📞

Việt Nam-Ấn Độ: Những kỷ niệm không phai mờ

Phạm Sỹ Tam 18:38 | 03/09/2022
Một số bạn bè muốn tôi kể về những kỷ niệm khi công tác ở Ấn Độ. Tôi thấy điều này thật thú vị. Gần sáu năm làm Đại sứ và ba chuyến công tác qua Ấn Độ, tôi có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình hữu nghị vĩ đại giữa hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ.
5 phút biểu diễn trọn 5 tiết mục văn hoá của đoàn Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tại Dinh Tổng thống Ấn Độ. (Nguồn: NVCC)

Buổi biểu diễn ở Phủ Tổng thống

Đoàn Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thăm và công diễn tại Ấn Độ. Sau khi liên hệ, biết Tổng thống Kocheril Raman Narayanan đang ốm, Đại sứ ta đặt vấn đề đoàn sẽ đến biểu diễn riêng cho Tổng thống. Không ngờ Tổng thống đồng ý ngay và mời đến thăm Dinh Tổng thống. Tôi bàn với anh Định, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam: “Tổng thống đang ốm, nên đoàn chỉ nên biểu diễn 5 tiết mục trong 5 phút, đoàn làm được không?”.

Giám đốc Định đồng ý với phương án tôi đưa ra.

Khi đến Dinh Tổng thống, bà Usha Narayanan, Phu nhân Tổng thống, dẫn đầu các quan chức Phủ Tổng thống Ấn Độ đón tại cổng chính. Bà tươi cười và nói bằng tiếng Việt: “Chào mừng các bạn Việt Nam!” làm cả đoàn rất ngạc nhiên và xúc động.

Vào đến phòng khách, cả đoàn đã thấy Tổng thống chờ sẵn, tươi cười và rất ân cần.

Chúng tôi rất vinh hạnh được Tổng thống Ấn Độ và phu nhân đón tiếp nồng nhiệt. Giám đốc Định đạo diễn một chương trình nghệ thuật vô cùng ngắn gọn và đặc sắc.

Bà Usha Narayanan cho biết, bà và Tổng thống đã từng công tác nhiệm kỳ ở Hà Nội. Ông là Trưởng Cơ quan đại diện Ấn Độ bên cạnh Bác Hồ tại Việt Nam. Cả gia đình thường được Bác Hồ đón vào Phủ Chủ tịch.

Sau buổi biểu diễn, Tổng thống và Phu nhân chụp ảnh kỷ niệm với đoàn Việt Nam. Sau đó bà Usha dẫn chúng tôi ra vườn thượng uyển vừa ngắm cảnh vừa nói chuyện rất thân tình.

Tổng thống Kocheril Raman Narayanan dẫn đoàn Việt Nam tham vườn thượng uyển trong Dinh Tổng thống. (Nguồn: NVCC)

Ấm tình lúc gian khó

Vào những thập niên 1980-1990, Việt Nam bị bao vây cấm vận từ cả phương Tây và một số nước phương Đông, khó có đường ra nước ngoài. Một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam khi quá cảnh nước ngoài cũng bị phá hỏng. Cả nước không đủ lương thực, một số tổ chức quốc tế phải dành nhiều viện trợ không hoàn lại giúp trẻ em Việt Nam đang học ở các nhà trẻ - mẫu giáo có thể đảm bảo dinh dưỡng.

Hằng năm, Ấn Độ cũng viện trợ cho Việt Nam khoảng 500.000 tấn gạo, nhưng ta đề nghị được nhận tấm để có số lượng nhiều gấp đôi. Khi tôi sang làm Đại sứ tại Ấn Độ, Việt Nam đã thực hiện đổi mới được 11 năm.

Từ năm 1989, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu mỗi năm khoảng 1 triệu tấn gạo trở lên. Từ khi ta xuất khẩu gạo, Ấn Độ chuyển sang viện trợ không hoàn lại chủ yếu bằng các công trình công - nông nghiệp, văn hoá, cấp học bổng cho cán bộ, sinh viên và thực tập sinh Việt Nam sang học.

Vào đầu năm, tôi đều lên gặp lãnh đạo và Vụ trưởng Vụ khu vực của Bộ Ngoại giao bạn để nêu những ý kiến về chương trình hợp tác mà cả hai bên cần chuẩn bị, phối hợp đề xuất lên cấp trên của mỗi bên và tiến hành chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao. Lúc đó phía Ấn Độ bao giờ cũng nêu những nội dung viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Có lần khi bàn về mục này, Vụ trưởng Vụ khu vực nói vui với tôi: “Thưa Đại sứ, bây giờ Việt Nam còn khó khăn, sau này Việt Nam sẽ giàu lên, lúc đó Việt Nam nhất định sẽ giàu hơn, lúc ấy hãy viện trợ lại chúng tôi”.

Việc phối hợp công tác ngay từ đầu năm giữa Đại sứ quán ta và Bộ Ngoại giao bạn trong thúc đẩy phát triển quan hệ giữa hai nước là rất hiệu quả.

Khối thống nhất ủng hộ Việt Nam

Chủ tịch Đảng Quốc đại Sonia Gandhi là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. (Nguồn: NVCC)

Khi đoàn đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao thăm Ấn Độ, Chủ tịch Đảng Quốc đại và lãnh đạo Đảng Nhân dân Ấn Độ tiếp và trao đổi chân tình. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ - CPI và Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít – CPI (M) đều đến tiếp kiến đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm tại Đại sứ quán.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm cùng hai đồng chí Tổng Bí thư và tôi đều rất cảm động và ấn tượng về tình hữu nghị thắm thiết được thể hiện tại các cuộc tiếp kiến này. Cũng như các lãnh đạo cao nhất của các đảng lớn ở Ấn Độ như Quốc đại, Nhân dân, CPI… đều khẳng định: Bên cạnh Việt Nam, chúng tôi dù ở đảng chính trị nào cũng trở thành một khối thống nhất ủng hộ Việt Nam hết mình.

“Muốn là người Việt Nam!”

Nhiều cuộc chiêu đãi đã được địa phương và Ngoại giao đoàn tổ chức khi Đại sứ Việt Nam chuẩn bị rời nhiệm sở về nước vào cuối năm 2002, trong có Đại sứ các nước như Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes cũng mời cơm từ biệt Đại sứ Việt Nam.

Lúc đầu dự kiến tổ chức tiệc tại nhà riêng của Bộ trưởng, nhưng sau Đại sứ quán ta được thông báo buổi tiệc diễn ra tại Bộ Quốc phòng “vì quá nhiều tướng lĩnh muốn gặp Đại sứ Việt Nam”.

Một số chính khách Ấn Độ nói lại với tôi, Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes sau khi thăm Việt Nam về đã đi giảng bài ở một số học viện quốc phòng và ca ngợi Việt Nam. Ông thường nói với các sĩ quan: “Nếu được sinh ra lần thứ hai, tôi muốn là người Việt Nam, vì người Việt Nam thông minh, dũng cảm và rất yêu nước”.