở thành mối quan hệ bền vững. Ông có thể chia sẻ thêm về những thuận lợi và trở lực trong quá trình này?
Xây dựng lòng tin giữa hai con người đã khó, giữa quốc gia với quốc gia như Việt Nam và Mỹ càng khó hơn, nhất là trong lịch sử, hai quốc gia từng có những chương buồn của chiến tranh. 20 năm xây dựng quan hệ mới cũng chính là quá trình xây dựng lòng tin, dù còn chậm, có lúc thăng, lúc trầm, kể cả có những khúc quanh, song nhìn tổng thể, 20 năm là một tiến trình đi lên.
Về thuận lợi, tôi thấy có ba thuận lợi khá căn bản. Thứ nhất, là sự tương đồng về lợi ích, trên ba phương diện: Duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; Xây dựng các cấu trúc khu vực, với ASEAN mạnh, đoàn kết là nòng cốt và đóng vai trò trung tâm; Tránh tình trạng “một người chơi” chi phối khu vực, duy trì tình trạng đa cực hóa, dân chủ hóa ở khu vực, trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Thứ hai, tình hình quốc tế và khu vực là “thiên thời” để hai bên tăng cường quan hệ. Đó là xu thế hòa bình, hợp tác là chủ đạo và các nước đều tăng cường hợp tác do sự đan xen lợi ích tăng lên. Việt Nam và Mỹ không nằm ngoài xu thế đó. Điều này khó có được thời Chiến tranh Lạnh.
Thứ ba, quyết tâm chính trị của Lãnh đạo hai nước. Về phía Mỹ, như cựu Tổng thống Clinton phát biểu ngày 3/7/2015 tại Hà Nội dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, có người cho rằng ông điên rồ khi vượt qua sức cản nội bộ Mỹ, tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Còn phía Việt Nam, ngay từ những ngày đầu của tiến trình bình thường hóa, Lãnh đạo Việt Nam đã có “tầm nhìn xa” rất sáng suốt, rất nhân văn và rất Việt Nam: gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Chính quyết định này đã hội tụ được nỗ lực của cả hai phía cùng hướng tới xây dựng quan hệ mới.
Về trở lực, tôi thấy có ba điểm: Thứ nhất, đó là hội chứng Việt Nam vẫn còn ở Mỹ và hội chứng Mỹ vẫn còn ở Việt Nam. Hội chứng ở đây có nghĩa là sự e dè, nghi ngại... Cách tốt nhất vượt qua hội chứng đó là tăng cường hợp tác, trao đổi, giao lưu nhiều hơn nữa giữa hai bên.
Thứ hai là sự khác biệt về chế độ chính trị, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển và những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi bên.
Thứ ba là sự tác động của nhân tố bên ngoài vào quan hệ, trong đó nổi lên là sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn. Tuy nhiên, tôi khẳng định sự quyết định của hai bên trong cuộc là chính.
Là người tham gia sâu vào quá trình xây dựng mối quan hệ Việt – Mỹ trong những năm qua, đặc biệt là năm 2015, hẳn ông có nhiều câu chuyện đáng nhớ?
Điều tôi luôn nhớ chính là những nỗ lực không mệt mỏi và sự hy sinh âm thầm của nhiều thế hệ người Việt Nam và Mỹ, từ rất sớm, trước cả thời điểm bình thường hóa quan hệ, để có được mối quan hệ hữu nghị, hợp tác như ngày hôm nay. Dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ cũng là dịp để chúng ta cùng tri ân tất cả những người đã đóng góp cho mối quan hệ này, trong đó chúng ta đều nhớ đến các bậc tiền bối như cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, các Cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, Lê Mai...
Điều đáng vui mừng là năm 2015, quan hệ Việt - Mỹ là một điểm sáng trong bức tranh chung về đối ngoại. Việc tăng cường quan hệ với Mỹ, đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam đã góp phần duy trì môi trường quốc tế thuận lợi, phục vụ công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới.
Năm 2015 có nhiều hoạt động của Lãnh đạo cấp cao liên quan đến Mỹ và cũng có nhiều đoàn Mỹ thăm Việt Nam. Ấn tượng nhất đối với tôi là chuyến thăm lịch sử đến Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng Bảy, vì ba lý do. Thứ nhất, chúng ta đã chọn đúng “điểm rơi”, hay như cách nói của người xưa là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thứ hai, chuyến đi đã phát huy tối đa vị thế đối ngoại của Việt Nam trên bàn cờ chính trị khu vực, khẳng định vai trò Đảng Cộng sản, Tổng Bí thư trong hệ thống chính trị của Việt Nam và trong quan hệ Việt - Mỹ. Thứ ba, hình ảnh rất đẹp của Tổng Bí thư trong suốt chuyến thăm tạo dấu ấn đậm nét về người đứng đầu hệ thống chính trị của Việt Nam trong lòng công chúng Mỹ và thế giới.
Thứ trưởng có thể nói một câu ngắn gọn về mối quan hệ Việt – Mỹ ở thời điểm hiện tại?
Cánh cửa tương lai rộng mở để phát triển quan hệ sâu rộng, thực chất, ổn định lâu dài.
Nếu ví quan hệ Việt – Mỹ 20 năm qua chỉ là chương mở đầu cho một câu chuyện, vậy Thứ trưởng hình dung chương tiếp theo sẽ như thế nào?
Tôi thấy hình ảnh mà phóng viên mô tả về quan hệ Việt - Mỹ rất thú vị. Trong chương mở đầu, chúng ta đã đổ bao mồ hôi, công sức, khắc phục bao trở ngại, chông gai, để xây đắp nên con đường hợp tác, hữu nghị, giờ đây là hoàn tất đường băng, để quan hệ có thể cất cánh, như lời của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhận xét.
Chương tiếp theo chắc chắn sẽ có nhiều nội dung hấp dẫn hơn. Tôi hình dung ra mối quan hệ Việt – Mỹ trưởng thành hơn, với ba đặc điểm:
Một là, quan hệ Việt – Mỹ ngày càng có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương nói chung, do những đóng góp của mối quan hệ này vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hai là, mặt hợp tác cùng có lợi sẽ tiếp tục là chủ đạo, góp phần định hình khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài, bền vững; các khác biệt vẫn tồn tại, song sẽ thu hẹp, không gây trở ngại cho quan hệ. Điều quan trọng là hai bên tôn trọng thể chế chính trị và sự lựa chọn con đường phát triển của nhau.
Ba là, quan hệ tiếp tục phát triển thực chất trên thế kiềng ba chân: song phương, khu vực và toàn cầu.
Vậy có điều gì trong quan hệ hai nước mà ông cho rằng hai bên có thể làm tốt hơn không?
Kỳ vọng thì bao giờ cũng lớn. Quan hệ thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, đáng tự hào. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi có những điều mà chúng ta hay nói là “giá mà”, tức là tiếc vì nó chưa xảy ra. Đó là:
Giá mà Mỹ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí, thì 2015 thực sự chứng kiến quan hệ bình thường hóa đầy đủ trên mọi phương diện.
Giá mà năm 2015, Tổng thống Obama thăm Việt Nam, thì sẽ là năm trọn vẹn đánh dấu chặng đường 20 năm đã qua, khởi đầu cho 20 năm tới.
Giá mà Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam thì năm 2015 sẽ được nhớ mãi như một cột mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế – thương mại Việt - Mỹ cùng với việc hoàn tất đàm phán Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, tất cả đang còn ở phía trước và cách tốt nhất là chúng ta lại cùng bắt tay vào chuẩn bị cho những vụ mùa tới, với nỗ lực, niềm tin và sự hứa hẹn tốt đẹp của tương lai.