Việt Nam là một trong số ít những quốc gia trong khu vực và trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Nguồn: AFP) |
Điểm sáng kinh tế trong khu vực
Theo Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á vẫn chịu áp lực trước những đợt bùng phát Covid-19 mới, kinh tế Việt Nam vẫn đang nổi lên là một điểm sáng kinh tế trong khu vực với mức tăng trưởng nhanh, từ 0,4% trong quý II/2020 lên 2,6% trong quý III/2020, nâng mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 9 lên 2,1%.
ADB nhận định, dự báo tăng trưởng cho năm 2020 được điều chỉnh tăng từ 1,8% lên 2,3% do đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi, thương mại gia tăng, và kinh tế phục hồi nhanh chóng ở Trung Quốc. Dự báo tăng trưởng cho năm 2021 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 6,1%.
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Phát triển Singapore mới đây, tạp chí Global Business Outlook dự báo, đến năm 2029, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn cả Singapore, ở mức từ 6-6,5% trong 10 năm tới nhờ vào các yếu tố chủ chốt như các chính sách kinh tế tập trung vào sự bền vững lâu dài, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI)…
Thành công của Việt Nam cũng được trang tin hàng đầu châu Á Asiatimes ca ngợi là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Trang tin này nhận định, Việt Nam là ngôi sao đang lên trong nền kinh tế khu vực nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, mở đường cho Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Những yếu tố làm nên tăng trưởng, theo Asiatimes, đến từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia và ký kết, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) vào tháng 6 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11; tăng trưởng GDP được thúc đẩy bởi sản xuất và xuất khẩu – vốn dễ duy trì đà tăng trưởng hơn trong thời kỳ đại dịch so với các lĩnh vực phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa; địa điểm hấp dẫn thu hút dòng vốn FDI khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc khiến nhiều công ty sản xuất nước ngoài chuyển hoạt động sang Việt Nam, nơi các quan hệ thương mại với Mỹ ổn định hơn và ít bị đánh thuế hơn.
Tháng 10/2020, Viện nghiên cứu Lowy (Australia) công bố Chỉ số quyền lực châu Á cho thấy hình ảnh quốc tế của Việt Nam được cải thiện tốt nhất ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay, với số điểm về sức ảnh hưởng ngoại giao tăng 6 điểm phần trăm.
Đầu năm nay, Viện nghiên cứu Lowy cho biết Việt Nam là nền kinh tế có mức tăng cao thứ 3 về danh tiếng quốc tế vì đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 (chỉ đứng sau Đài Loan - Trung Quốc và New Zealand).
Xuất sắc vượt “bẫy” kinh tế Covid-19
Trong bài viết với nhan đề Việt Nam: Nhà lãnh đạo thực tế mới của ASEAN?, tờ The ASEAN Post đánh giá rất cao Việt Nam ở khả năng vượt “bẫy” kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. “Ngay cả trong những thời điểm khó khăn, bất thường này, nền kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ”, tờ báo nhận định.
Tờ The ASEAN Post đã chỉ ra 3 yếu tố giúp Việt Nam có thể sớm ổn định và phục hồi kinh tế trước những tác động khó lường của Covid-19, đó là:
Thứ nhất, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các biện pháp cắt giảm, miễn giảm thuế, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp.
Thứ hai, Việt Nam đã nhiều lần sửa đổi Luật Đầu tư, chủ yếu theo hướng tiếp cận có lợi hơn cho các nhà đầu tư thông qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho dòng vốn FDI.
Kết quả, trong giai đoạn từ tháng 1-4/2020, Việt Nam đã thu hút được hơn 12 tỷ USD vốn FDI. “Với dòng vốn đầu tư gia tăng chưa từng thấy, Việt Nam có nhiều khả năng trở thành nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Trong 4 năm qua, khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư đã được rót vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam”, theo tờ The ASEAN Post.
Thứ ba, Việt Nam cũng đã phê chuẩn một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29/6/2020. Theo đó, từ tháng 7/2020, EU đã dỡ bỏ 85% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và hướng tới việc dần xóa bỏ hoàn toàn trong vòng 7 năm tới.
Đổi lại, Việt Nam cũng sẽ gỡ bỏ 49% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa châu Âu và đề ra lộ trình xóa bỏ hoàn toàn thuế trong vòng 10 năm tới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng vừa ghi nhận mức xuất siêu hơn 9,9 tỷ USD – mức cao nhất trong 4 năm qua. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2020.
Nền kinh tế Việt Nam trong quý III vừa qua cũng cho kết quả khả quan, ghi nhận mức tăng trưởng 2,6% do các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 2,93%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95% và dịch vụ tăng 2,75%. Về tổng thế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 dự kiến sẽ đạt 2,9%.