Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Khóa họp thứ 25 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. |
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Diễn đàn được quan tâm hàng đầu
Hội nghị Cấp cao và Khóa họp thường kỳ lần thứ 25 Hội đồng Nhân quyền năm nay diễn ra trong bối cảnh quyền con người là vấn đề đang được quan tâm cao và có tầm quan trọng bên cạnh các vấn đề hòa bình, an ninh và hợp tác, phát triển.
Là cơ quan chính của Liên hợp quốc, diễn biến và hoạt động của Hội đồng Nhân quyền luôn được quốc tế quan tâm theo dõi sát, đặc biệt là các hội nghị và khóa họp thường kỳ khi Hội đồng trực tiếp đánh giá, xử lý các vấn đề về quyền con người trên thế giới. Đây cũng là diễn đàn để các nước bày tỏ, chia sẻ quan tâm của mình về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Năm nay, Hội nghị quy tụ các đoàn cấp cao của gần 100 nước, có cấp Nguyên thủ quốc gia, Lãnh đạo Chính phủ và hầu hết là ở cấp Bộ trưởng đã thể hiện quan tâm và sự coi trọng của quốc tế với vai trò ngày một quan trọng của Hội đồng Nhân quyền. Điều này cũng là minh chứng cho nỗ lực và quyết tâm của các nước trong việc trao đổi, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau để đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người ở trong nước mình cũng như đóng góp vào nỗ lực chung của quốc tế.
Có thể thấy trong hơn bảy năm vừa qua, Hội đồng Nhân quyền đã chứng tỏ được khả năng hoạt động hiệu quả và toàn diện hơn, có nhiều sáng kiến và giải pháp thiết thực để thúc đẩy công tác đảm bảo quyền con người như nâng cao nhận thức, pháp điển hóa các quyền. Nhiều cơ hội về trao đổi, hợp tác xây dựng giữa các nước về các vấn đề quyền con người đã được quan tâm thúc đẩy tại diễn đàn Hội đồng Nhân quyền, cụ thể như cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR).
Tuy nhiên, chúng ta cũng chứng kiến một số thách thức đối với việc đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người, đó là suy thoái kinh tế - tài chính, biến đổi khí hậu, thiên tai, tình trạng thiếu lương thực, nước sạch... Bên cạnh đó, tình trạng xung đột, bạo lực đang leo thang tại một số khu vực trên thế giới cũng đe dọa an toàn, cuộc sống của người dân và có tác động nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định khu vực. Bản thân Hội đồng Nhân quyền cũng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc của mình, hạn chế các xu hướng chỉ trích, phê phán thiếu xây dựng trong quá trình làm việc, làm sao để ngày càng đảm bảo uy tín, vai trò và hiệu quả của bản thân.
Đây là những quan tâm lớn của các nước khi tham dự Hội nghị Cấp cao lần này. Có thể nói, quốc tế trông đợi Hội nghị lần này sẽ góp phần đáng kể để Hội đồng tăng cường các nỗ lực đối thoại, hợp tác giữa các nước để tìm ra giải pháp phù hợp cho những vấn đề cấp bách, hướng tiếp cận bền vững đối với các thách thức có tác động lâu dài đối với quyền con người, qua đó góp phần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền trong hệ thống nhân quyền Liên hợp quốc và công tác đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Sự tham gia của Việt Nam
Việt Nam vừa được các nước tin tưởng và ủng hộ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao. Đây vừa là sự ghi nhận, đánh giá khách quan của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về quyền con người, vừa là sự coi trọng của các nước trước mong muốn và khả năng đóng góp hơn nữa của Việt Nam vào nỗ lực chung của thế giới về quyền con người cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền.
Việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao và Khóa họp thường kỳ lần thứ 25 của Hội đồng Nhân quyền thể hiện tinh thần trách nhiệm, đóng góp chủ động và tích cực của Việt Nam vào các công việc chung của Hội đồng Nhân quyền; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, đồng thời là dịp để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và một số nước bạn bè, đối tác.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao chiều ngày 3/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Chính sách này xuất phát từ truyền thống văn hóa và lịch sử, từ nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam và phù hợp với những giá trị chung của nhân loại. Thời gian qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đảm bảo chất lượng cuộc sống và việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền cho người dân ở mọi lĩnh vực. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 5/8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và có triển vọng hoàn thành các Mục tiêu còn lại trước thời hạn 2015, là một trong 10 nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua theo Báo cáo chỉ số phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc.
Bất chấp một số khó khăn kinh tế một phần do tác động của tình hình kinh tế - tài chính toàn cầu, Việt Nam không những không cắt giảm mà còn đẩy mạnh các chính sách đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, các dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn khác.
Riêng năm 2011-2012, hơn 1 tỷ USD đã được đầu tư để hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, miễn giảm học phí và trợ cấp tiền ăn cho trẻ em nghèo, trẻ em thuộc dân tộc thiểu số….
Đặc biệt, bản Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 sau một thời gian dài tiếp thu hàng chục triệu ý kiến đóng góp, dành riêng 36 điều/120 điều nói về quyền con người và quyền và nghĩa vụ của công dân, là bước tiến đáng kể của việc củng cố nhà nước pháp quyền và pháp điển hóa quyền con người, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cam kết Việt Nam sẽ là một thành viên tích cực, trách nhiệm, có đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền; là đối tác tin cậy, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các nước trên các vấn đề cùng quan tâm về quyền con người. Việt Nam cũng sẽ đề nghị Hội đồng Nhân quyền quan tâm, thúc đẩy hơn nữa việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, quyền của những nhóm dễ bị tổn thương cũng như tác động của các vấn đề biến đổi khí hậu, xuống cấp về môi trường, khai thác tài nguyên quá mức với cuộc sống, an toàn của người dân.
Đây là những định hướng và ưu tiên lớn mà Việt Nam sẽ triển khai, trong đó có nhiều vấn đề sẽ được Hội đồng Nhân quyền tập trung thảo luận tại Khóa họp thứ 25, đó là chống đói nghèo, giảm thiểu tác động của vay nợ nước ngoài đối với việc hưởng thụ các quyền con người, nhân quyền và môi trường, phòng chống bạo lực, buôn bán trẻ em.
Song song với hướng tham gia nêu trên, Việt Nam cũng sẽ cùng với các nước thúc đẩy đối thoại xây dựng, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên Hội đồng Nhân quyền; duy trì và phát huy cách tiếp cận toàn diện, đầy đủ, cân bằng trên tất cả các vấn đề, qua đó góp phần đảm bảo thành công và hiệu quả của Hội nghị Cấp cao cũng như khóa họp 25 của Hội đồng Nhân quyền.
Hoàng Chí Trung
Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao
Tại khóa họp thường kỳ lần thứ 25 này, các chủ đề chính được thảo luận gồm xem xét đánh giá các công việc và hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người nhập cư, Quyền của người khuyết tật, trong đó chú trọng đến quyền tiếp cận giáo dục của người khuyết tật, Thúc đẩy và bảo vệ không gian hoạt động của xã hội dân sự, Quyền của trẻ em, Công tác ngăn ngừa tội ác diệt chủng. Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên đại diện cho tất cả các khu vực, được bầu với nhiệm kỳ ba năm, là cơ quan chịu trách nhiệm chính và quan trọng nhất của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Cùng với Việt Nam, các thành viên khác của Hội đồng Nhân quyền trong phiên họp thứ 25 này gồm có Argentina, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Venezuela... Bên cạnh Hội nghị cấp cao, Hội đồng Nhân quyền cũng tổ chức ba phiên thảo luận cấp cao về quyền của người di cư, án tử hình và các cách tiếp cận mang tính phòng vệ trong hệ thống Liên hợp quốc để bảo đảm quyền con người. Bên cạnh phiên họp chính thức, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh còn tiến hành một loạt cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Elías Jaua Milano, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hirotaka Ishihara, Tổng thư ký Tổ chức Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Anders Johnsson... Ngoài việc thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với các công việc chung của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đây cũng là dịp để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác cũng như các tổ chức quốc tế. |