📞

Việt Nam gia tăng sức hút với nhà đầu tư nước ngoài, điều tuyệt vời nhất vẫn chưa đến

Việt An 15:53 | 22/09/2023
Ngày 21/9, chuyên về phân tích tài chính Gfmag (trụ sở tại Mỹ) đăng tải bài viết cho hay, một loạt chính sách thân thiện với nhà đầu tư đã và đang đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong những điểm hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất Đông Nam Á. (Ảnh: Việt An)

Theo chuyên trang nói trên, trong một thế giới già hóa, Việt Nam tự hào có lợi thế nhân khẩu học với 40% dân số dưới 25 tuổi. Đất nước cũng có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc dài 1.300 km và do đó có thể tiếp cận trực tiếp thị trường 1,2 tỷ người tiêu dùng, có chi phí nhân công thấp và lực lượng lao động đông đảo, có trình độ cao.

Song song với đó, cơ sở sản xuất của Việt Nam được hưởng lợi từ các vấn đề của Trung Quốc và thông qua tư cách thành viên trong ASEAN, Việt Nam có quyền tiếp cận miễn thuế với 800 triệu dân Đông Nam Á.

Các nhà đầu tư bên ngoài đang nhận được thông điệp trên.

Ông Thierry Mermet, Giám đốc điều hành của Source Of Asia (SOA) và là chuyên gia tư vấn cho các công ty đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và ASEAN nhận định: “Triển vọng năm 2023 về môi trường kinh doanh ở Việt Nam cho thấ,y những chỉ dấu cải thiện đầy hứa hẹn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 10 tỷ USD trong quý I/2023, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022”.

Ông Thierry Mermet dự báo, xu hướng này sẽ tiếp diễn. Triển vọng trong quý tiếp theo cũng có vẻ khả quan. Các công ty thực sự đang mong đợi trong thời gian tới sẽ đón nhận mức đầu tư trực tiếp nước ngoài tương tự.

"Về lâu dài, Việt Nam đang thực sự củng cố vị thế là một trong ba địa điểm hàng đầu mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư. Theo báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), có thêm 3% các lãnh đạo doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu. Đó là chỉ dấu rõ nét về việc chúng tôi đang đi đúng hướng”, Giám đốc điều hành SOA nhấn mạnh.

Một chỉ dấu khác cho thấy sức hút của Việt Nam là tập đoàn sản xuất xe điện VinFast mới đây đã trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới tính theo vốn hóa thị trường, đứng sau Tesla và Toyota.

Đối với ông Barry Elliott, Phó Chủ tịch Tomkins Ventures và là chuyên gia về chuỗi cung ứng hoạt động lâu năm tại Việt Nam, “điều này không chỉ báo hiệu một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp xe điện ở Đông Nam Á nói chung mà còn thể hiện năng lực sản xuất mới nổi của Việt Nam”.

Không có gì ngạc nhiên khi quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang hiện diện ở Việt Nam. Bà Trần Nguyên Thúy My, Chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures lưu ý rằng, các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đến từ khắp nơi trên thế giới. Việt Nam ngày càng được phương Tây quan tâm.

Tuy nhiên, bà Trần My thừa nhận Việt Nam có hai thách thức chính: “Khung pháp lý, đặc biệt là đối với các dịch vụ tài chính, rất phức tạp. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài bị hạn chế. Nhưng vẫn có thể đầu tư trong giới hạn cho phép. Thử thách thứ hai là ngôn ngữ và giao tiếp khi tỷ lệ người Việt trên 40 tuổi thông thạo tiếng Anh không cao”.

Bất chấp những vấn đề này, bà Trần My vẫn tự tin nói rằng: “Điều tuyệt vời nhất vẫn chưa đến!".

Trong nửa đầu năm 2023, 90 quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc đứng thứ nhất, chiếm 81 tỷ USD và Singapore đứng thứ hai với 72 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ ba với số vốn cam kết gần 70 tỷ USD.

Đáng chú ý, dù Mỹ đứng thứ 7 nhưng lại là đối tác xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam, với giá trị gần 110 tỷ USD trong năm 2022.

(theo gfmag.com)