Ngày 29/6, Hội đồng doanh nghiệp Ngoại thương, Đầu tư và Công nghệ Mexico (COMCE) tổ chức diễn đàn “Mexico đứng trước thách thức cạnh tranh với các đối tác thành viên Hiệp định TPP”.
Tham dự diễn đàn, về phía Mexico có Tổng Vụ trưởng châu Á - châu Đại dương và các Tổ chức Đa phương (Bộ Kinh tế) - kiêm Trưởng đoàn đàm phán TPP Roberto Zapata, Tổng điều phối hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi, Phát triển nông thôn, Thủy sản và Thực phẩm (SAGARPA) Raúl Urteaga Trani, Phó Chủ tịch COMCE Sergio Ley Lopez, Tổng Giám đốc COMCE Fernando Ruxi Huarte, Giám đốc khu vực châu Á –Trung Đông, Cục Xúc tiến và Đầu tư Mexico (ProMexico) Jorge Barbosa, cùng đông đảo đại diện các hiệp hội doanh nghiệp sở tại.
Đại sứ và Tham tán Thương mại các nước Australia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Việt Nam tham dự diễn đàn với tư cách khách mời danh dự.
Diễn đàn “Mexico đứng trước thách thức cạnh tranh với các đối tác thành viên Hiệp định TPP” được tổ chức vào ngày 29/6. |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch COMCE nhấn mạnh, diễn đàn là cơ hội để các đại biểu trao đổi nhận định về các cơ hội và thách thức của TPP; đánh giá Hiệp định này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Mexico, mở ra cơ hội kinh doanh và đầu tư đa dạng hơn cho Mexico, đặc biệt đối với 7 đối tác mới gồm Australia, Brunei, Malaysia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Việt Nam; đề nghị các doanh nghiệp Mexico tận dụng cơ hội, đồng thời cần chuẩn bị nâng cao sức cạnh tranh để hạn chế thách thức của TPP.
Tổng Vụ trưởng khu vực Roberto Zapata đánh giá việc TPP được ký kết bởi 12 quốc gia CA-TBD vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand là một mốc lịch sử, góp phần tăng cường hội nhập, thúc đẩy sản xuất và đầu tư tại các nước thành viên TPP, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa NAFTA, Liên minh Thái Bình Dương (AP) và 7 quốc gia bên kia bờ Thái Bình Dương của Mexico.
Ông đánh giá cao cam kết giảm thuế của các nước thành viên TPP, nhất là Singapore do quốc gia này không áp dụng thuế (0%) đối với 100% số dòng thuế ngay khi TPP có hiệu lực. Ông cho biết, các nước TPP chiếm 85% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (680 tỷ USD) và 56% nguồn vốn FDI vào Mexico (228 tỷ USD).
Tham gia TPP, Mexico sẽ hưởng lợi trong việc xuất khẩu vào thị trường của 11 thành viên còn lại do 90% số dòng thuế sẽ giảm bằng 0% ngay sau khi TPP có hiệu lực, 9% số dòng thuế giảm xuống 0% theo lộ trình từ 5 – 10 năm. Về phần mình, Mexico cam kết giảm thuế đối với các thành viên khác theo lộ trình 77% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế ngay, 3% số dòng thuế sẽ giảm về 0% theo lộ trình 5 năm, 19% số dòng thuế sẽ giảm về 0% theo lộ trình 10 - 15 năm.
Đại sứ Lê Linh Lan chụp ảnh lưu niệm cùng với Hội đồng doanh nghiệp Ngoại thương, Đầu tư và Công nghệ Mexico. |
Tham luận tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Mexico Lê Linh Lan nêu bật tầm quan trọng của TPP đối với Việt Nam và Mexico, được ký kết trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (19/5/1975) và cùng lúc Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mexico ký Thỏa thuận thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư (4/2/2016), một cơ chế quan trọng góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Theo lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam khi Hiệp định có hiệu lực, Mexico sẽ có cơ hội lớn xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh sang Việt Nam như linh kiện và phụ tùng ô tô, đồ gỗ, thức ăn gia súc, rượu tequila, thịt bò…
Cuối phần trình bày, Đại sứ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Mexico cần trực tiếp khảo sát thị trường để phát hiện các cơ hội kinh doanh và đầu tư to lớn tại Việt Nam, chuẩn bị đón đầu khi TPP có hiệu lực.
Trả lời câu hỏi của một doanh nghiệp Mexico về nền kinh tế thị trường tại Việt Nam, Đại sứ Lê Linh Lan khẳng định Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ đã được 45 quốc gia công nhận.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mexico và Việt Nam đạt 2,02 tỷ USD, tăng 55,6% so với năm 2014, trong đó Việt Nam xuất siêu qua Mexico 1,06 tỷ USD.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Mexico, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Mexico - Việt Nam năm 2015 lên tới 3,85 tỷ USD, với cán cân nghiêng mạnh về phía Việt Nam.