Bà Sheikh Hasina, Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh. (Ảnh: TTXVN) |
Trong khuôn khổ chuyến thăm từ ngày 2-4/11, Thủ tướng Sheikh Hasina dự kiến có các cuộc gặp với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Năm văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, khoa học – công nghệ sẽ được ký kết.
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Bangladesh được bắt đầu từ những ngày đấu tranh giữ nước và dựng nước. Chính phủ và nhân dân Bangladesh đã ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Lúc bấy giờ, cô sinh viên Sheikh Hasina cũng đã từng xuống đường, hòa vào dòng người biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đáng quý hơn nữa, Bangladesh là nước đầu tiên ở Nam Á, thứ 2 ở châu Á không theo Chủ nghĩa Xã hội đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ với Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Tháng 2/1973, Việt Nam và Bangladesh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Từ năm 1990 đến nay, quan hệ hai bên có nhiều bước phát triển mới, quan trọng cả về chính trị và kinh tế. Tháng 11/1993, Bangladesh lập Đại sứ quán tại Hà Nội và Việt Nam mở lại Đại sứ quán tại Dhaka từ tháng 1/2003. Một điểm tích cực trong mối quan hệ giữa hai nước là sự hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Bangladesh ủng hộ Việt Nam làm ứng cử viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khoá 2008-2009 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam ủng hộ Bangladesh tham gia ASEM. Phía Bangladesh đề nghị Việt Nam ủng hộ tham gia hợp tác sông Mekong - sông Hằng…
Quan hệ kinh tế có bước phát triển vượt bậc trong năm 2010 và 2011 với kim ngạch hai chiều năm 2011 lên gần 482 triệu USD, theo số liệu của Bộ Công Thương. 7 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 186 triệu USD. Cùng với những khởi sắc kể trên, việc hơn 30 doanh nghiệp Bangladesh sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh lần này là những tín hiệu cho thấy triển vọng tươi sáng cho sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, đến nay quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác giữa hai nước ở mức độ rất thấp hoặc chưa có gì và chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Hai nước đang phấn đấu đưa hợp tác trên các lĩnh vực khác như nông - ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giáo dục-đào tạo… lên tương xứng với quan hệ chính trị.
Bangladesh là quốc gia trẻ nhất Nam Á, được thành lập năm 1971. Nước này nằm ở phía Đông Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ, Tây, Bắc và Đông giáp Ấn Độ; Đông Nam giáp Myanmar và Nam giáp Vịnh Bengal. Nhờ ổn định chính trị, kinh tế Bangladesh đang tiến triển tích cực. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), liên tiếp trong hai năm 2010 và 2011, tăng trưởng GDP của nước này đạt từ 6% trở lên và dự kiến đạt 7% trong năm 2012. Xuất khẩu lao động là thế mạnh của Bangladesh. Hiện có khoảng 2 triệu lao động Bangladesh đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm chuyển về nước hàng tỷ USD (năm 2010 là hơn 10 tỷ USD và 14 tỷ USD trong năm 2011). Bên cạnh đó, Bangladesh còn có thế mạnh về dệt may, thủy hải sản.
Nhất Phong
Bangladesh là thành viên của LHQ, Phong trào Không liên kết, Tổ chức các nước Hồi giáo (IOC) và Khối Liên hiệp Anh, Tổ chức hợp tác các nước Nam Á (SAARC), WTO, Diễn đàn đối thoại châu Á (ACD)… Bangladesh đã được chấp thuận làm thành viên ARF vào 2006, đang vận động để tham gia tổ chức Hợp tác sông Hằng - Mekong (MGC), và dự kiến sẽ được kết nạp làm thành viên của ASEM tại Hội nghị Cấp cao ASEM 9 tại Lào vào tháng 11 tới. |