Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hùng Việt (thứ hai từ phải) trao đổi với các cơ quan báo chí về tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an của Việt Nam. (Ảnh: Vân Chi) |
Theo Vụ các Tổ chức Quốc tế, trong bối cảnh mới, sự cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn tiếp tục căng thẳng, hoạt động của Hội đồng Bảo an vì thế cũng phức tạp hơn rất nhiều. So sánh với thời điểm khi Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, sự căng thẳng, cọ xát giữa các nước lớn mạnh mẽ hơn rất nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của Hội đồng.
Dù vậy, các nước Ủy viên không thường trực về cơ bản đều rất nỗ lực và hoạt động tương đối tích cực. Các nước cũng có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đưa ra quan điểm chung trong một số vấn đề.
Trong tháng Một, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã điều hành tất cả các cuộc họp của Hội đồng Bảo an, tiến hành các hoạt động như tham gia các cuộc làm việc với Đại sứ các nước thành viên Hội đồng Bảo an, gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc, đại diện các tổ chức phi chính phủ (NGO)…; tổ chức các cuộc họp báo, trả lời báo chí...
Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế Đỗ Hùng Việt khẳng định, Việt Nam đã hoàn thành suôn sẻ và đáp ứng được yêu cầu đề ra đối với vai trò của Chủ tịch. Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công 2 sự kiện thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Sáng kiến đầu tiên là phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm Liên hợp quốc: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Phiên thảo luận mở do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chủ trì đã có số lượng các diễn giả đông nhất từ trước đến nay (111 diễn giả, trong đó có 106 nước, nhiều diễn giả uy tín đại diện cho các cơ quan quốc tế lớn).
Ông Đỗ Hùng Việt cho rằng, sở dĩ Việt Nam có thể thu hút được sự tham gia đông đảo của cộng đồng quốc tế là do chủ đề Việt Nam lựa chọn rất phù hợp, diễn ra đúng vào lúc một loạt vụ tấn công và trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Iran khiến các nước quan tâm nhiều hơn đến luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Cũng tại phiên thảo luận mở này, lần đầu tiên trong lịch sử Liên hợp quốc có được một tuyên bố về thảo luận mở liên quan đến Hiến chương Liên hợp quốc. Đây cũng là sáng kiến của Việt Nam và được Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ.
Sáng kiến thứ hai của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an là lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an có một cuộc họp về thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN. Cuộc họp là cơ hội để nâng cao sự hiểu biết của Hội đồng Bảo an nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung về vai trò của ASEAN trong khu vực và thảo luận các nội dung có thể tăng cường hợp tác hơn nữa giữa Liên hợp quốc và ASEAN.
Các nước trong Hội đồng Bảo an đều rất hoan nghênh sáng kiến này của Việt Nam, đặc biệt là nhấn mạnh vai trò trung tâm rất tích cực của ASEAN trong cấu trúc khu vực và tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như đàm phán hòa bình, an ninh trên thế giới.
Về vai trò Chủ tịch của Việt Nam trong xử lý các vấn đề nóng, đặc biệt là tình hình Iran – Mỹ vừa qua, ông Đỗ Hùng Việt cho biết, vấn đề này chưa đưa ra Hội đồng Bảo an nên Việt Nam chưa phải xử lý. Một số vấn đề phức tạp khác mà Việt Nam đã phải xử lý là vấn đề Syria, vấn đề Myanmar, vấn đề Kashmir...
"Với tư cách Chủ tịch, chúng ta vừa phải đóng vai trò khách quan, minh bạch, vừa phải tuân thủ chính xác, đầy đủ các quy định, thủ tục của Hội đồng Bảo an", Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.