Trong cuộc phỏng vấn, Đại sứ Luận Thùy Dương đã đề cập tới rất nhiều vấn đề, từ cuộc cải cách kinh tế và dân chủ, tiến trình hòa bình cũng như quan hệ song phương giữa Việt Nam và Myanmar.
Xin Đại sứ chia sẻ những đánh giá của mình về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Myanmar?
Năm nay hai nước chúng ta kỷ niệm 42 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 70 năm ngày Việt Nam lập Văn phòng đại diện đầu tiên tại Myanmar. Tôi cho rằng đây là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai nước đã đạt được những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, khoa học-xã hội và công nghệ…. Về hợp tác kinh tế, hai bên đã có những thành công không chỉ trong thương mại mà cả đầu tư.
Thời gian gần đây cũng đã có nhiều viện khoa học xã hội và khoa học nhân văn của hai bên tiến hành các chuyến thăm để trao đổi quan điểm với nhau. Vì vậy có thể nói, mối quan hệ của chúng ta không chỉ được đánh dấu bằng số năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà còn ở trong cả quá trình phát triển. Hai nước sẽ sớm trao đổi các chuyến thăm ở cấp cao nhất và sẽ nỗ lực làm sâu sắc thêm các khuôn khổ hợp tác hai bên. Quan hệ giữa hai nước không chỉ về mặt ngoại giao mà trong cả những hoạt động giao lưu nhân dân, trao đổi giữa các đảng, các tổ chức xã hội và nó sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước chúng ta.
Ở Việt Nam, sau chiến tranh, hai miền Nam – Bắc Việt Nam đã thống nhất vào năm 1975. Đại sứ nghĩ thế nào về tiến trình hòa bình của Myanmar hiện nay?
Đất nước Việt Nam đã thống nhất năm 1975, sau 30 năm đấu tranh giành độc lập và chủ quyền quốc gia. Tôi nghĩ rằng cả Việt Nam và Myanmar đều có mục đích chung là đấu tranh vì sự thống nhất dân tộc. Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong thời gian dài nên chúng tôi thiếu thốn rất nhiều thứ và cần sự ủng hộ của nhân dân cũng như phải tập hợp người dân vào một mặt trận mà chúng tôi gọi là Mặt trận Tổ quốc hướng tới sự hoà giải dân tộc. Chúng tôi xin chia sẻ kinh nghiệm đó với Myanmar.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng hai nước chúng ta có đôi chút khác nhau trong tiến trình hòa hợp dân tộc, bởi lịch sử của hai nước khác nhau. Ở Việt Nam cũng không có các cuộc xung đột cũng như các vấn đề sắc tộc nghiêm trọng.
Đại sứ có ấn tượng gì về tiến trình dân chủ hóa và tiến trình hòa bình của Myanmar?
Trước hết, nói về tiến trình dân chủ hóa, tôi đã đến Myanmar được 10 tháng, và tôi có thể nhìn thấy tiến trình dân chủ hóa hiển hiện ở mọi nơi. Điều làm tôi ấn tượng nhất là được chứng kiến quyền lợi của người dân và xã hội gia tăng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tiến trình dân chủ cần phải được bảo đảm lâu dài, người dân Myanmar cần phải làm nhiều hơn nữa. Họ đặc biệt cần một hệ thống luật pháp để đảm bảo cho tiến trình đó diễn ra.
Nói về tiến trình hòa bình ở Myanmar, tôi thấy rằng chính phủ, nhân dân và các nhóm sắc tộc của Myanmar đã nỗ lực hết sức để thúc đẩy tiến trình này. Chúng ta có thể thấy một số tiến triển đặc biệt qua Hội nghị Panglong lần thứ hai cuối tháng 5 vừa qua. Hội nghị đã cho thấy không chỉ số người tham gia tăng lên mà còn đạt được các cam kết cũng như thỏa thuận giữa các bên tham gia về các nguyên tắc thiết yếu. Theo tôi, các nguyên tắc đó là rất quan trọng và mang tính sống còn, bởi chúng vì mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển xã hội, cải cách môi trường và đất đai. Đó là những điều cần thiết cho sự bền vững.
Tất cả chúng ta đều biết rằng tiến trình hòa bình là một tiến trình. Tiến trình này cần nhiều thời gian và cần nhiều nỗ lực hơn bởi vì hòa bình không phải là cái gì đó có thể đạt được trên bàn đàm phán mà cần phải được đem vào thực tế. Tôi tin tưởng rằng tiến trình hòa bình của Myanmar sẽ thành công, vì người dân Myanmar là những người yêu hòa bình.
Năm 1986, Việt Nam đã tiến hành cuộc cải cách chính trị và kinh tế, trong đó có việc cải cách nền kinh tế theo định hướng thị trường, hướng tới hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Myanmar cũng đang nỗ lực cải cách chính trị song song với cải cách kinh tế. Ý kiến của Đại sứ về vấn đề này?
Về cuộc cải cách mà người Việt Nam chúng tôi gọi là Đổi Mới, chúng ta có thể thấy rằng Myanmar hiện ở vào thời điểm giống như Việt Nam hồi những năm 1980 (khi chúng tôi bắt đầu cuộc cải cách kinh tế).
Chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách Việt Nam chuyển từ nền kinh tế nhà nước sang nền kinh tế thị trường. Nhưng ở đây cũng có một số điểm khác biệt, vì Myanmar đã vượt qua giai đoạn này với nền kinh tế phát triển theo định hướng thị trường từ lâu, và hệ thống chính trị của Việt Nam và Myanmar cũng khác nhau.
Tôi cũng nhận thấy rất nhiều điểm tích cực trong thời kỳ Myanmar tiến hành cải cách và hội nhập với thế giới, đặc biệt là trong việc quản lý xã hội và quản lý kinh tế. Ở khía cạnh này, Việt Nam có thể học hỏi từ Myanmar.
Xin Đại sứ chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề như nạn buôn người và tệ nạn ma túy...
Tôi nghĩ rằng nạn buôn bán ma túy và tội phạm quốc gia là các vấn đề mang tính toàn cầu. Không một quốc gia nào tự giải quyết được những vấn đề này. Chúng ta cần hợp tác nhiều hơn với các nước láng giềng và các nước thành viên ASEAN. Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và với Myanmar. Đó là lý do tại sao chúng ta đã có các cuộc đối thoại thường niên giữa hai Bộ Công an của Việt Nam và Bộ Nội vụ của Myanmar về chống tội phạm xuyên biên giới và xuyên quốc gia. Việt Nam và Myanmar cần đàm phán với nhau và thiết lập khuôn khổ làm việc và hợp tác trong lĩnh vực này một cách chi tiết hơn.
Khủng bố là một nguy cơ lớn với an ninh khu vực, Đại sứ có thể nói gì về điều này?
Chúng ta có thể nói khủng bố hiện là một mối quan ngại rất nghiêm trọng trên toàn thế giới. Các phần tử cực đoan của các tôn giáo, không chỉ đạo Hồi, hay đạo Phật, mà từ nhiều tôn giáo khác nhau, đang lợi dụng đức tin tôn giáo và đe dọa mạng sống của nhiều người. Đó là lý do tại sao chúng ta cần hợp tác với tất cả mọi người dân, mọi lực lượng, mọi ý chí và chúng ta cần hợp tác mọi nơi, mọi lúc.
Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất trong việc chống khủng bố là các nước phải hợp tác về hệ thống luật pháp. Thứ hai là chúng ta cần phải phối hợp tất cả các lực lượng với nhau – quốc phòng, an ninh, xã hội dân sự - để giải quyết các tội phạm và chủ nghĩa khủng bố. Nhưng quan trọng hơn, tôi nghĩ chúng ta không nên có sự phân biệt tôn giáo ở bất kì nơi đâu. Đức tin tôn giáo thuộc về mỗi người, nhưng chúng ta cần phải giáo dục người dân hiểu các giá trị của tôn giáo là công bằng, bình đẳng, vì sự phát triển và vì lợi ích chung của mọi người dân trên toàn thế giới.
Được biết, Việt Nam có kế hoạch hợp tác về nông nghiệp, đặc biệt về trồng trọt và chế biến cao su, cà phê và hạt tiêu để xuất khẩu sang Myanmar. Đại sứ có thể cho biết thêm về các lĩnh vực hợp tác song phương?
Chúng ta cần phải củng cố quan hệ hai nước, không chỉ vì tình hữu nghị truyền thống mà còn về quan hệ đối tác giữa hai bên. Vì điều này, tôi cho rằng chúng ta cần tận dụng những cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước hiện nay. Chúng ta đã có các cơ chế đối thoại thường niên về chính trị, an ninh, thương mại… nhưng chúng ta cũng cần có thêm các cơ chế hợp tác khác, về sản phẩm nông nghiệp, khoa học công nghệ, dạy nghề, y tế, … Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ ký thêm các MOU về hợp tác giữa hai nước. Chúng ta cũng cần có thêm các ủy ban hợp tác chung về những lĩnh vực hợp tác này. Thêm một điều nữa là chúng ta cần có nhiều hơn các cuộc giao lưu giữa nhân dân hai nước và nên có các cuộc giao lưu giữa lớp trẻ hai bên. Bằng cách đó, hợp tác hai bên sẽ không chỉ nằm trên giấy tờ mà các thỏa thuận sẽ được đưa vào thực tế.
ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập vào tháng 8 này, vậy Đại sứ có kỳ vọng gì vào vấn đề đoàn kết của ASEAN trong vấn đề hòa bình và ổn định khu vực?
Kể từ khi thành lập ASEAN, chúng ta đã nói nhiều về tính thống nhất trong ASEAN nhưng đồng thời chúng ta cũng nói về sự thống nhất trong đa dạng. Điều đó có nghĩa ASEAN là một nhóm các quốc gia với nhiều sự đa dạng và chúng ta cần phải củng cố sự thống nhất và đoàn kết với nỗ lực từ tất cả các nước thành viên ASEAN.
Tôi nghĩ rằng hai nước chúng ta đã nỗ lực rất nhiều vì sự thống nhất của ASEAN qua cách chúng ta luôn đấu tranh cho các nguyên tắc của ASEAN. Chúng ta cũng đã đóng góp nhiều cho các dự án và một loạt các hoạt động hợp tác trong ASEAN. Hai nước chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực trong bối cảnh phát triển mới của khu vực ASEAN. Việt Nam và Myanmar sẽ làm nhiều hơn và sẽ củng cố hợp tác trong nhiều vấn đề khu vực, như chống khủng bố, chống ô nhiễm môi trường và giữ ổn định hòa bình trong khu vực.
Liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và trên truyền thông, đã có những cáo buộc Myanmar phân biệt tôn giáo. Là Đại sứ đương nhiệm của Việt Nam tại Myanmar, ý kiến của Đại sứ về những chỉ trích này?
Vừa qua có nhiều chỉ trích về sự phân biệt tôn giáo ở Myanmar nhưng bản thân tôi không thấy như vậy, bởi vì ở Yangon tôi có thể thấy nhiều người có tôn giáo khác nhau nhưng vẫn cùng chung sống với nhau một cách hòa bình. Họ cùng chia sẻ những giá trị bình đẳng chung. Tuy nhiên, vẫn còn những lời chỉ trích, và chính phủ và người dân và xã hội Myanmar cần phải nỗ lực nhiều hơn để giải quyết điều đó. Trong vấn đề này tôi cho rằng hệ thống luật pháp và các chính sách xã hội là quan trọng nhất.