Trong ngày làm việc thứ 2 của ABAC III, các đại biểu đã tham gia nhiều cuộc thảo luận bàn tròn và hội nghị chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực tài chính và phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên sáng tạo, kỹ thuật số.
Các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, bao gồm đại diện của các doanh nghiệp, tổ chức, thể chế… đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra nhiều ý kiến đề xuất cho từng vấn đề.
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC Việt Nam tại Hội nghị ABAC III, ngày 25/7 |
Phần lớn các ý kiến đều nhấn mạnh đến vai trò của nguồn lực tài chính, yếu tố hợp tác công tư và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, giao thương hàng hoá, dịch vụ và đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn trong tương lai.
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về Đối tác Phát triển Doanh nghiệp APEC - Canada (ABACx), trong vai trò Chủ tịch ABAC Việt Nam, ông Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh những tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo ông Dũng, cuộc cách mạng này mang lại nhiều cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Các nền tảng Internet và thương mại điện tử không chỉ giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội tham gia thương mại toàn cầu, tăng khả năng cạnh tranh, đổi mới, tiếp cận thị trường… mà còn tận dụng tối đa các lợi thế so sánh, khắc phục rào cản thương mại và cung cấp sản phẩm cho thị trường với chi phí thấp hơn trước. Ngoài ra, các công ty sáng tạo cũng có thể thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư bản phi truyền thống theo những cách thức hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, Chủ tịch ABAC Việt Nam cho biết, hiện đang có những trở ngại ngăn cản các MSME tiếp cận với những cơ hội trên. Vì thế, ABAC kêu gọi xây dựng khuôn khổ chính sách thương mại điện tử tiến bộ trên toàn APEC để tăng cường khả năng tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật số cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận toàn diện cơ sở dữ liệu của khu vực cũng như toàn cầu. Bên cạnh đó, ABAC cũng muốn thiết lập các chương trình xây dựng năng lực thương mại điện tử trực tuyến và ngoại tuyến cho các MSME.
Cùng chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch kiêm CEO Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương Canada, Stewart Beck nhấn mạnh thêm, ABACx là nơi để các bên trao đổi kinh nghiệm và đưa ra ý tưởng giúp đỡ các doanh nghiệp. ABACx giúp chỉ ra những thách thức tăng trưởng đối với các doanh nghiệp trẻ, nhấn mạnh vai trò của các nhà đầu tư trong việc giúp đỡ doanh nhân khởi nghiệp và nhận diện những thách thức về chính sách mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Trong khi đó, tại hội thảo bản tròn về mở rộng cơ hội đầu tư hạ tầng cơ sở xuyên Thái Bình Dương, các đại biểu nêu rõ nhiều chính phủ hiện nay đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng được dự đoán sẽ lên tới khoảng 5.000 tỷ USD mỗi năm từ nay tới năm 2030 để có thể đáp ứng tăng trưởng trong tương lai. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), riêng ở khu vực châu Á, nhu cầu này vào khoảng 1.700 tỷ USD/năm.
Do vậy, khu vực tư nhân sẽ ngày càng giữ vai trò lớn hơn, giúp lấp đầy nhu cầu đầu tư đang thiếu hụt cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội đó, các nước, nhất là các nước đang phát triển, sẽ phải giải quyết một loạt thách thức liên quan đến năng lực hoạt động của khu vực công, hoạt động của thị trường trái phiếu, bảo hiểm, quỹ lương hưu, quỹ đầu tư, môi trường đầu tư và khả năng thanh toán cho các dự án cơ sở hạ tầng…
Theo đồng Chủ tịch Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương Donald W.Campbell, việc thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng dài hạn thông qua hợp tác và sáng tạo là rất cần thiết để tạo dòng chảy thuận lợi cho các luồng vốn đầu tư. Để thực hiện điều này cần có sự tham gia của các chính phủ, ngân hàng phát triển đa phương, các nhà đầu tư tư nhân và các thể chế tài chính.
Hội nghị ABAC III diễn ra ở Canada từ 24 - 28/7 là hội nghị cuối cùng trước khi các thành viên đệ trình lên các nguyên thủ APEC những khuyến nghị quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Việt Nam vào tháng 11 tới. Hội nghị được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả cụ thể cho các MSME trong toàn khu vực.