📞

Việt Nam kêu gọi tăng cường bảo vệ thường dân và hạ tầng, dịch vụ dân sự thiết yếu trong xung đột vũ trang

Chu An 11:17 | 27/05/2023
Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế và Nghị quyết 2573 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong khuôn khổ Tuần lễ bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang năm 2023 (22-26/5), tại trụ sở Liên hợp quốc (New York) đã diễn ra Phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an với chủ đề “Bảo đảm an ninh và phẩm giá của thường dân trong xung đột: giải quyết tình trạng thiếu lương thực và bảo vệ các dịch vụ thiết yếu” dưới sự chủ trì của Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ (nước Chủ tịch tháng 5/2023) và Toạ đàm với chủ đề “Bảo vệ môi trường là bảo vệ thường dân: hệ quả nhân đạo của thiệt hại do xung đột vũ trang đối với môi trường và cơ sở hạ tầng dân sự” do Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cùng các Phái đoàn Thụy Sỹ, Costa Rica, Tổ chức vì hoà bình (PAX), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cơ quan hành động bom mìn Liên hợp quốc (UNMAS) đồng tổ chức.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an với chủ đề “Bảo đảm an ninh và phẩm giá của thường dân trong xung đột: giải quyết tình trạng thiếu lương thực và bảo vệ các dịch vụ thiết yếu”.

Phát biểu tại Phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ thường dân là ngăn ngừa chiến tranh, xung đột; khẳng định có thể tránh được chiến tranh, xung đột nếu tất các nước tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Bày tỏ quan ngại về hậu quả lâu dài của thiệt hại về hạ tầng và dịch vụ dân sự thiết yếu đối với cuộc sống của thường dân trong và sau xung đột, nhất là phụ nữ và trẻ em, đại diện Việt Nam kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế và Nghị quyết 2573 của Hội đồng Bảo an, không dùng lương thực, nguồn nước và các hạ tầng liên quan làm công cụ để đạt được lợi thế quân sự hoặc chiến lược dưới bất kỳ hình thức nào.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng các nước tham gia xung đột phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ thường dân; đề nghị Hội đồng Bảo an lên án mạnh mẽ những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, tấn công bừa bãi và quá mức cần thiết vào hạ tầng dân sự thiết yếu, trong khi Đại hội đồng Liên hợp quốc cần nỗ lực củng cố hơn nữa hệ thống luật nhân đạo quốc tế.

Tháng 4/2021, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với thường dân trong xung đột vũ trang do Việt Nam chủ trì soạn thảo trên cương vị nước Chủ tịch Hội đồng. Nghị quyết đã được 64 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đồng bảo trợ, trong đó có tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an, qua đó khẳng định đồng sự thuận cao và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề bảo vệ thường dân và thúc đẩy tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Toàn cảnh Toạ đàm “Bảo vệ môi trường là bảo vệ thường dân: hệ quả nhân đạo của thiệt hại do xung đột vũ trang đối với môi trường và cơ sở hạ tầng dân sự”.

Phát biểu trong vai trò đồng chủ toạ Toạ đàm “Bảo vệ môi trường là bảo vệ thường dân: hệ quả nhân đạo của thiệt hại do xung đột vũ trang đối với môi trường và cơ sở hạ tầng dân sự”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đánh giá tác động của biến đổi khí hậu cùng những thiệt hại về môi trường liên quan đến xung đột có thể gây mất an ninh lương thực, khủng hoảng di cư, căng thẳng xã hội, làm trầm trọng thêm vòng luẩn quẩn giữa xung đột và đói nghèo.

Dẫn chứng về hậu quả nghiêm trọng, lâu dài của bom mìn và chất độc da cam đối với môi trường cũng như nhiều thế hệ người dân Việt Nam, Đại sứ nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần rút kinh nghiệm từ các bài học trong quá khứ để tránh những hậu quả thảm khốc tương tự trong tương lai; khẳng định hoà bình không thể bền vững nếu hậu quả của chiến tranh chưa được giải quyết.

Đại diện Việt Nam đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trên cơ sở Nghị quyết 2573, tiếp tục nỗ lực thảo luận, đề ra các biện pháp cụ thể và hiệu quả hơn nữa để bảo vệ thường dân, môi trường, hạ tầng dân sự thiết yếu, đồng thời tăng cường hiệu lực thực thi và tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm giải quyết xung đột cũng như xây dựng hoà bình hậu xung đột.

Trong khuôn khổ Tuần lễ bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang năm 2023 (22-26/5), Liên hợp quốc cùng các cơ quan trực thuộc, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các quốc gia thành viên đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng đồng thuận về bảo vệ an ninh, an toàn và các hạ tâng, dịch vụ thiết yếu đối với thường dân tại các vùng xung đột.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (New York) đồng chủ trì tổ chức Toạ đàm về bảo vệ thường dân và hạ tầng dân sự thiết yếu kể từ khi Nghị quyết 2573 được thông qua.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc)