📞

Việt Nam đang tham gia tích cực bảo vệ tầng ozone

16:47 | 14/09/2018
Ngày 14/9, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone với thông điệp “Giữ cho hành tinh luôn mát lành, nỗ lực bảo vệ tầng ozone và khí hậu của chúng ta”.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ tháng 1/1994, đồng thời đã cam kết tuân thủ các quy định của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.

Là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone theo lộ trình Nghị định thư quy định (bao gồm CFC, Halon, CTC, HCFC - hydrochlorofluorocarbon và Methyl Bromide - được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp...).

Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone tại Hà Nội. (Ảnh: Ly Ly)

Thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp từ ngày 1/1/2015, qua đó đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai Kế hoạch quản lý các chất HCFC giai đoạn II, nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở. Riêng đối với chất Methyl Bromide đã được cấm sử dụng cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu ở Việt Nam, kể từ ngày 1/1/2015.

“Trong khi chúng ta đã loại trừ thành công hầu hết các chất làm suy giảm tầng ozone, chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất thay thế có hiệu ứng khí nhà kính cao như hydrofluorocarbon - những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozone”, ông Thành cho hay.

Bà Tina Birmpili, Thư ký điều hành Ban Thư ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone nhấn mạnh, nhờ có cam kết phối hợp của các Bên thuộc Nghị định thư Montreal, nhiều chất làm suy giảm tầng ozone trong bầu khí quyển đã được loại trừ và các dự đoán khoa học cho thấy, tầng ozone sẽ hoàn nguyên ở mức năm 1980 vào năm 2060.

Tuy nhiên, bà Tina Birmpili cũng cảnh báo, năm nay, các kết quả nghiên cứu cho thấy phát thải CFC-11 (chất làm suy giảm tầng ozone nhiều thứ hai) do Nghị định thư Montreal kiểm soát đã gia tăng bất ngờ, mặc dù sản xuất chất này đã bị cấm trên phạm vi toàn cầu từ năm 2010.

Năm nay, các kết quả nghiên cứu cho thấy phát thải CFC-11 do Nghị định thư Montreal kiểm soát đã gia tăng bất ngờ. (Nguồn: Infonet)

Bà Tina Birmpili cho rằng, cần phải có hành động mang tính quyết định đối với bất kỳ việc sản xuất và tiêu thụ CFC-11 hoặc bất kỳ chất nào đã bị loại trừ; thực hiện các điều tra khoa học hơn nữa để thiết lập bức tranh rõ ràng về số lượng và nguồn phát thải của chất này. “Chúng ta cần thực hiện các hành động mạnh mẽ, tìm kiếm và giảm nhẹ nguồn phát thải”, bà Tina Birmpili nói.

Cũng trong khuôn khổ buổi Lễ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Tọa đàm về tác động kinh tế - xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC.

Tọa đàm là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và các bên liên quan trao đổi, thảo luận và có những ý kiến đóng góp về tác động của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đối với quốc gia, để trình Chính phủ xem xét phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về quản lý và loại trừ dần các chất HFC.