Đại sứ Pereric Högberg. (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Tự hào góp phần vào sự phát triển của Việt Nam
Xin Đại sứ cho biết những kết quả nổi bật trong quan hệ Việt Nam – Thụy Điển thời gian qua cũng như triển vọng của mối quan hệ này trong thời gian tới?
Về tổng thể, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thụy Điển là một mối quan hệ tuyệt vời. Chúng ta đang dần đi đến kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969). Theo tôi, lịch sử là một trong những nhân tố quan trọng, làm khăng khít thêm mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hai dân tộc.
Có thể một số người Việt Nam chưa hiểu rõ sự quan trọng của đất nước các bạn đối với người dân Thụy Điển 50 năm về trước. Cuối những năm 60, đầu năm 70, đã có rất nhiều phong trào đoàn kết tại Thụy Điển liên quan tới Việt Nam nổ ra trên khắp đất nước. Không chỉ chính phủ mà ngay cả những người dân Thụy Điển đều ủng hộ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của người Việt lúc bấy giờ. Những phong trào này không đơn thuần mang tính chất chính trị mà đã góp phần làm mối quan hệ giữa hai quốc gia tưởng chừng khác biệt thêm thân thiết, nồng ấm.
Không chỉ khăng khít trong quá khứ, hiện nay, quan hệ chính trị giữa hai nước cũng diễn ra rất tốt đẹp. Điển hình trong năm vừa qua, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương phát triển ngày càng hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chuyến thăm chính thức Thụy Điển vào tháng 4/2017. Ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström cũng có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 21-23/11/2017...
Với tư cách là những người bạn lâu năm, Thụy Điển cũng chia sẻ lo ngại về những tiến triển chính trị trong khu vực và trên thế giới với Việt Nam, nhất là hiện tại Thụy Điển đang là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngoài ra, Thụy Điển cũng luôn giúp đỡ Việt Nam từ những ngày đầu thiết lập quan hệ. Tổng vốn đầu tư không ràng buộc của Thụy Điển giành cho Việt Nam đạt mức 3,5 tỷ USD - một con số không hề nhỏ. Tuy rằng, năm 2013 Thụy Điển đã ngừng tài trợ ODA cho Việt Nam, nhưng theo góc nhìn của chính phủ Thụy Điển, đó không phải là điều đáng lo ngại. Ngược lại, đây là dấu hiệu tích cực bởi Việt Nam đã sẵn sàng tự lực bước trên đôi chân của mình. Chúng tôi rất vui mừng vì điều đó, tự hào vì đã góp phần vào quá trình phát triển đất nước các bạn và Thụy Điển luôn luôn ủng hộ để kinh tế Việt Nam ngày một lớn mạnh. Đã đến lúc Thụy Điển ngừng tài trợ cho Việt Nam và đưa mối quan hệ này đến tầm cao mới, mối quan hệ giữa hai quốc gia ngang hàng cùng nhau hợp tác phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm Thụy Điển từ ngày 6-8/4/2017. (Nguồn: TTXVN) |
Tôi cũng thực sự ấn tượng với các hoạt động ngoại giao của chính phủ Việt Nam. Tôi chưa từng tới một quốc gia nào mà hàng năm có rất nhiều chuyến thăm cấp cao song phương, duy trì hợp tác chặt chẽ với nhiều hoạt động hợp tác không chỉ cấp Nhà nước, mà các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giữa hai nước như tại Việt Nam.
Năm 2019 sẽ là một năm đặc biệt với Việt Nam và Thụy Điển khi cả hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ có thể chia sẻ một số hoạt động kỷ niệm quan trọng sẽ được tổ chức trong năm tới?
Hiện tại, chúng tôi đã bắt đầu lên kế hoạch để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển. Đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam mà còn cả của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển. Hai bên cần phải liên kết chặt chẽ để giới thiệu đến người dân hai nước mối quan hệ keo sơn bền vững kéo dài suốt 50 năm qua. Về phía Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, điều quan trọng là thể hiện được thông điệp Thụy Điển đã, đang và sẽ luôn cam kết hợp tác với Việt Nam.
Với tôi và với Đại sứ quán Thụy Điển, chúng tôi luôn cố gắng tiếp cận tới không chỉ những “gương mặt” quen thuộc như Nhà nước, các Bộ ngành, các nhà ngoại giao mà còn muốn nhắm mục tiêu tới những người dân Việt Nam bình thường, nhất là giới trẻ - những người chưa nắm rõ về mối quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Thụy Điển. Đây là nhiệm vụ quan trọng của tôi, của Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển cũng như toàn bộ các cán bộ ngoại giao khác để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh mối quan hệ này.
Đương nhiên các hoạt động liên quan đến văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực sẽ là tâm điểm của loạt hoạt động kỷ niệm với ba chủ đề chính: bền vững, an toàn và đổi mới. Các hoạt động đáng chú ý trong năm 2018 sẽ bao gồm Festival phim Thụy Điển diễn ra trong khuôn khổ Festival phim châu Âu. Ngoài ra, một trong những ca sĩ Opera nổi tiếng nhất thế giới Anne Sofie von Otter sẽ đến Việt Nam biểu diễn và giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia vào đầu tháng 3/2018...
Và điều tôi mong đợi nhất, đó là Việt Nam và Thụy Điển sẽ cùng chung tay hợp tác, đẩy mạnh bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn và an ninh xã hội... Tuy vậy, những hoạt động này không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, mà cần có cả một quá trình bền vững.
Kỳ vọng EVFTA sớm được phê chuẩn
Hợp tác kinh tế - thương mại của Việt Nam – Thụy Điển thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước vẫn còn khá khiêm tốn khi mới chỉ đạt mức hơn 1 tỷ USD. Theo Đại sứ, hai nước nên tập trung phát triển hợp tác trên lĩnh vực nào để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại song phương?
Quan hệ kinh tế thương mại song phương Việt Nam - Thụy Điển đang phát triển mạnh mẽ. Với tôi, 1 tỷ USD không phải là con số nhỏ, đó là con số đáng mừng, báo hiệu sự phát triển kinh tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Nhưng con số đó có thể tăng mạnh mẽ hơn nữa. Các tập đoàn, công ty của Thụy Điển đã có mặt tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á đang nhìn thấy thị trường tiềm năng lớn tại Việt Nam và bắt đầu có những kế hoạch tiến vào thị trường có nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng này.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg (phải) trả lời phỏng vấn phóng viên báo Thế Giới & Việt Nam. (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Các sản phẩm tiêu dùng của Thụy Điển có điểm mạnh về tính sáng tạo, đổi mới. Họ hoạt động một cách minh bạch và đem lại sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy, giá thành các sản phẩm này có thể cao hơn so với bình thường, nhưng về lâu dài và xét chất lượng sản phẩm thì giá đó không hề cao một chút nào.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Thụy Điển cần quan tâm và chú ý đến nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam bởi theo dự đoán của tôi, trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm nữa, sức mạnh của người tiêu dùng sẽ là bước ngoặt quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã kết thúc đàm phán và đang trong thời gian chờ phê chuẩn. Đại sứ kỳ vọng gì từ Hiệp định này, đặc biệt là trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển?
Kỳ vọng của tôi là Hiệp định EVFTA sẽ sớm được phê chuẩn. Thụy Điển luôn tin vào cơ chế tự do thương mại, thị trường Thuỵ Điển cũng dựa vào tự do thương mại để phát triển. Chủ nghĩa bảo hộ không đáp ứng được sự phát triển kinh tế bền vững, mà chính sự mở cửa về kinh tế mới đem lại thịnh vượng. Bản thân tôi và cả đất nước Thụy Điển cũng tin rằng Việt Nam là một nước tin vào cơ chế tự do thương mại.
Để Hiệp định EVFTA được phê chuẩn thì phải được thông qua bởi Nghị viện EU. Vì vậy, Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa từ giờ cho tới giữa năm để chứng minh cho EU thấy cam kết và quyết tâm theo đuổi đến cùng với Hiệp định này, phát triển theo đúng hướng mà EU mong đợi, cũng như có cải thiện về vấn đề lao động, môi trường... Từ đó, mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Xin cám ơn Đại sứ!