Đại sứ Lương Quốc Huy phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam được tổ chức ở thủ đô Tehran ngày 5/9. |
Ông đánh giá thế nào về quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại hiện tại của hai nước Iran - Việt Nam?
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Trong thời gian qua, lãnh đạo cấp cao của hai nước đã có nhiều chuyến thăm như chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Iran và Tổng thống Hassan Rouhani tới Việt Nam vào năm 2016, chuyến thăm của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tới Iran vào năm 2017 và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani vào năm 2018. Hai nước đã và đang ủng hộ lẫn nhau trên cơ sở có đi có lại tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.
Về quan hệ kinh tế và thương mại, hai nước có tiềm năng rất lớn vì đều là các thị trường rộng lớn (Việt Nam có dân số hơn 97 triệu người trong khi Iran có khoảng 85 triệu người). Nền kinh tế của cả hai nước mang tính hỗ trợ lẫn nhau: Iran có lợi thế về dầu mỏ, các sản phẩm hóa dầu, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu lớn các sản phẩm như cà phê, chè, gạo, hạt tiêu, điều, giày dép, dệt may…
Xin ông cho biết giá trị thương mại giữa Iran và Việt Nam và những mặt hàng thương mại chính của hai nước?
Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương bình quân đạt 100 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, vào năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 30 triệu USD, cà phê 17 triệu USD, hạt cà phê 30 triệu USD, hạt tiêu 14 triệu USD và chè 7 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm như nhựa, sản phẩm dầu mỏ, kim loại và tân dược từ Iran.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Iran Reza Zabib đồng chủ trì phiên họp Tham vấn chính trị lần 7 giữa hai Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tuyến, ngày 15/3/2022. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Những rào cản chính trong thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước là gì?
Từ năm 2018 trở lại đây, hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc thanh toán qua chuyển khoản.
Một rào cản lớn nữa là doanh nghiệp hai nước chưa có đủ thông tin về tiềm năng, luật pháp, quy định, thủ tục kinh doanh của mỗi nước.
Hai nước có thể áp dụng những chiến lược nào để cải thiện thương mại song phương?
Để cải thiện thương mại song phương, ngoài các sản phẩm truyền thống, Việt Nam sẽ tập trung xuất khẩu các mặt hàng khác như máy vi tính, thiết bị điện tử, may mặc, giày dép, quần áo. Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm trái cây nhiệt đới như dừa, dứa, xoài, thanh long, chanh dây, bưởi, đu đủ… được người dân Iran ưa chuộng.
Trong thời gian tới, Đại sứ quán sẽ phối hợp chuẩn bị kỳ họp lần thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, thương mại, dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trong năm nay. Cuộc họp lần này sẽ xác định những khó khăn, vướng mắc và đề ra những nội dung, giải pháp, cơ chế chính để thúc đẩy quan hệ hai nước trong những năm tới.
Để thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại giữa hai nước, hai bên cũng cần đạt được thỏa thuận để ký kết Hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) và ký Biên bản ghi nhớ (MOU) trong lĩnh vực kiểm dịch và kiểm tra thực vật.
Nhân dịp ngày Quốc khánh vô cùng ý nghĩa này (2/9/1945 - 2/9/2022), chúng tôi đánh giá cao việc Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Ebrahim Raeisi đã chuyển lời chúc mừng tới Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Năm tới sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Iran khi hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập ngoại giao (4/8/1973 - 4/8/2023). Tôi mong rằng hai bên sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp này để mối quan hệ hữu nghị của chúng ta ngày càng sâu sắc. Tôi tin tưởng rằng quan hệ Việt Nam-Iran sẽ có những bước phát triển mới, phù hợp với tiềm năng của hai bên, phục vụ lợi ích của nhân dân trong thời gian tới. (Đại sứ Lương Quốc Huy) |