Hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện hơn 100 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực đại dương và luật biển. Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam do đại diện Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn đã tham dự và tích cực tham gia thảo luận tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị, bà Rena Lee nhấn mạnh tiến trình đàm phán văn kiện pháp lý mới trong khuôn khổ CƯLB là cơ hội để cộng đồng quốc tế thay đổi phương thức quản trị các đại dương và biển để khắc phục những tồn tại hiện nay và điều này sẽ thực hiện thành công nếu các nước nỗ lực thảo luận trên tinh thần mở và minh bạch.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề pháp lý kiêm Tổng thư ký Hội nghị, ông Miguel de Serpa Soares khẳng định việc bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương, trong đó có các nguồn đa dạng sinh học biển sẽ góp phần tận diệt đói nghèo, giúp kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, bảo đảm an ninh lương thực, tạo thêm sinh kế bền vững và tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng của các nước trước tác động của biển đổi khí hậu.
Thảo luận tại Hội nghị tiếp nối các nội dung đạt được trong quá trình thảo luận trù bị được khởi động từ năm 2015, đại diện các nước và các tổ chức tham dự trao đổi quan điểm về nội dung và các thành tố chính của văn kiện pháp lý về BBNJ. Trong đó, trọng tâm thảo luận bao gồm phạm vi của nguồn đa dạng sinh học thuộc đối tượng điều chỉnh của văn kiện pháp lý mới (chủ yếu là định nghĩa về nguồn gien biển), quyền tiếp cận và chia sẻ các lợi ích thu được từ hoạt động khai thác và sử dụng da dạng sinh học tại các vùng biển quốc tế (hay còn gọi là các vùng biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia).
Các hình thức, biện pháp quản lý theo vùng, bao gồm các khu vực bảo tồn biển, nghĩa vụ và nội dung đánh giá tác động môi trường trước khi tiến hành thu thập và khai thác các nguồn đa dạng sinh học biển nhằm tăng cường bảo tồn và gìn giữ đa dạng sinh học cho các thế hệ hiện tại và tương lai, cũng như các hình thức tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ biển giữa các nước phát triển và đang phát triển trong lĩnh vực này.
Đa số các nước nhấn mạnh cần khẩn trương xây dựng văn kiện pháp lý mới này, đề cao CƯLB và cho rằng nội dung văn kiện pháp lý mới phải phù hợp với CƯLB, tránh lặp lại các văn kiện pháp lý hiện có, đồng thời bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia quy định tại CƯLB cũng như các văn kiện pháp lý có liên quan, nhất là quyền của các quốc gia ven biển đối với các vùng biển thuộc phạm vi tài phán quốc gia như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong và ngoài 200 hải lý.
Quan điểm của các nước còn khác biệt về quy chế pháp lý áp dụng cho nguồn đa dạng sinh học tại các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia, phương thức quản lý, cấp phép cũng như bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh học này, cũng như tính chất, mô hình hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển…
Kết thúc Phiên họp thứ nhất, Hội nghị đã thống nhất được một số nhận thức chung, lộ trình đàm phán trong thời gian tới trong đó nhất trí giao Chủ tịch Hội nghị xây dựng Tài liệu cơ sở để các nước bổ sung, đóng góp, tiến tới sớm hình thành dự thảo văn kiện pháp lý về BBNJ và chuyển sang giai đoạn đàm phán xây dựng văn bản trong các Phiên họp tiếp theo của Hội nghị này.
Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia trao đổi, phát biểu tại các phiên thảo luận chung và thảo luận chuyên đề của Hội nghị trong đó đề cao vai trò của CƯLB là khuôn khổ pháp lý toàn diện điểu chỉnh mọi hoạt động trên đại dương và biển, ủng hộ sớm đạt được văn kiện pháp lý mới về BBNJ, chỉ rõ văn kiện pháp lý mới phải bảo đảm không làm phương hại đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia được xác lập theo CƯLB.
Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của đa số các nước đang phát triển, theo đó các nguồn đa dạng sinh học biển ở biển quốc tế (còn gọi là biển cả là tài sản chung của nhân loại, tương tự như các tài nguyên khoáng sản ở đáy biển quốc tế (còn gọi là Vùng, bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển). Do đó, việc tiếp cận, thu thập và sử dụng nguồn đa dạng sinh học ở biển quốc tế cần phải được cấp phép và quản lý bởi một cơ chế quốc tế phù hợp, lợi ích thu được từ khai thác và sử dụng BBNJ cần phải được chia sẻ một cách công bằng giữa các quốc gia.
Việt Nam tiếp tục đề cao hợp tác quốc tế, đề nghị có quy định rõ về tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong lĩnh vực này, qua đó tạo cơ sở pháp lý để các nước còn yếu trong công nghệ biển được tiếp cận các thành quả nghiên cứu, tạo dựng khả năng tiếp cận và vươn ra các vùng biển ngoài khơi xa và đáy đại dương của các nước này trong tương lai.
Đoàn Việt Nam cũng kêu gọi các nước tập trung thảo luận, tìm giải pháp đối với các vấn đề được nêu rõ trong nhiệm vụ của Hội nghị trên cơ sở tiếp nối kết quả thảo luận ở giai đoạn trước, đồng thời, tái khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia đóng góp với tinh thần cởi mở và xây dựng nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán về BNNJ có đạt được kết quả trong thời gian tới.
Theo lộ trình đàm phán được thông qua, Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý trong khuôn khổ CƯLB về BNNJ sẽ tiếp tục tổ chức 3 phiên họp từ nay đến giữa năm 2020, trong đó Phiên họp thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2019 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.