📞

“Việt Nam không nhanh chân sẽ mất cơ hội”

15:49 | 30/05/2016
Một sinh viên luật Myanmar cho biết rất nhiều lao động Thái Lan và Myanmar đã tìm được chỗ đứng trong thị trường lao động Myanmar. Và Việt Nam, còn chần chờ gì nữa!

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập hồi tháng 12/2015 đến nay đã mở ra một tương lai mới cho người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho giới trẻ Việt Nam có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các quốc gia thuộc ASEAN.

Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài viết của Phạm Thu Hà, hiện đang làm Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Ateneo, Manila, Philippines với tựa đề: “Cơ hội tìm việc làm của lao động Việt Nam ở các nước ASEAN”.

Theo bài viết, báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết AEC sẽ tạo ra khoảng 14 triệu việc làm mới. Giới trẻ các nước ASEAN đang rất hứng khởi trước cơ hội này, họ sẽ có cơ hội lớn để bước ra khỏi biên giới nước mình tìm kiếm việc làm ở các nước khác trong ASEAN với các điều kiện thuận lợi.

Học ngôn ngữ bản địa ASEAN

Một lớp học tiếng Myanmar ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chỉ có 4 học viên. Một khóa học có 24 buổi với mức học phí là 5 triệu đồng. Hai trong số những học viên đó là hướng dẫn viên du lịch cho một công ty đang có khoản đầu tư lớn tại thị trường du lịch Myanmar. Người trẻ nhất của lớp học là một sinh viên năm cuối chuẩn bị đi tình nguyện dạy tiếng Việt cho một trường tiểu học ở Yangon, Myanmar.

Sinh viên Campuchia đang tìm hiểu thông tin việc làm. Nguồn: Phnom Penh Post

Trương Văn Sơn, một kiến trúc sư, đã có nhiều năm sống và làm việc tại Myanmar, hiện dạy tiếng Myanmar tại Trung tâm giáo dục Phương Nam, TP. Hồ Chí Minh. Anh cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc nghiên cứu ngôn ngữ các nước ASEAN nên được tiến hành trước khi AEC hình thành”. Theo anh Sơn, mặc dù các lớp học tiếng Myanmar còn hạn chế nhưng số lượng học viên đang tăng lên. Trước đây, các học viên đến học tiếng Myanmar chỉ vì muốn tìm hiểu về đất nước Myanmar nhưng nay nhiều người theo học vì muốn tìm việc làm tại đất nước này.

Hiện nhiều thanh niên Myanmar cũng đang tích cực học tiếng Việt với mong muốn có cơ hội tìm kiếm việc làm tại Việt Nam. Anh Sơn đã và đang dạy tiếng Việt cho những người Myanmar đến TP. Hồ Chí Minh để làm việc cho các công ty đa quốc gia. Anh nói thêm: “Họ đến đây học tiếng Việt ngay trước khi AEC thành lập, và những người Việt Nam có thể mất cơ hội làm việc ngay trên chính đất nước mình”.

Bùi Hoàng Diệu, từng là sinh viên trường Đại học Hà Nội, chuyên ngành tiếng Anh đã đăng ký học tiếng Thái Lan tại trường của mình như một ngoại ngữ thứ hai và điều đó đã giúp anh tìm thấy một công việc phù hợp ngay khi ra trường. Anh vừa sang Thái Lan để dạy một khóa học tiếng Việt cho người Thái. Anh cho biết: “Hiện có nhiều người Thái Lan đang muốn học tiếng Việt”.

Xu hướng tìm việc làm ở ngoài biên giới

Nguyễn Thu Hà đang theo học bằng Thạc sỹ tại trường Đại học Chulabhorn Graduate tại Bangkok về lĩnh vực nghiên cứu các độc tố trong môi trường, nguyên nhân gây ra các căn bệnh mãn tính, trong đó có ung thư. Chị cho biết: “Kiến thức học được tại trường đại học có thể đem về áp dụng trong các bệnh viện, các trường đại học hoặc các công ty dược phẩm ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam cơ hội để tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực này không dễ dàng. Trong khi đó ở các nước ASEAN khác, nhu cầu về lao động trong lĩnh vực này rất mở. Tôi tin rằng tôi có thể tìm được một công việc tốt ở Thái Lan hoặc tôi có thể làm công tác nghiên cứu ở một viện tại Singapore”.

Nhiều thanh niên Việt Nam đang tìm cơ hội việc làm ở các nước ASEAN.

Tiến sỹ Cao Đức Đam - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm dạy nghề AP của Việt Nam - cho biết: “Việt Nam hiện có 170 trường cao đẳng nghề, 306 trường trung cấp nghề, 45 trường được đầu tư với chất lượng cao. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 30 trường nghề ASEAN, một mức độ đáp ứng được các yêu cầu của khu vực và trên thế giới. Khi trải qua các môi trường học này, người Việt Nam sẽ có đầy đủ những kỹ năng để làm việc trong bất cứ nước nào của khu vực”.

Có 4 mục tiêu của AEC đã được xác định đó là: thị trường và sản xuất; các khu kinh tế mang tính cạnh tranh; phát triển vùng; hội nhập kinh tế toàn cầu. Có 8 loại hình lao động có thể tự do di chuyển tìm việc làm giữa các nước ASEAN đó là: kế toán; kiến trúc sư; nha sỹ; bác sỹ; kỹ sư; y tá; nhân viên giao thông vận tải; nhân viên du dịch. Ngoài ra, những công nhân có trình độ cao, những người tốt nghiệp đại học thông thạo một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh có thể tự do di chuyển tìm việc làm.

Tuy nhiên, hiện nay sinh viên Việt Nam chưa biết nhiều về AEC cũng như những cơ hội mà nó có thể mang đến. Họ cũng chưa nhận ra việc các trường đại học, trung học đang tích cực chuẩn bị cho việc này. Nhiều người vẫn đặt câu hỏi về việc liệu học tiếng Myanmar có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ở một đất nước mà nền kinh tế chỉ chiếm 0,2% kinh tế châu Á.

Mặc dù vậy, sinh viên luật Kaung Myat Ahkar, người Myanmar nói rằng: “Tiềm năng của Myanmar không phải là nhỏ. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô kinh tế của Myanmar có thể tăng gấp bốn lần đến 200 tỷ USD vào năm 2030. Với dân số khoảng 60 triệu người, đất nước chúng tôi hiện đang chào đón đầu tư nước ngoài cũng như vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc. Những người trẻ tuổi từ các nước như Thái Lan và Indonesia đang tích cực đến Myanmar. Và một khi cánh cửa AEC đã rộng mở, các bạn Việt Nam nếu không nhanh chân thì sẽ mất cơ hội”.

(theo Jakarta Post)