Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại cuộc họp. |
Tham dự phiên họp có Phó Tổng Thư ký LHQ, Đại diện cao cấp về Giải trừ quân bị Izumi Nakamitsu, Giám đốc Điều hành Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) Robert Floyd.
Các báo cáo viên và hầu hết đại diện các nước nhấn mạnh, thử hạt nhân, vũ khí hạt nhân sẽ tiếp tục là các nguy cơ về hủy diệt nhân loại, gây thảm họa về môi trường và sinh thái.
Cạnh tranh địa chính trị, vũ khí chiến lược, sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện đại hóa các kho vũ khí hạt nhân tiếp tục tạo các thách thức mới về cấm thử hạt nhân. CTBT là bộ phận quan trọng trong cơ chế chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân.
Tuy CTBT chưa có hiệu lực nhưng từ khi CTBT được mở ký, chỉ còn một vài vụ thử hạt nhân. CTBTO cùng Cơ chế Kiểm chứng, trong đó có Hệ thống Quan trắc quốc tế (IMS) và Trung tâm Dữ liệu quốc tế (IDC), đóng vai trò quan trọng giúp giám sát, kiểm chứng các vụ thử, đồng thời góp phần giúp các nước có thông tin quan trắc về cảnh báo sóng thần, biến đổi khí hậu.
Nhân dịp kỷ niệm 25 ngày ký CTBT, nhiều phát biểu kêu gọi các nước chưa ký, phê chuẩn CTBT, đặc biệt là 8 nước còn lại trong Phụ lục 2 của CTBT, cần sớm tham gia ký, phê chuẩn để CTBT có hiệu lực.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, chia sẻ nhiều ý kiến trên và nhấn mạnh, những thành tựu đạt được về CTBT là nhờ các cam kết, nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về cấm thử, chống phổ biến và giải trừ quân bị hạt nhân.
Tuy đã có các cam kết không thử hạt nhân nhưng việc CTBT chưa có hiệu lực sẽ vẫn để ngỏ khả năng về thử hạt nhân. Vì lợi ích chung của nhân loại và các thế hệ mai sau, các nước chưa ký, phê chuẩn CTBT, đặc biệt là các nước còn lại trong Phụ lục 2 của CTBT cần ký, phê chuẩn sớm để CTBT có hiệu lực.
Đại sứ tái khẳng định chính sách của Việt Nam về không phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh Việt Nam đã tham gia, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế, trong đó có Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), CTBT, Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TNPW) và các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ.
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cũng khẳng định quyền của các nước về nghiên cứu, phát triển, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, kêu gọi sử dụng các cơ sở dữ liệu của CTBTO về thực hiện chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
CTBT được mở ký từ ngày 10/9/1996, hiện đã có 185 nước ký, trong đó có 170 nước phê chuẩn. Tuy nhiên, CTBT chưa có hiệu lực do còn 8/44 nước trong Phụ lục 2 của CTBT là các nước có cơ sở hạt nhân tính đến năm 1996 chưa ký, phê chuẩn, gồm: Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên chưa ký; Trung Quốc, Ai Cập, Iran, Israel và Hoa Kỳ chưa phê chuẩn. Việt Nam cũng trong Phụ lục 2, đã ký CTBT ngày 24/9/1996 và phê chuẩn ngày 10/3/2006. |