Ngày 23/3/2016, tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất với sự tham dự của Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. (Nguồn: chinhphu.vn) |
Năm 2021 đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) với sự tham gia của sáu nước ven sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Hợp tác Mekong-Lan Thương hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, phối hợp, tự nguyện, cùng có lợi, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, với mục tiêu xây dựng khu vực Mekong hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Hợp tác cũng phản ánh mong muốn của các nước thành viên tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và nỗ lực chung trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường và phát huy tiềm năng của khu vực.
Sau 5 năm hoạt động, khuôn khổ Mekong-Lan Thương đã giúp thúc đẩy hợp tác giữa sáu nước trong các lĩnh vực ưu tiên là kết nối khu vực, nguồn nước, phát triển năng lực sản xuất, nông nghiệp và giảm nghèo, và hợp tác kinh tế qua biên giới.
Nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực đã được triển khai tại các nước Mekong; các trung tâm hợp tác chuyên ngành đã được thành lập.
Trong lĩnh vực nguồn nước, hợp tác MLC đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như việc thông qua Kế hoạch hành động 5 năm hợp tác nguồn nước MLC; thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước MLC; tổ chức Diễn đàn nguồn nước MLC thường niên; ký kết Bản ghi nhớ giữa Trung tâm hợp tác nguồn nước MLC và Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC); và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng MLC về hợp tác nguồn nước lần thứ nhất vào tháng 12/2019.
Sáu nước cũng đã nhất trí mở rộng chia sẻ thông tin số liệu thủy văn sông Mekong-Lan Thương cho cả năm và chính thức thực hiện từ ngày 1/11/2020 trên cơ sở Bản ghi nhớ ký kết giữa Ban thư ký MRC và Trung Quốc.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia tích cực và có trách nhiệm vào hợp tác Mekong-Lan Thương ngay từ những ngày đầu thành lập.
Cùng với các nước thành viên khác, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng giúp hợp tác Mekong-Lan Thương thực hiện các mục tiêu chung mà Lãnh đạo cấp cao sáu nước đề ra và đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu phát triển của khu vực.
Khu vực Mekong đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Hợp tác Mekong-Lan Thương được kỳ vọng sẽ góp phần phát huy tiềm năng của khu vực Mekong và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước thành viên.
Để làm được điều này, hợp tác Mekong-Lan Thương cần bảo đảm các tiêu chí sau: (i) Xây dựng trên cơ sở lòng tin và quan hệ chân thành, thẳng thắn, và hữu nghị; (ii) Bảo đảm các nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, tự nguyện, cùng có lợi, và tôn trọng luật pháp quốc tế; (iii) Lấy con người làm trung tâm và phát triển bền vững là nội dung xuyên suốt trong mọi hoạt động; (iv) Chú trọng tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung của khu vực, bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước thành viên; và (v) Hoạt động có trọng tâm trên cơ sở phát huy thế mạnh của các nước thành viên, phối hợp hài hòa với ASEAN và các cơ chế Mekong khác để tạo cộng hưởng và tác động lan tỏa.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ cùng với các nước thành viên tiếp tục thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương ngày càng hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và hiện thực hoá Tầm nhìn Mekong-Lan Thương hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.