Trong 2 ngày 21-22/3 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng, thông qua 29 Nghị quyết tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 40. Đoàn Việt Nam do Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tại Geneva làm Trưởng đoàn.
Qua 4 tuần làm việc, Hội đồng nhân quyền đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, người khuyết tật, quyền nhà ở, quyền lương thực cùng nhiều vấn đề khác.
Hội đồng cũng xem xét tình hình nhân quyền tại một số quốc gia như Myanmar, Triều Tiên, Syria, Nam Sudan, Iran... và thảo luận các biện pháp tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các nước Cộng hòa dân chủ Congo, Ukraine, Mali…
Như thường lệ, Hội đồng thông qua báo cáo rà soát định kỳ phổ quát của 14 nước thuộc Chu kỳ rà soát thứ 3.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp thứ 40 Hội đồng Nhân quyền LHQ, ngày 25/2 tại Geneva, Thụy Sĩ. (Nguồn: TTXVN) |
Phiên thảo luận cấp cao về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong chủ nghĩa đa phương và vấn đề án tử hình cũng được tổ chức trong khuôn khổ khóa họp này.
Trong số 29 nghị quyết của Hội đồng tại khóa họp, 16 nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, gồm các Nghị quyết về quyền lương thực, quyền văn hóa, quyền trẻ em, chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao, quyền con người và dân chủ, nhà nước pháp quyền, tự do tôn giáo và tín ngưỡng…
Bên cạnh đó, Hội đồng nhân quyền đã phải thông qua bằng bỏ phiếu 13 nghị quyết, trong đó có các Nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Myanmar, Iran, Nicaragua, Syria, Nghị quyết về nhân quyền và các biện pháp cưỡng chế đơn phương, Nghị quyết về tác động của nợ nước ngoài đối với việc thụ hưởng quyền con người…
Tại khóa họp, đoàn Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng nội dung nhiều dự thảo nghị quyết, tham gia đồng bảo trợ 3 nghị quyết về quyền lương thực, quyền văn hóa, tác động của nợ nước ngoài và các ràng buộc tài chính quốc tế khác đối với việc thụ hưởng quyền con người.
Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong chủ nghĩa đa phương, phiên đối thoại với Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực, phiên thảo luận về tình hình nhân quyền Myanmar, về quyền của người khuyết tật.
Sự tham gia của Việt Nam một lần nữa thể hiện thái độ tích cực và có trách nhiệm đối với công việc chung của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc trên tinh thần đối thoại và hợp tác, góp phần đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.