Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tiếp đoàn chuyên gia Hội đồng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Đoàn công tác đến Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APGN 8) được tổ chức tại Cao Bằng từ 9-15/9.
Tham gia Đoàn chuyên gia có các lãnh đạo của Mạng lưới CVĐC toàn cầu thế giới, Mạng lưới CVĐC khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các thành viên thuộc Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO, chuyên gia cao cấp về CVĐC toàn cầu Trần Tân Văn.
Về phía Việt Nam có sự tham dự của Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Thị Hồng Vân; Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng Phạm Văn Cao; Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Trịnh Hải Sơn; Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Lưu Bá Mạc; Giám đốc Ban Quản lý CVĐC toàn cầu non nước Cao Bằng Vi Trần Thuỳ, cùng các cán bộ của Ban thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc hoan nghênh chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Đoàn chuyên gia nhân dịp tham dự APGN-8 và chuyển lời chào thân mật của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tới các thành viên đoàn.
Thứ trưởng bày tỏ, Việt Nam luôn chia sẻ tầm nhìn và sứ mệnh với UNESCO. Chính phủ và người dân Việt Nam đều coi trọng vai trò của UNESCO như một diễn đàn đối thoại, trao đổi tri thức, hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đầy thách thức hiện nay, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, Việt Nam luôn là đối tác chiến lược tin cậy và thành viên có trách nhiệm, tích cực, đóng góp vào công việc chung của tổ chức.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc chia sẻ, Việt Nam đang sở hữu 68 danh hiệu, di sản được UNESCO ghi danh và đang thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện để kết nối các Chương trình, Công ước của UNESCO với các danh hiệu UNESCO (Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể, Di sản tư liệu, Công viên Địa chất toàn cầu, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Thành phố sáng tạo, Thành phố học tập toàn cầu…).
Trong đó, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO – nơi hội tụ các di sản địa chất, thiên nhiên, các giá trị về cảnh quan, sinh học, văn hoá phi vật thể – được coi là mô hình tiêu biểu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và toàn diện.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, 3 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Việt Nam (Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông) có nhiều đóng góp nhanh chóng và tích cực vào sự phát triển của địa phương; gửi lời cảm ơn sâu sắc tới ông Guy Martini, GS. Tân Văn và các chuyên gia đã đóng góp, hướng dẫn cho các địa phương Việt Nam tham gia vào mạng lưới trên.
Đồng thời bày tỏ mong muốn được đoàn chuyên gia UNESCO tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ đối với hồ sơ đề cử của Việt Nam trong tương lai, nhất là những địa phương miền núi, tiêu biểu như CVĐC Lạng Sơn của Việt Nam sắp được xem xét phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc chào đón Đoàn công tác đến Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APGN 8). (Ảnh: Tuấn Việt) |
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chia sẻ lãnh đạo và người dân tỉnh Lạng Sơn rất kỳ vọng và mong chờ CVĐC Lạng Sơn được ghi danh, tạo đà phát triển kinh tế, du lịch cho địa phương miền núi phía Bắc. Đồng thời, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường thiên nhiên trong quy hoạch chung của tỉnh.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng bày tỏ vui mừng khi ông Nikolaos Zouros cho biết, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà mới được ghi danh vào Danh sách 100 di sản địa chất mới được công nhận của Liên minh Khoa học địa chất quốc tế (IUGS) do ông đề xuất.
Thay mặt Đoàn chuyên gia, ông Nikolaos Zouros, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu, thành viên Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ Việt Nam, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các cơ quan, địa phương liên quan về sự đón tiếp chu đáo đối với đoàn và công tác chuẩn bị, tổ chức những sự kiện quan trọng đối với Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Nikolaos Zouros khẳng định luôn trân trọng những đóng góp và sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan trung ương, địa phương và các chuyên gia Việt Nam đối với Mạng lưới CVĐC toàn cầu trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thành lập và phát triển các mô hình Công viên địa chất toàn cầu cũng như sự hợp tác khăng khít giữa Việt Nam và Mạng lưới.
Ông Nikolaos Zouros, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu, thành viên Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO (ở giữa) phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Hướng tới Kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu, ông Nikolaos Zouros chia sẻ, Mạng lưới đã vượt qua nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu để tiến tới thiết lập chương trình CVĐC toàn cầu UNESCO như hiện nay.
Trong tiến trình đó, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia tích cực hỗ trợ, ủng hộ sáng kiến và sự phát triển của Mạng lưới nói riêng và các Công viên địa chất toàn cầu nói chung, là nước hai lần đăng cai các Hội nghị quan trọng của Mạng lưới vào các năm 2011 và 2024, cho thấy sự quan tâm và ủng hộ của các cơ quan từ Trung ương tới địa phương của Việt Nam đối với Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.
Việt Nam hiện có 3 CVĐC toàn cầu đã được ghi danh và 1 Khu đề cử. Ông Nikolaos Zouros nhận định Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển mạng lưới CVĐC hơn nữa và dành những lời chúc tốt đẹp cho các CVĐC toàn cầu đã được UNESCO ghi danh và cả những CVĐC đang hướng tới danh hiệu này.
Các CVĐC toàn cầu có ý nghĩa to lớn với không chỉ với chính quyền địa phương, mà còn với cộng đồng bản địa trong khu vực thông qua việc sử dụng di sản địa chất để phát triển bền vững, có trách nhiệm, nâng cao sinh kế và sự bền bỉ của cộng đồng trước biến đổi khí hậu, trở thành các mô hình phát triển bền vững cho các địa phương, cộng đồng khác trên toàn thế giới.
Ông Nikolaos Zouros cho rằng, trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay, chính quyền, các cơ quan quản lý và cộng đồng địa phương cần không ngừng nâng cao nhận thức, năng lực bảo tồn, quản lý và phát triển di sản địa chất để chủ động đối mặt với các hiểm họa thiên nhiên, đặc biệt là hiểm hoạ về địa chất và hỗ trợ sự phát triển bền vững tại những khu vực nông thôn, miền núi ở Việt Nam, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn cầu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Ông Jin Xiaochi, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu chia sẻ đánh giá trong tiến trình xây dựng và phát triển Mạng lưới, Việt Nam là một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng, kết nối các nước thành viên trong khu vực, góp phần lan tỏa ý nghĩa, vai trò của Mạng lưới. Ông Xiaochi đánh giá cao Công viên Địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng, trong 7 năm qua đã thể hiện là một thành viên tiêu biểu, tích cực, chủ động, trách nhiệm, điển hình nhất là đăng cai Hội nghị APGN-8 lần này.
Trong khi đó, ông Guy Martini, Tổng thư ký mạng lưới CVĐC toàn cầu bày tỏ vui mừng khi có nhiều năm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, được trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo, được tiếp xúc với người dân thân thiện, mến khách. Ông cảm ơn các bộ, ngành, địa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất để ông có cơ hội đóng góp chuyên môn.
Ông Guy Martini đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng và vui mừng khi Phú Yên, Quảng Ngãi, Hải Phòng… đang trong tiến trình nghiên cứu tham gia vào Mạng lưới. Ông cũng tin tưởng chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ có thêm nhiều địa phương tham gia vào Mạng lưới CVĐC chất toàn cầu trong tương lai.
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APGN 8) Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 8-15/9 với khoảng 800 đến 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra các hoạt động: Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu (2004 - 2024); các cuộc họp của Hội đồng CVĐC toàn cầu để đánh giá các hồ sơ thẩm định và tái thẩm định danh hiệu, cuộc họp của Ban Điều phối và Ban Tư vấn của Mạng lưới châu Á - Thái Bình Dương, các phiên hội thảo tổng thể và chuyên đề, cuộc họp song phương giữa các CVĐC; hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và tổ chức các gian hàng quảng bá hình ảnh du lịch địa phương. Đây là Hội nghị quy mô cấp quốc tế được tổ chức luân phiên 2 năm/lần tại các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO giữa các thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |