Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá những biến động nhanh chóng của di cư quốc tế trong thời gian qua. |
Tham dự Hội nghị có khoảng 80 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành địa phương, các cơ quan trung ương thuộc các Bộ: Quốc phòng; Công an; Lao động -Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Tổ chức Di cư quốc tế.
Hội nghị nhằm mục đích rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trao đổi những vấn đề ưu tiên nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận GCM trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá những biến động nhanh chóng của di cư quốc tế trong thời gian qua đặt ra những thách thức mới, đó là làm thế nào để hạn chế các tác động bất lợi xảy ra bất ngờ đối với di cư quốc tế nhằm bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn cũng như tính chắc chắn và dễ dự đoán của di cư, tối đa hóa những mặt tích cực mà di cư đem lại cho các quốc gia cũng như chính bản thân người di cư.
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng, đối với Việt Nam, mặc dù việc triển khai thực hiện Thỏa thuận GCM diễn ra vào thời điểm hết sức khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, nhưng các bộ, cơ quan, địa phương cơ bản đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện với sự nghiêm túc, khẩn trương và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ trung ương tới địa phương, làm sâu sắc hơn trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy triển khai Thỏa thuận GCM ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Về việc triển khai Thỏa thuận GCM cũng như giải quyết các vấn đề di cư, Trợ lý Bộ trưởng cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam là luôn ủng hộ cách tiếp cận mở, bao trùm, công bằng và toàn diện về di cư cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; cần tăng cường đối tác toàn cầu để huy động nguồn lực, tập trung vào các vấn đề ưu tiên và mới nổi, đảm bảo tính chắc chắn và tính dễ dự đoán của các kênh di cư hợp pháp và an toàn; đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế phát biểu. |
Chia sẻ với phát biểu của Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ, bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế cho rằng an toàn và hạnh phúc của người di cư chỉ có thể được bảo đảm một cách đầy đủ nếu như có sự hợp tác toàn diện, mạnh mẽ và tự nguyện của các bên liên quan.
Bà Park Mi-hyung đánh giá cao cam kết, quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM thời gian qua cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị rà soát Thỏa thuận GCM khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Diễn đàn rà soát di cư quốc tế lần thứ nhất (New York, Mỹ từ 17-20/5/2022) trong nỗ lực đa phương và hợp tác quốc tế về di cư để xác định những thách thức, cơ hội và các vấn đề nổi lên liên quan đến việc triển khai Thỏa thuận GCM, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19; mong muốn Hội nghị sẽ tổng kết những bài học tốt, những cách làm hay, xác định những vấn đề cần củng cố, các lĩnh vực ưu tiên để nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận trong năm tiếp theo
Hội nghị gồm 2 phiên chính, tập trung vào các nội dung: rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM và trao đổi những phương hướng cần thúc đẩy trong thời gian tới.
Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. |
Trong phiên 1 của Hội nghị, đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có bài trình bày cập nhật tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021-2022 và báo cáo rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM của Việt Nam trong năm 2022.
Hội nghị cũng nghe đại diện một số Bộ, địa phương chia sẻ về những kết quả nổi bật trong việc triển khai Thỏa thuận GCM trên các lĩnh vực như di cư lao động, cấp giấy tờ hộ tịch, quốc tịch cho người di cư, công tác hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương trở về tái hòa nhập cuộc sống, sức khỏe người di cư, công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, công tác thống kê di cư lao động, phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức.
Trong Phiên 2, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) trao đổi kết quả Diễn đàn rà soát Thỏa thuận GCM lần thứ nhất tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (17-20/5/2022, New York); chia sẻ một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận GCM.
Đồng thời, toàn thể Hội nghị cũng đã trao đổi thêm về những vấn đề ưu tiên cũng như các giải pháp cụ thể từ cấp trung ương tới địa phương nhằm triển khai một cách toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch, tạo môi trường di cư an toàn, hợp pháp, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của người di cư, giúp họ phát huy vai trò và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nước đến, quê hương và chính bản thân mình.
Theo Báo cáo năm 2022 về tình hình di cư thế giới của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), có khoảng 281 triệu người di cư quốc tế trong năm 2020, chiếm khoảng 3,6% dân số thế giới, trong đó ước tính sụt giảm khoảng 2 triệu người do tác động của đại dịch Covid-19. Dự đoán, đến năm 2030, sẽ có khoảng hơn 350 triệu người di cư với lượng tiền gửi là 5,4 nghìn tỉ đô la Mỹ, gấp 2 lần GDP của Châu Phi trong năm 2021. |
| Chuyên gia Đức: Việt Nam đã làm rất tốt và vượt ra khỏi tình hình kinh tế ảm đạm của toàn cầu Là thị trường rất hấp dẫn, nhiều cơ hội hợp tác và tiềm năng kinh tế chưa được khai thác hết, Việt Nam có thể ... |
| Việt Nam đề nghị APEC và ABAC tăng cường đối thoại, tích cực hợp tác triển khai tầm nhìn dài hạn về thương mại và đầu tư Chiều 18/11, các nhà lãnh đạo APEC đã có phiên Đối thoại với các thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). |
| Nâng cao nhận thức về di cư an toàn và khỏe mạnh thích ứng với điều kiện bình thường mới hậu Covid-19 Ngày 2/12, đại diện các Bộ Y tế, Ngoại giao, Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Nhóm kỹ thuật sức khỏe người di cư ... |
| Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU Tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan ... |
| An ninh khu vực toàn diện và trật tự tương lai châu Á Đông Á có thể sử dụng vị thế lãnh đạo các tổ chức khu vực và đa phương năm 2023 để hướng tới xây dựng ... |