Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tại trụ sở LHQ, tháng 7/2013. |
LHQ và các nước thành viên đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội đồng khoá 70. Xin Đại sứ cho biết những đặc điểm nổi bật của khoá họp Đại hội đồng lần này?
Đại hội đồng khoá 70 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ, nên có nhiều nét đặc biệt, cả về tính chất, ý nghĩa và quy mô, với rất nhiều sự kiện, thu hút sự tham gia lớn chưa từng có của các nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất từ khắp nơi trên thế giới.
Được tổ chức từ ngày 25–27/9, Hội nghị thượng đỉnh của LHQ là Hội nghị lớn nhất kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh năm 2000, khi LHQ thông qua các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Tại Hội nghị lần này, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thách thức về hoà bình, an ninh và phát triển ngày càng gay gắt, lãnh đạo của 193 nước thành viên LHQ, trong đó có gần 160 người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ, sẽ thông qua chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 với tên gọi: “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự phát triển đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững”.
Với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 Chỉ tiêu cụ thể, Chương trình tạo khuôn khổ và định hướng phát triển mới mang tính bước ngoặt trong 15 năm tới cho mọi quốc gia trên ba trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường, để người dân được sống trong một thế giới không còn đói nghèo, phẩm giá con người được tôn trọng, bình đẳng, được tiếp cận giáo dục chất lượng tốt, chăm sóc sức khỏe đầy đủ, có công ăn việc làm ổn định, môi trường xanh và sạch...
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh, sẽ diễn ra nhiều cuộc thảo luận cấp cao, nhiều sự kiện bên lề về các đề tài: xoá nghèo đói; giải quyết bất bình đẳng, tăng quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các thể chế nhà nước hiệu quả; quan hệ đối tác toàn cầu...
Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng LHQ Khoá 70 sẽ diễn ra ngay sau Hội nghị thượng đỉnh với chủ đề: “LHQ ở tuổi 70: Con đường phía trước vì hoà bình, an ninh và quyền con người”.
Chúng ta hy vọng, với quyết tâm và cam kết ở cấp cao nhất của các nước thành viên, Đại hội đồng khoá 70 sẽ tạo dấu ấn lịch sử bằng việc thông qua và đi vào triển khai thực hiện các SDGs, mở ra một giai đoạn phát triển mới, hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, trong đó không một dân tộc nào, không một ai bị tụt lại phía sau.
Theo Đại sứ, ý nghĩa của việc Chủ tịch nước tham dự Đại hội đồng LHQ lần này và thông điệp của Việt Nam tại khoá họp quan trọng này là gì?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh của LHQ và các sự kiện của Đại hội đồng khoá 70 là một trọng tâm có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Trước hết, Việt Nam được quốc tế nhìn nhận là một quốc gia hoà bình, phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng, đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs). Sự có mặt và tham gia của Việt Nam ở cấp cao nhất tại diễn đàn đa phương quan trọng nhất của thế giới thể hiện Việt Nam đặc biệt quan tâm và tích cực tham gia vào các hoạt động của LHQ, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm duy trì hoà bình, an ninh thế giới, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, cũng như xây dựng định hướng lớn, khuôn khổ toàn cầu để thực hiện phát triển bền vững.
Thứ hai, đây là dịp để chúng ta giới thiệu thành tựu phát triển của đất nước, đường lối đối ngoại của Việt Nam, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện MDGs, xoá đói giảm nghèo, và tham khảo kinh nghiệm của bạn bè quốc tế.
Thứ ba, thông qua các hoạt động tại diễn đàn LHQ cũng như tiếp xúc song phương với các nước thành viên LHQ, chúng ta tiếp tục tăng cường hợp tác với LHQ, mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới.
Thông điệp quan trọng mà chúng ta chuyển tới bạn bè quốc tế là: Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đang thực hiện đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập tự chủ, vì hợp tác và phát triển, tích cực cùng cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết các thách thức chung và Việt Nam sẽ huy động mọi nguồn lực, tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đại sứ có thể cho biết thêm về vị trí của LHQ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam?
LHQ là đối tác phát triển quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đã giúp đỡ Việt Nam rất hiệu quả trong tái thiết sau chiến tranh, xoá đói nghèo, tư vấn chính sách giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của LHQ, coi việc tăng cường hợp tác hiệu quả với LHQ và nâng cao vai trò của Việt Nam tại diễn đàn này là một ưu tiên quan trọng trong triển khai đường lối đối ngoại.
Kể từ khi gia nhập năm 1977 tới nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực của LHQ, một trong những nước đi đầu thực hiện các MDGs, cũng là một trong những nước thí điểm thành công mô hình "Thống nhất hành động" của LHQ. Việt Nam đã cử các sĩ quan đầu tiên tham gia các phái bộ gìn giữ hoà bình của LHQ ở Nam Sudan và CH Trung Phi.
Chúng ta cũng tích cực tham gia vào các tiến trình đàm phán xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, chương trình hành động Addis Ababa nhằm thiết lập khuôn khổ tài chính toàn cầu mới cho phát triển, đề xuất và thúc đẩy những nội dung quan trọng như về chuyển giao công nghệ, hiệu quả của hợp tác quốc tế và ODA, tăng cường vai trò của nghị viện, của LHQ trong thực hiện phát triển bền vững... Thành công của chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tháng 5/2015 và chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới LHQ tháng 7/2015 đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và LHQ.
Việt Nam cần làm gì để tăng cường hơn nữa vai trò của mình tại LHQ?
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất với LHQ, đặc biệt là tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện các SDGs, phổ biến, tuyên truyền, lồng ghép SDGs vào các chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, hợp tác ba bên... Chúng ta sẽ tích cực đóng góp nhằm đạt một thoả thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 21 của LHQ về chống biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris vào tháng 12 tới đây.
Việt Nam tiếp tục tích cực cùng cộng đồng quốc tế xử lý các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững, bảo vệ, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia… Cùng với việc cử thêm sĩ quan liên lạc, tham mưu, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, chúng ta tích cực chuẩn bị để sẵn sàng cử các đơn vị quân y, công binh phù hợp với yêu cầu của LHQ và khả năng đáp ứng của Việt Nam. Chúng ta cũng tiếp tục tham gia các nỗ lực cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đại hội đồng LHQ và hệ thống phát triển LHQ.
Chúng ta đang nỗ lực hoàn thành tốt trọng trách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 – 2016 và phấn đấu để Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng kinh tế xã hội LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, đồng thời xúc tiến vận động để ứng cử thành công làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Xin Đại sứ chia sẻ về những công việc mà Phái đoàn đang tiến hành để chuẩn bị cho sự kiện này?
Trong nhiều tháng qua, Phái đoàn đã và đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Wasshington D.C. và các đơn vị trong nước triển khai công tác chuẩn bị, từ các vấn đề về nội dung, thu xếp chương trình tham dự các hoạt động của Hội nghị và các sự kiện bên lề, các cuộc tiếp xúc của Chủ tịch nước với lãnh đạo LHQ và lãnh đạo một số nước, cho tới công tác lễ tân, hậu cần, báo chí. Tuy khối lượng công việc rất lớn nhưng toàn thể anh chị em đều nỗ lực hết sức, góp phần làm cho hoạt động đối ngoại quan trọng này thành công tốt đẹp.
Nguyễn Kim (thực hiện)