Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. |
Từ ngày 9-13/9, tại Bangkok, Thái Lan, diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 62 của Tổ chức tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO).
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an do ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Việt Nam tại Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC), tham dự Hội nghị với tư cách chuyên gia pháp lý khách mời. Ông Phạm Việt Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan, đã tham dự phiên khai mạc của Hội nghị.
Hội nghị AALCO năm nay tập trung vào các chủ đề pháp lý quốc tế được các quốc gia Á-Phi đang quan tâm như vấn đề môi trường và phát triển bền vững, không gian mạng, các chủ đề đang được thảo luận tại ILC, luật biển quốc tế, tình hình tại Palestine và các vấn đề pháp lý quốc tế liên quan đến Palestine, luật thương mại quốc tế…
Thảo luận tại Hội nghị, các nước khẳng định với 48 quốc gia thành viên châu Á và châu Phi, AALCO là diễn đàn pháp lý duy nhất đóng vai trò quan trọng cho việc trao đổi quan điểm của hai khu vực trên thế giới, qua đó thúc đẩy lợi ích của các nước Á-Phi trong quá trình xây dựng và phát triển luật pháp quốc tế, giúp duy trì chủ nghĩa đa phương.
Trong năm 2024, các nước AALCO đã cùng nhau có nhiều đóng góp nổi bật vào quá trình xây dựng luật pháp quốc tế thông qua việc tham gia tích cực vào các diễn đàn của Liên Hợp quốc như quá trình đàm phán dự thảo Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng, dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng 10/2024 và mở ký vào đầu năm 2025.
Bên cạnh đó, các nước thành viên AALCO đánh giá cao Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ) và kêu gọi các nước ký kết hoàn tất thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định sớm có hiệu lực. Vai trò của các cơ chế pháp lý quốc tế trong các diễn biến quốc tế gần đây được nhiều nước đánh giá cao, như việc Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) cung cấp ý kiến tư vấn về hậu quả pháp lý của việc Israel chiếm đóng Palestine hay việc Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) cho ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn. |
Phát biểu tại Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ đề cao chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là nòng cốt và luật pháp quốc tế là nền tảng, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ chế và diễn đàn đa phương như AALCO, ILC, Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) trong quá trình pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế, giúp xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho hòa bình, hợp tác toàn cầu và phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ tái ứng cử vào vị trí thành viên của UNCITRAL nhiệm kỳ 2025-2031 để tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của luật thương mại quốc tế như Việt Nam đang tích cực thể hiện tại nhiệm kỳ 2019-2025.
Ông Nguyễn Minh Vũ cũng nêu rõ việc Tòa Trọng tài thường trực mở Văn phòng tại Việt Nam là sự kiện quan trọng, thể hiện mong muốn Việt Nam trở thành địa điểm giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Liên quan đến Luật Biển quốc tế, ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là khuôn khổ pháp lý trên hết điều chỉnh mọi hoạt động của các quốc gia trên các vùng biển và đại dương, bảo đảm đại dương được sử dụng một cách hợp pháp và bền vững bởi tất cả các quốc gia, từ đó thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng quốc tế.
Việt Nam mạnh mẽ khuyến khích các quốc gia tác và kiềm chế, tránh các hành động dẫn đến leo thang căng thẳng hoặc làm trầm trọng hóa các tranh chấp đang tồn tại. Những nỗ lực hợp tác và tuân thủ UNCLOS của các quốc gia sẽ đóng góp vào việc bảo vệ đại dương, phục vụ cho sự thịnh vượng toàn cầu.
Các đại biểu chụp ảnh chung. |
Nhân dịp tham dự Hội nghị Thường niên AALCO, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã giới thiệu tới các nước tham dự PGS. TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao là Ứng cử viên của Việt Nam cho vị trí Thẩm phán Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035.
Việc Việt Nam cử ứng viên cho vị trí Thẩm phán tại ITLOS thể hiện sự công nhận của Việt Nam đối với vai trò quan trọng của ITLOS trong việc giải thích luật quốc tế, đặc biệt là luật biển và những đóng góp to lớn của ITLOS vào hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế.
Tổ chức tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO) được thành lập năm 1956 tại Bandung, Indonesia với tên gọi ban đầu là Ủy ban tham vấn pháp luật châu Á. Tổ chức này chính thức được đổi tên năm 2001, với sự tham gia của cả các quốc gia châu Phi. Hiện AALCO gồm 48 thành viên và một số quan sát viên, Burkina Faso trở thành thành viên chính thức tại Hội nghị lần này. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của AALCO từ năm 2017. Hội nghị năm nay có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ 39 nước thành viên, 3 nước quan sát viên và 6 tổ chức quốc tế cùng diễn giả khách mời là các thành viên của ILC, trong có có nhiều trưởng đoàn cấp Bộ trưởng, Tổng Chưởng lý, Đại sứ. |
| Tiếp tục phát huy thành tựu ngoại giao pháp lý đa phương Thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành cùng nòng cốt là Bộ Ngoại giao, ngoại giao pháp lý đa ... |
| Vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế đối với sự phát triển của Luật Quốc tế Khoa Luật Quốc tế - Học viện Ngoại giao tổ chức Hội thảo Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ hai với chủ đề ... |
| Pháp luật quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân và gợi mở cho Việt Nam Bảo vệ dữ liệu cá nhân không phải là vấn đề đơn giản, đặc biệt khi nó được đặt trong bối cảnh hội nhập, khi ... |
| Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ: Việt Nam hướng tới trở thành địa chỉ giải quyết tranh chấp khu vực và quốc tế Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao vai trò thiết yếu cùng những đóng góp trong suốt 125 năm hoạt động của ... |
| Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao được bầu làm Chủ tịch Hội Luật quốc tế châu Á TS. Phạm Lan Dung - Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã vinh dự trở thành đại diện Việt Nam đầu tiên giữ vị ... |