Trong suốt quá trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, nhất là vấn đề bình đẳng dân tộc, đoàn kết dân tộc trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của mình. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với gần 14 triệu người (chiếm khoảng 14,3% dân số cả nước).
Đồng bào các dân tộc thiểu số phần lớn sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Trong suốt quá trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, nhất là vấn đề bình đẳng dân tộc, đoàn kết dân tộc trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của mình.
Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Hôm nay, ngày 9/8, là Ngày Quốc tế về Dân tộc bản địa (IDWIP). Đây là ngày lễ quốc tế được Liên hợp quốc chọn ra kỷ niệm hằng năm nhằm tăng cường sự quan tâm của cộng đồng thế giới đến quyền của các dân tộc bản địa. |
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã và đang cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền bình đẳng, cơ hội phát triển của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi trên tinh thần "anh em như thể chân tay".
Việc chấp thuận và triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, liên quan đến các quyền bình đẳng cho dân tộc thiểu số và miền núi, là một trong những nỗ lực đó.
Các khuyến nghị này tập trung vào lĩnh vực chống sự phân biệt đối xử, bảo đảm các quyền cơ bản cho người dân tộc thiểu số như giáo dục, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội.
Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục
Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục là mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Việt Nam. Pháp luật Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Hiện nay có 5.766 trường mầm non và 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.
Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở.
Năm 2019, tại Việt Nam, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 96,9%; cấp trung học cơ sở là 81,6%; cấp trung học phổ thông là 47%.
Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135…
Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục là mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số
Công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của nhiều dân tộc thiểu số ngày càng được chú trọng.
Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng, đạt kết quả tốt. Nhờ đó, một số phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ.
Hằng năm, Việt Nam tổ chức nhiều ngày hội văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các dân tộc đặc trưng cho từng vùng, miền.
Chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc được chú trọng hơn, tăng cả số lượng đài và thời lượng phát sóng.
Bên cạnh đó, các ấn phẩm báo chí phong phú, đa dạng đã góp phần chuyển tải chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
Chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Mạng lưới y tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh - huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư. Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản.
Mạng lưới y tế cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng hoàn thiện; cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ y, bác sỹ ngày một nâng lên.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cũng đưa ra mục tiêu và tập trung đầu tư phát triển chăm sóc sức khỏe, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách toàn diện trong giai đoạn tới.
Bảo vệ các nhóm dân tộc rất ít người
Chính phủ đã ban hành Chương trình “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021-2030” tập trung vào các nhiệm vụ duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người.
Cụ thể là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người với các đồng bào dân tộc thiểu số khác trong vùng.
Chống phân biệt đối xử và bất bình đẳng giữa các nhóm dân tộc trong tôn giáo
Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, hiện nay nước ta có khoảng 2,8 triệu người dân tộc thiểu số theo tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số là người dân tộc thiểu số) với 16 tôn giáo được nhà nước cấp phép hoạt động và 10.239 cơ sở sinh hoạt.
Trong những năm qua, chính quyền địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không theo tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo được chăm lo. Các nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo đã được các cấp chính quyền quan tâm hướng dẫn, giải quyết.
Phát triển cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được triển khai xây dựng gồm 10 dự án, tiểu dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng; trạm y tế xã đạt chuẩn…
Trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và triển khai các chính sách bảo vệ và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số đặc biệt là vận động không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tăng cường các biện pháp cung cấp trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số
Trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số ở địa bàn khó khăn là một trong những chủ trương nhất quán từ trước đến nay của Việt Nam.
Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện đã thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp.
Trong 2 năm 2019 và 2020, đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 17.694 người dân tộc thiểu số và hỗ trợ thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng cho người dân tộc thiểu số có tính chất phức tạp hoặc điển hình là 6.890 người.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nỗ lực đẩy mạnh công tác truyền thông cho các tổ chức, cá nhân đặc biệt là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng địa bàn khó khăn để họ biết về quyền được trợ giúp pháp lý của mình.
Chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và triển khai các chính sách bảo vệ và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số đặc biệt là vận động không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Các cơ quan công tác dân tộc địa phương đã tổ chức được 7.245 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông cho 478.298 người tại các xã triển khai mô hình điểm, đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Triển khai Báo cáo quốc gia lần thứ 5 thực thi Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD)
Cuối năm 2020, Báo cáo quốc gia lần thứ 5 thực thi Công ước CERD đã được Việt Nam gửi lên Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc và đang chờ xếp lịch bảo vệ báo cáo.
Năm 2021, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát, tổng hợp, cập nhật thông tin về các thành tựu trong thực hiện chính sách dân tộc; triển khai công tác tuyên truyền về báo cáo CERD.
Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc tăng cường phối hợp với các Bộ ngành triển khai thực thi các công ước, điều ước, thỏa thuận quốc tế trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp tục trao đổi hợp tác với các nước bạn để nâng cao sự hiểu biết và cùng phát triển, nhằm bảo đảm quyền con người nói chung và quyền cho người dân tộc thiểu số nói riêng.