Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva. |
Nhóm đàm phán về quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã kết thúc vòng đàm phán tháng 2/2021 về trợ cấp nghề cá kéo dài 1 tuần, trong đó tập trung thảo luận một số nội dung của Dự thảo văn bản hợp nhất, bao gồm đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các thành viên là nước đang phát triển và kém phát triển, các quy tắc giải quyết tranh chấp về trợ cấp thủy sản và các điều khoản liên quan đến trợ cấp góp phần gây ra tình trạng thừa năng lực và đánh bắt quá mức.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, vòng đàm phán này tiếp tục được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, với sự tham dự của đại diện các Phái đoàn thường trực tại WTO và các cán bộ trong nước của các thành viên.
Đoàn Việt Nam tham dự vòng đàm phán do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva làm Trưởng đoàn, cùng với một số cán bộ Phái đoàn tại Geneva và đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hà Nội. Đoàn Việt Nam tích cực tham gia các cuộc thảo luận nhằm xây dựng đồng thuận, thúc đẩy đàm phán sớm đạt được giải pháp thỏa đáng đối với các bên, hướng tới đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 14.6 của Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tại Cuộc họp cấp Trưởng Phái đoàn tại WTO kết thúc vòng đàm phán này, Chủ tịch Nhóm đàm phán, Đại sứ Santiago Wills của Colombia, đã báo cáo với các thành viên WTO về công việc thực hiện được kể từ tháng 1/2021. Sau vòng đàm phán kéo dài một tuần, Chủ tịch Nhóm nhắc lại các thành viên cần bắt đầu trình bày quan điểm về kết quả có thể chấp nhận được để có thể dẫn đến kết thúc thành công các cuộc đàm phán, nhằm bảo vệ nguồn thủy sản trên toàn thế giới.
Đại sứ Thụy Sỹ Didier Chambovey, người được Chủ tịch Nhóm đàm phán giao trách nhiệm điều hành các thảo luận về quy chế đối xử đặc biệt và khác biệt, đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thảo luận về quy chế này, lưu ý rằng, mặc dù vẫn còn những khác biệt, nhưng có những yếu tố chung trong đề xuất của các thành viên, có thể là cơ sở để tạo sự đồng thuận.
Nhiều thành viên phát biểu tại Cuộc họp đã ghi nhận sự khác biệt quan điểm về ba vấn đề thảo luận trong vòng đàm phán này, đồng thời có một số đề xuất sử dụng nhiều hình thức đàm phán khác nhau để tìm ra các giải pháp nhằm thu hẹp sự khác biệt quan điểm. Một số thành viên cũng hoan nghênh lời kêu gọi của tân Tổng giám đốc WTO Tiến sỹ Ngozi Okonjo-Iweala ngày 15/2 để đưa ra các quy định mới của WTO về trợ cấp thủy sản vào thời gian sớm nhất có thể được trong năm 2021.
Vòng đàm phán tiếp theo về trợ cấp thủy sản sẽ được tổ chức bắt đầu từ ngày 15/3 tới. Các thành viên cũng có thể tiến hành tham vấn trước khi bắt đầu vòng đàm phán tiếp theo.
Trên cơ sở quyết định của Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 của WTO và Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 14.6 của Liên hợp quốc, Nhóm đàm phán về quy tắc của WTO được giao nhiệm vụ đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc, để xóa bỏ trợ cấp cho thai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (khai thác IUU) và cấm một số hình thức trợ cấp thủy sản có thể dẫn đến thừa năng lực và đánh bắt quá mức thủy sản, đồng thời có quy chế đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các thành viên là nước đang phát triển và kém phát triển.
Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 14.6 là một nội dung của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đã được tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam, thông qua năm 2015, trong đó khẳng định vai trò của WTO trong chương trình nghị sự về trợ cấp thủy sản toàn cầu. Mục tiêu của SDG 14.6 là đến năm 2020, cấm một số hình thức trợ cấp thủy sản góp phần gây ra tình trạng dư thừa năng lực và đánh bắt quá mức, đồng thời xóa bỏ các khoản trợ cấp góp phần vào khai thác IUU, đồng thời hạn chế đưa ra các hình thức trợ cấp mới tương tự, thừa nhận rằng đối xử đặc biệt và khác biệt thích hợp và có hiệu quả cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nên là một phần không thể thiếu trong đàm phán trợ cấp nghề cá của WTO. Các nội dung đàm phán về trợ cấp thủy sản trong WTO dựa trên các văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan, trong đó quan trọng nhất là Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982, Hiệp định về việc thực hiện các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 liên quan đến việc bảo tồn và quản lý các đàn cá di cư cao năm 1995; các Hiệp định của Tổ chức Nông lương của LHQ (FAO) như Hiệp định của FAO về việc thúc đẩy các tàu thuyền đánh cá tại các vùng biển quốc tế tuân thủ các biện pháp quốc tế về bảo tồn và quản lý năm 1993, Hiệp định của FAO về các biện pháp của các quốc gia có cảng nhằm ngăn ngừa và xóa bỏ việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (khai thác IUU); đồng thời tham khảo một số hướng dẫn của FAO liên quan đến phòng chống khai thác IUU như Bộ Quy tắc ứng xử đối với Nghề cá có Trách nhiệm của FAO năm 1995; Bản kế hoạch hành động quốc tế của FAO nhằm mục đích ngăn ngừa và loại bỏ các hoạt động khai thác IUU (IPOA-IUU). |