Đại sứ Haike Manning đến thăm Dự án sinh kế nông thôn bền vững tại tỉnh Bình Định. |
Trả lời phỏng vấn của TG&VN nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - New Zealand (16/6/1975-16/6/2015), người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao New Zealand nhấn mạnh hiện nay là thời điểm vàng để hai nước đẩy mạnh mối quan hệ dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi và áp dụng triệt để thế mạnh của mỗi bên.
Chuyến thăm một ngày, kết quả đột phá
Cách đây chưa đầy ba tháng, có một sự kiện được đánh giá là mốc son trong quan hệ Việt Nam và New Zealand: Chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Wellington. Đặc biệt coi trọng chuyến thăm này, New Zealand đã tổ chức nghi thức lễ tân ở mức cao nhất, không chỉ chào mừng người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bằng 19 loạt đại bác mà còn có nghi thức truyền thống chào đón thượng khách độc đáo của người dân bản địa Maori.
Thời gian thực tế ở Wellington là một ngày song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành hàng loạt cuộc tiếp xúc, từ hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo và chính giới cấp cao nhất của bạn đến gặp gỡ các tổ chức chính trị, xã hội, hữu nghị, sinh viên và cộng đồng người Việt. Thậm chí, cuộc đối thoại của Thủ tướng với giới doanh nghiệp New Zealand diễn ra ngay trong bữa ăn sáng…
Kết quả chung quan trọng nhất trong chuyến thăm chính là việc các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí sẽ nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - New Zealand lên mức đối tác chiến lược. Bình luận về kết quả này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng đây là "dấu mốc mới quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, tạo khuôn khổ chính trị và pháp lý cho việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong những lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược".
Về phía New Zealand, theo Đại sứ Haike Manning, "Chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển bền chặt với Việt Nam - đối tác tích cực nhất của New Zealand trong ASEAN" và "có rất nhiều cơ hội để hai bên tiến hành các hoạt động giao thương".
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Con số kim ngạch thương mại từ 300 triệu USD năm 2009 lên 900 triệu USD năm 2014 sẽ không "khô khan" chút nào khi nhìn vào các dẫn chứng cho thấy mức tăng trưởng thương mại giữa hai nước. Ngày càng nhiều hàng hóa của New Zealand trở nên quen thuộc hơn với người dân Việt Nam như các sản phẩm sữa, táo, quả kiwi, rượu vang… Ngược lại, người tiêu dùng New Zealand biết đến nhiều hơn các sản phẩm của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, đồ may mặc, điện thoại di động và các loại quả nhiệt đới.
"Mối quan hệ giữa New Zealand và Việt Nam không chỉ nên tập trung vào thương mại hàng hóa mà chúng ta cũng nên kết hợp cùng tạo ra các sản phẩm tốt, bán chúng ra thị trường quốc tế trong tương lai". (Đại sứ New Zealand Haike Manning) |
Rõ ràng là tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và New Zealand vô cùng to lớn, nhất là khi hai nước đã ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) và đang cùng hướng tới ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nói về tác động của TPP, theo Đại sứ Haike Manning, “đó không chỉ là chuyện New Zealand xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang Việt Nam và Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa sang New Zealand, mà chính là việc hai nước làm thế nào hợp tác chặt chẽ hơn nữa để chinh phục các thị trường quốc tế".
Nhà ngoại giao New Zealand cho rằng một trong những điều quan trọng nhất là cần xây dựng các mối quan hệ kinh doanh tốt hơn và hai Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp hai bên xây dựng hợp tác bền vững hơn. "Chúng ta cần giúp họ hiểu biết hơn về thị trường hai nước, làm cho doanh nghiệp New Zealand hiểu hơn về cơ hội ở Việt Nam và ngược lại", Đại sứ nói.
Hai trụ cột chiến lược
Ông Haike Manning nhiều lần nhắc đến nông nghiệp và giáo dục như "hai cột trụ của mối quan hệ" và "chúng ta có rất nhiều việc cần phải làm".
New Zealand tự hào khi là quốc gia cung cấp các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn thế giới. Trên thực tế, an toàn thực phẩm và chất lượng thực phẩm là hai lĩnh vực quan trọng mà New Zealand có thế mạnh dẫn đầu thế giới và đây cũng là những lĩnh vực sẽ mở ra quan hệ hợp tác mới giữa hai nước.
"Với chúng tôi, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn trong nông nghiệp bởi Việt Nam là nhà xuất khẩu thực phẩm lớn nhất châu Á và chúng tôi coi đó là những cơ hội thiết thực cùng nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm ở Việt Nam", Đại sứ nói.
Về giáo dục, hiện có hơn 2.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại xứ sở kiwi và hai bên đã nhất trí nâng con số này lên 3.000 trong thời gian tới. Chính phủ New Zealand đã cam kết tiếp tục trao 150 suất học bổng cao học toàn phần cho sinh viên Việt Nam trong vòng năm năm tới thông qua chương trình viện trợ phát triển chính thức dành cho Việt Nam.
Theo Đại sứ Haike Manning, cơ sở để New Zealand thúc đẩy hợp tác giáo dục là “Việt Nam luôn mong muốn nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục". Ngoài việc gia tăng số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại New Zealand, phía New Zealand cũng tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục của nước này với các trường trung học phổ thông ở Việt Nam.
Giáo dục là một lĩnh vực quan trọng mà trên cơ sở đó Việt Nam và New Zealand sẽ xây dựng các mối quan hệ hợp tác và hữu nghị lâu dài. Đại sứ Haike Manning cho rằng “Không có gì quý giá hơn trong mối quan hệ của chúng ta bằng việc chứng kiến những người Việt Nam trẻ tuổi khám khá, học hỏi và tận hưởng New Zealand".
Chương trình kỷ niệm 40 năm thiết lập ngoại giao New Zealand - Việt Nam của Đại sứ quán New Zealand trải đều cả năm, gồm các hoạt động như lễ hội rượu và thực phẩm của New Zealand tại TP. Hồ Chí Minh, phối hợp với báo VnExpress tổ chức cuộc thi tìm hiểu về đất nước - con người New Zealand, chương trình kết nối thời trang với sự tham gia của 20 sinh viên thời trang của hai nước, chương trình biểu diễn của đoàn văn hóa nghệ thuật người Maori… |
Vinh Hà