📞

Việt Nam - Nhân tố tích cực trong vườn ươm ASEM

18:00 | 05/05/2016
Đó là nhận xét của Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet tại Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ 21” diễn ra tháng 4 vừa qua.

Diễn đàn của sự liên kết

Theo Đại sứ Bruno Angelet, kể từ khi thành lập, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) ngày một gia tăng về mạng lưới các thành viên. ASEM luôn đóng vai trò như một nguồn hỗ trợ, một môi trường cho các quốc gia thành viên giao lưu. Đây cũng là vườn ươm cho nhiều sáng kiến mới. Bên lề ASEM, nhiều quốc gia đã có cơ hội tăng cường thêm các mối quan hệ song phương. Điều này rất có lợi cho diễn đàn ASEM cũng như sự phát triển chung trong khu vực.

Bề ngoài, ASEM có thể vẫn bị “gắn mác” là một nơi “tán chuyện” và sản xuất ra những bài diễn văn dài mà chẳng mấy ai quan tâm. Tuy nhiên, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, nhận định này là không chính xác.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet.

Theo ông, ASEM thực sự là một diễn đàn của sự liên kết và trao đổi ý kiến giữa các đối tác. Và những quyết định rút ra từ các cuộc thảo luận, ngay cả khi không ràng buộc về mặt pháp lý, vẫn đại diện cho các quan điểm tham chiếu giữa các đối tác ASEM và với thế giới bên ngoài.

Đại sứ Angelet nhấn mạnh, thông qua hình thức đối thoại không chính thức, các nước thành viên ASEM có thể thu hẹp khác biệt về thể chế chính trị và kinh tế. Đến nay, thành công của ASEM nằm chính ở tính “không chính thức” của nó. Bởi vậy, sẽ quá tham vọng nếu như thay đổi thể chế của ASEM thành một tổ chức nhằm pháp lý hóa và ràng buộc hóa các quyết định.

Tầm nhìn mới trong bối cảnh mới

Trước nhiều ý kiến lo ngại về sự thiếu tầm nhìn của ASEM, Đại sứ Angelet cho rằng, các nhà lãnh đạo ASEM nên ngồi lại và nhìn nhận những gì họ đã và chưa làm được, để từ đó chú trọng tới một số vấn đề cụ thể, mới mà không quá ôm đồm nhiều nội dung lớn, khiến họ không thể bao quát hết được. Dẫu vậy,  ông cũng nhấn mạnh rằng ASEM không nên quay lưng với những chủ đề khó khăn và nhạy cảm trong lĩnh vực an ninh quốc tế bởi ASEM có một cơ chế rất thuận lợi để trao đổi các vấn đề quan trọng. Ông kêu gọi: “Hãy mạnh dạn thảo luận về những chủ đề này giống như các nội dung khác trong ASEM”.

Trước một số ý kiến cho rằng hoạt động của ASEM chỉ mang tính vĩ mô và không được nhiều người dân biết đến, ông Bruno Angelet đưa ra lời khuyên: người dân sẽ chú ý hơn khi chính phủ của họ chứng minh được hiệu quả trong hoạt động thực tiễn. Và điều đó phụ thuộc vào cách ASEM định hướng các cuộc thảo luận. Làm sao để các cuộc thảo luận thiết thực và thú vị hơn nữa? Đó là một trong những bài toán mà ASEM cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Các đại biểu Chủ tọa tại Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ 21” ngày 20/4 tại Hà Nội.

Tựu chung, ông Bruno Angelet cho rằng hợp tác khu vực vẫn là mấu chốt quan trọng để giải quyết mọi vấn đề trong ASEM. Bởi những vấn đề chung, như việc sử dụng nguồn nước sông Mekong thì một quốc gia không thể một mình giải quyết được nếu thiếu vắng các quốc gia cùng sử dụng nguồn nước đó.

Đồng thời, theo ông Bruno Angelet, những mối quan tâm chung về phát triển bền vững và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống sẽ là điểm chung hữu ích để tạo ra được nhiều sự đồng thuận chính trị giữa các quốc gia có nhiều mục tiêu khác nhau. Ông dẫn chứng rằng bên lề các cuộc họp của Ủy hội sông Mekong (MRC), nhiều cuộc họp không chính thức về các chủ đề như đầu tư và thương mại đã thu được những kết quả tốt đẹp.

“Người chơi” tích cực nhất

Nói về sự tham gia của Việt Nam trong ASEM, Đại sứ Angelet đánh giá, Việt Nam có nhiều đóng góp rất tích cực đối với công việc chung của ASEM trong thời gian qua, đơn cử như việc tham gia ba Nhóm hợp tác chuyên ngành về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai, quản lý nước bền vững.

Theo ông Bruno Angelet, Việt Nam luôn có định hướng chính sách ngoại giao chủ động, đang phát huy tốt vai trò của mình trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực và là một trong những “người chơi” tích cực nhất trên vũ đài Đông Nam Á.

Ông lấy dẫn chứng về thành công của mô hình hợp tác liên khu vực cấp địa phương giữa tỉnh Bến Tre (Việt Nam) với tỉnh Tulcea (Romania), Cần Thơ và Ruse (Bulgaria) trong quản lý bền vững nguồn nước giữa hai tiểu vùng Mekong - Danube…

Đại sứ Bruno Angelet nhấn mạnh, hội nhập khu vực là cực kỳ quan trọng đối với tương lai phát triển bền vững ở Việt Nam và các nước xung quanh mà việc quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong chỉ là một ví dụ. Hiện các nước thành viên EU rất quan tâm và ưu tiên hợp tác với các nước lưu vực sông Mekong để giải quyết vấn đề này. Ông Bruno Angelet mong rằng Việt Nam sẽ phát huy vai trò mắt xích quan trọng trong việc thúc đẩy các sáng kiến hội nhập khu vực về hợp tác bảo vệ nguồn nước sông Mekong nói riêng và hợp tác ASEM nói chung trong thời gian tới.

Đại sứ EU tại Việt Nam đưa ra lời khuyên rằng Việt Nam nên chú trọng vào thiết lập và phát triển hợp tác khu vực. Đơn cử như tạo sự gắn kết và mở rộng hơn nữa Ủy hội sông Mekong. Bên cạnh đó, có thể đảm bảo bền vững nguồn nước sông Mekong bằng cách trao đổi kinh nghiệm, công nghệ và hỗ trợ trong khu vực vì lợi ích của tất cả các quốc gia.