📞

Việt Nam chủ trì cuộc họp thường niên lần thứ 6 Nhóm làm việc Tiến trình Bali

Yến Trang 19:47 | 02/12/2021
Vừa qua, Việt Nam và New Zealand đã đồng chủ trì tổ chức cuộc họp thường niên lần thứ 6 Nhóm làm việc về triệt phá mạng lưới đưa người di cư trái phép và mua bán người (Nhóm làm việc) theo hình thức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đồng chủ trì Nhóm làm việc Tiến trình Bali sau 18 năm là thành viên Tiến trình Bali (từ năm 2002).
Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Lương Thanh Quảng phát biểu tại cuộc họp.

Cuộc họp gồm 2 phiên, phiên thứ nhất (ngày 16/11) trao đổi về tình hình phòng chống đưa người di cư trái phép và mua bán người tại khu vực trong hai năm qua, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với công tác phòng, chống tội phạm, chia sẻ các ví dụ thực hành tốt và kết quả triển khai các chiến dịch truy quét chung và truy tố xuyên biên giới.

Phiên họp thứ hai (ngày 17/11) thảo luận về Kế hoạch hoạt động của Nhóm trong năm 2022-2023, cập nhật tình hình và sáng kiến trong phòng chống đưa người di cư trái phép và mua bán người; hoạt động của Nhóm làm việc về chống mua bán người (TIPWG) và Nhóm chuyên trách lập kế hoạch và dự phòng trong khuôn khổ Tiến trình Bali (TFPP).

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự cho biết, hoạt động tội phạm đưa người di cư trái phép và mua bán người vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp, bất chấp việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ông Lương Thanh Quảng nhấn mạnh, các nước cần điều chỉnh nỗ lực ứng phó và tăng cường hợp tác nhằm phát hiện và triệt phá hiệu quả các mạng lưới đưa người di cư trái phép và mua bán người, kịp thời bảo vệ nạn nhân.

Các đại biểu đến từ 15 Nhóm làm việc và các tổ chức quốc tế tham gia thảo luận tại cuộc họp.

Tham dự cuộc họp gồm đại diện 15 thành viên Nhóm làm việc và đại diện một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL) và các cơ chế trong khuôn khổ Tiến trình Bali, gồm Văn phòng hỗ trợ khu vực, TIPWG, TFPP.

Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia do chính phủ Australia và Indonesia đồng khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia, tổ chức tại Bali tháng 2/2002. Hiện nay, Tiến trình có 49 thành viên và 27 quan sát viên.

Nhóm làm việc được thành lập năm 2014 tại Hội nghị quan chức cao cấp Nhóm công tác Tiến trình Bali lần thứ 8 tại Canberra (gồm các nước: Afghanistan, Australia, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Maldives, Myanmar, New Zealand, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, UAE, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam).

Nhóm làm việc tập trung vào các hoạt động cụ thể, có định hướng hành động nhằm tăng cường phối hợp trong triệt phá các mạng lưới tội phạm liên quan đến đưa người di cư trái phép và mua bán người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

(theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao)