Phim Kong - Đảo đầu lâu được quay tại ở Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. |
Từ lâu, nhiều nước trên thế giới đã thực thi chính sách kích cầu để thu hút đoàn phim quốc tế. Không đâu xa, ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Philippines... nhanh chóng trở thành phim trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất phim nước ngoài.
Theo số liệu từ Văn phòng Điện ảnh thuộc Cục Du lịch, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, thu nhập của "đất nước nụ cười" nhờ các nhà làm phim nước ngoài đạt hơn 6,6 tỷ Baht (gần 194 triệu USD) vào năm 2023. Trong nửa đầu năm 2024, các nhà làm phim từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ đã quay tổng cộng 238 bộ phim tại Thái Lan, trong đó chi nhiều tiền nhất cho sản xuất phim là các nhóm làm phim ở Hong Kong (Trung Quốc), Anh, Mỹ, Pháp và Đức.
Việt Nam không hề kém nước bạn về vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa đặc sắc và con người thân thiện, nhưng tại sao vẫn chưa thực sự trở thành điểm đến của điện ảnh thế giới?
Theo TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam, do chưa có những ưu đãi cụ thể về chính sách, thuế... nên thời gian qua, các đoàn phim thường chọn sang các nước có cảnh tương tự để quay, khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Với kinh nghiệm trong việc đón các đoàn phim Hollywood như Peter Pan, Kong: Đảo đầu lâu; các chương trình, phim truyền hình như Good Morning America, BBC Planet Earth III..., ông Nguyễn Châu Á, CEO Công ty Chua me đất Quảng Bình nhận thấy, các nhà làm phim nước ngoài rất thích cảnh sắc của Việt Nam vì sự đa dạng và mới lạ.
Tuy nhiên, họ mong muốn phía Việt Nam tạo điều kiện hơn trong khâu cấp phép dự án phim, được hỗ trợ về an ninh trật tự, cũng như giữ bảo mật trong quá trình quay phim. Bên cạnh đó, các hãng phim Hollywood hy vọng Việt Nam có nhiều công ty sản xuất, hậu cần phục vụ đoàn phim quốc tế chuyên nghiệp, minh bạch hơn, bảo đảm các yêu cầu quốc tế.
Một trong những tỉnh thành có ngành du lịch được hưởng lợi nhiều nhất từ điện ảnh là Ninh Bình. Sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp, thường hiện diện trong danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín, tỉnh Ninh Bình đang tăng cường thiết lập các mối quan hệ với các công ty sản xuất phim và nhà làm phim tại Mỹ để tạo ra các dự án hợp tác dài hạn.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, tỉnh sẽ thúc đẩy phối hợp đồng bộ, hiệu quả, hoạch định chiến lược quảng bá đến các đoàn làm phim mạnh mẽ hơn, từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho các đoàn làm phim.
Về phía Cục Điện ảnh, Phó Cục trưởng Đỗ Quốc Việt cho biết Cục đang dần tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề pháp lý, thủ tục để thu hút các nhà làm phim nước ngoài vào Việt Nam, từng bước xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho lĩnh vực điện ảnh.
Một tín hiệu mừng là mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công chương trình Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ ở các thành phố San Francisco và Los Angeles. Với chương trình này, Việt Nam mở ra nhiều cơ hội hợp tác từ các đối tác điện ảnh quốc tế, đặc biệt là Mỹ; cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các dự án.
Các nhà làm phim, nhà sản xuất Mỹ như Phillip Noyce (Người Mỹ trầm lặng), Joel Rice (Hành trình tình yêu của một du khách)... đều có chung nhận định về những trải nghiệm làm phim thuận lợi và thành công tại Việt Nam. Theo họ, đất nước hình chữ S đang có nhiều khởi sắc để phát triển cũng như trở thành điểm đến của điện ảnh thế giới.
Nắm bắt cơ hội, chủ động quảng bá, chính sách đồng bộ, Việt Nam sẽ sớm ghi tên trên bản đồ điểm đến của điện ảnh thế giới?