TIN LIÊN QUAN | |
Vượt qua trở ngại, phát triển mạnh mẽ | |
Đối thoại thẳng thắn, thu hẹp khác biệt |
Theo TS. Phạm Cao Cường, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện vì lợi ích chung của hai nước.
Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đã và đang tác động trực tiếp tới môi trường an ninh khu vực, trong đó có Việt Nam. Kể từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đón tiếp ba nguyên thủ đến từ châu Á là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong số 25 chính khách của thế giới, thứ hai của châu Á và đầu tiên của Đông Nam Á có cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Điều này thể hiện rất rõ thiện chí của Chính phủ Mỹ muốn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam Á hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. |
Những bước tiến lớn
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ năm 1995 tới nay, quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các mặt, đặc biệt về chính trị, kinh tế và quân sự.
Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quan hệ Việt - Mỹ đã chứng kiến nhiều chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước như: chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Mỹ (6/2005), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (6/2008, 2/2016).
Năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Mỹ, đặt nền tảng cho việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Tuyên bố chung nhấn mạnh, Mỹ và Việt Nam sẽ tôn trọng hệ thống chính trị của nhau, tôn trọng nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Chuyến thăm Mỹ lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015 tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước trên tinh thần “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Chuyến thăm này đã mở ra những cơ hội hợp tác, đánh dấu sự tiến triển quan trọng trong nhận thức và tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, tháng 7/2015. (Nguồn: Reuters) |
Về phần mình, các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của Mỹ cũng nhiều lần tới Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Sau chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton tháng 11/2000, cựu Tổng thống George W. Bush đã thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2006 nhân dịp tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Tháng 5/2016, cựu Tổng thống Barack Obama đến Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam. Trong tuyên bố chung, hai bên “nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững vì lợi ích hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”. Tổng thống Obama cũng khẳng định, dù chính quyền mới là của đảng nào, chính sách với Việt Nam sẽ được tiếp tục.
Về hợp tác kinh tế, kể từ khi Việt - Mỹ ký kết Hiệp định thương mại song phương năm 2001, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có sự phát triển mạnh mẽ. Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam chủ yếu gồm sản phẩm nông nghiệp, máy móc, sợi và thiết bị điện tử. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bao gồm hàng may mặc, quần áo, nội thất, hàng nông nghiệp, hải sản, thiết bị điện tử. Từ năm 1995 - 2015, thương mại song phương tăng gần 100 lần, từ 451 triệu USD lên tới 45 tỷ USD.
Hiện nay, Mỹ xếp thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tính đến quý I/2017, Mỹ có 834 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 10,22 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam hiện có trên 147 dự án đầu tư sang Mỹ với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 571,38 triệu USD, xếp thứ 9 trong tổng số 68 quốc gia tiếp nhận đầu tư trực tiếp của Việt Nam.
Điều này thực sự chưa cân xứng với hai quan hệ hai nước. Mặc dù nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã và đang đầu tư tại Việt Nam song có lẽ vẫn chưa đủ. Việt Nam cần có khuôn khổ, kế hoạch cụ thể nhằm lôi kéo các nhà đầu tư của Mỹ. Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn ExxonMobil đã ký thỏa thuận khung phát triển dự án và Thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh với tổng giá trị khoảng 10 tỷ USD, dự kiến góp phần đưa Mỹ trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều tập đoàn Mỹ (Intel, Coca Cola, Procter & Gamble, Chevron, ConocoPhillips) đầu tư vào Việt Nam lại thông qua các chi nhánh, công ty con đăng ký tại Singapore, Hong Kong và các nước khác. Những công ty con này do vậy không tạo ra nhiều đóng góp về tăng trưởng, chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam. Ngoài ra, quy mô vốn bình quân của một dự án của Mỹ là khá thấp, khoảng 12,2 triệu USD, thấp hơn mức bình quân chung của một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 13 triệu USD/dự án.
Tập đoàn Dầu khí ExxonMobil có nhiều hoạt động hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). (Nguồn: BBC) |
Hợp tác an ninh - quốc phòng có thể coi là ví dụ điển hình của việc xây dựng lòng tin thành công giữa hai nước. Ngay sau khi Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ quân sự cũng được thiết lập trở lại. Trong suốt hơn 1 thập kỷ sau đó, hoạt động hợp tác nhanh chóng được mở rộng, bao gồm các cuộc trao đổi về quốc phòng ở cấp lãnh đạo.
Năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà thăm Mỹ để thảo luận việc hợp tác thúc đẩy an ninh khu vực. Năm 2005, Mỹ chính thức thiết lập chương trình Huấn luyện và Giáo dục quân sự quốc tế (IMET) cho Việt Nam.
Năm 2008, Việt - Mỹ bắt đầu tiến hành đối thoại về chính trị, an ninh, quốc phòng (PSDD) ở cấp Thứ trưởng và tới năm 2010, hai bên cùng ký Bản ghi nhớ về “Tăng cường hợp tác quốc phòng song phương” nhằm thúc đẩy hợp tác trên các khía cạnh: an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo và gìn giữ hòa bình. Hai bên cũng nhất trí trao đổi các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng 3 năm/lần. Tại đối thoại chính sách quốc phòng tháng 10/2013, hai nước ký “Thỏa thuận hợp tác về bờ biển”, qua đó giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, an ninh biển, dịch vụ sửa chữa hậu cần tại cảng biển.
Bên cạnh đó, kể từ năm 2003, các tàu chiến Mỹ đã ghé thăm Việt Nam. Tới tháng 9/2009, tàu cứu hộ USNS Safeguard trở thành tàu đầu tiên của Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động sửa chữa nhỏ tại Tp. Hồ Chí Minh. Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Leon Panetta đã tới Việt Nam và thăm quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Ông Panetta là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Cam Ranh kể từ sau năm 1975.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm cảng Cam Ranh năm 2012. (Nguồn: AFP) |
Năm 2007, phía Mỹ đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán các trang thiết bị quân sự phi sát thương cho Việt Nam, mở ra cơ hội đầu tiên để hai nước tiến hành giao dịch quân sự. Tháng 10/2014, Mỹ tiếp tục dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, theo đó, Việt Nam được phép mua các trang thiết bị quốc phòng liên quan tới an ninh và hàng hải. Tới tháng 5/2016, Mỹ chính thức tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Thay đổi nhận thức, hành động linh hoạt
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ, Việt Nam cần chú ý một số điểm sau:
Về tư duy chiến lược, Mỹ là một nước lớn, vì vậy cần phải xác định đâu là “chất keo dính” trong quan hệ song phương. Để hợp tác cùng có lợi, lâu dài, cần xác định những lợi ích hữu hình cho cả hai phía. Chính sách của Việt Nam cần phải “linh hoạt tối đa” để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, đồng thời chú ý đến sự cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay có tác động rất lớn tới tình hình khu vực. Trong khi đó, tính "thực dụng" trong chính sách đối ngoại của các nước hiện nay thể hiện rất rõ ràng. Vì vậy, Việt Nam cần phải có sự thay đổi trong nhận thức, linh hoạt trong hành động để xử lý một cách có hiệu quả và thiết thực trong quan hệ với Mỹ.
Về hợp tác kinh tế, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tập trung nhiều nỗ lực để khôi phục nền kinh tế trong nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm mới và giảm bớt thâm hụt mậu dịch thương mại. Vì vậy, Việt Nam cần chủ động đề xuất các thỏa thuận với Mỹ trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất với Mỹ về kế hoạch 5 điểm nhằm tạo ra hơn 700.000 việc làm mới tại Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đề xuất "kế hoạch 100 ngày" nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ và giảm thâm hụt thương mại. Vì vậy, các sáng kiến và kế hoạch hợp tác cần có mục tiêu rất rõ ràng thì mới tăng cường sự hợp tác lâu dài.
Hiện nay, Việt Nam được coi là "điểm nóng" trong thặng dư thương mại với Mỹ, khoảng 30 tỷ USD vào năm 2016. Tổng thống Donald Trump không chủ trương ngăn cản tự do hóa thương mại, nhưng tự do hóa thương mại của ông là phải có sự công bằng, bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đòi hỏi Việt Nam cần phải có cách tiếp cận mới trong quan hệ thương mại với nước này.
Mỹ là thị trường lớn của Việt Nam, chiếm tới 20% xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, khi Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam cần chủ động có phương án B là đề xuất đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nước này. Để thực hiện điều đó, Việt Nam nên tiếp tục đàm phán để được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập chung (GSP) với Mỹ, đàm phán Hiệp định đầu tư song phương (BIT) và Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA).
Việt Nam cần chuẩn bị phương án B cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ sau khi nước này rút khỏi TPP. (Nguồn: Business in Vancouver) |
Mặc dù có sự tiến triển mạnh mẽ, nhưng so với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu trong hợp tác quốc phòng với Mỹ. Thỏa thuận IMET hiện mới chỉ cho phép các sĩ quan Việt Nam được đào tạo về ngoại ngữ trong các học viện quân sự của Mỹ. Do đó, hai nước cần mở rộng hơn nữa phạm vi đào tạo của chương trình này sang các lĩnh vực Y tế, Kỹ thuật và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các sĩ quan Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các vấn đề an ninh phi truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, việc tăng cường hợp tác chống khủng bố, cướp biển, an ninh mạng, an ninh hàng hải... là những trọng tâm trong quan hệ Việt - Mỹ.
Đặc biệt, Việt Nam nên tiếp tục ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, thúc đẩy hợp tác với Mỹ trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực vì lợi ích chung. Việt Nam cần bày tỏ rõ lập trường kiên quyết, rõ ràng về chủ quyền của mình tại Biển Đông; tranh thủ sự ủng hộ của các nghị sĩ Quốc hội Mỹ trong việc lên án và phản đối tình hình quân sự hóa Biển Đông hiện nay, tạo cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Tạo khuôn khổ hợp tác mới
Có thể thấy, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ sẽ tạo tiền đề cho một khuôn khổ hợp tác mới giữa hai nước dưới thời Tổng thống Trump. Không những thế, chuyến thăm còn có ý nghĩa mở đường cho chuyến đi của Tổng thống Trump tới Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cao cấp APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
Trong buổi tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã xác nhận Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới. (Nguồn: ĐSQ). |
Thực tế cho thấy, sau mỗi thỏa thuận ký kết giữa Việt Nam và Mỹ, quan hệ hai nước lại tiếp tục phát triển. Thương mại và đầu tư song phương cũng do vậy mà gia tăng một cách nhanh chóng. Là người mong muốn tạo ra những điều mới mẻ, ông Trump có lẽ cũng muốn tạo ra một bước đột phá mới trong quan hệ Việt - Mỹ trong nhiệm kỳ này. Vì vậy, việc xác định những vấn đề hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới là vô cùng quan trọng. Các vấn đề về như thương mại, đầu tư, an ninh, quân sự, tình hình Biển Đông và điểm nóng khác tại khu vực sẽ được phía Mỹ quan tâm và đề cập tới trong cấp độ hợp tác song phương với Việt Nam.
Từ mối quan hệ "đối tác toàn diện" tới "đối tác chiến lược" hay "đối tác chiến lược toàn diện" có lẽ sẽ là tiến trình tiếp theo của quan hệ Việt - Mỹ trên cơ sở lợi ích chung của hai dân tộc, lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, ổn định tại khu vực. Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức trong việc tăng cường quan hệ với Mỹ. Quan hệ Việt - Mỹ cần có lộ trình, chương trình hành động cụ thể, nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong những văn kiện, tuyên bố trước đây, từ đó góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong tương lai.
Củng cố nền móng vững chắc cho quan hệ Việt – Mỹ Tại buổi tiếp Thị trưởng San Francisco Edwin Lee, sáng 10/3 ở trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định hợp ... |
Việt Nam và Mỹ có nhiều điểm song trùng về lợi ích Tổng thống thứ 45 của Mỹ, tỷ phú Donald Trump vừa tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1, mở ra trang sử mới cho đất nước ... |
Đẩy mạnh hơn đà phát triển quan hệ đã có “Chúng ta khẳng định chính sách nhất quán coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ; sẵn sàng cùng Chính quyền mới nỗ lực để phát ... |