Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tiếp ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Đối ngoại và Ưu tiên châu Phi. |
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc hoan nghênh Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO thăm Việt Nam, góp phần cụ thể hóa các kết quả đạt được trong chuyến thăm lịch sử tới Trụ sở UNESCO của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào đầu tháng 10/2024 đưa quan hệ đối tác “toàn diện, thực chất, hiệu quả” giữa Việt Nam và UNESCO lên tầm cao mới. Qua gần 50 năm hợp tác, nhất là sau khi thành lập Văn phòng UNESCO tại Hà Nội năm 1999, UNESCO đồng hành cùng Việt Nam trong đổi mới, hội nhập, xây dựng và phát triển đất nước, bắc những nhịp cầu quan trọng góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.
Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng UNESCO và Việt Nam đều cùng chia sẻ mục tiêu thúc đẩy giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, văn hóa và con người là nền tảng, động lực phát triển bền vững, mong muốn thời gian tới làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác, triển khai hiệu quả Biên bản Hợp tác giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới khuôn khổ hợp tác cho giai đoạn mới 2026 - 2030.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cảm ơn ông Matoko đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quan hệ Việt Nam - UNESCO, nhất là quyết định lịch sử thành lập Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và hỗ trợ Hà Nội ghi danh Thành phố vì hòa bình năm 1999. Những “hạt giống” của sự hợp tác được gieo trồng từ 25 năm trước, nay đã “nở hoa kết trái”, trở thành biểu tượng của sự đoàn kết và phát triển bền vững.
Thứ trưởng mong ông Matoko tiếp tục quan tâm, ủng hộ các sáng kiến, chương trình hợp tác Việt Nam - UNESCO, các hồ sơ bảo tồn, hồ sơ đề cử danh hiệu của Việt Nam như Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc; Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê; Hang Con Moong; Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam, Tranh dân gian Đông Hồ; Nghệ thuật Chèo; Mo Mường; Danh hiệu hoà bình cho Quảng Trị, vinh danh danh nhân Lê Quý Đôn nhân dịp 300 năm ngày sinh… và đặc biệt là Dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO Firmin Edouard Matoko khẳng định Việt Nam là đối tác chiến lược, tin cậy, trách nhiệm của UNESCO, là một trong những nước đi đầu trong việc triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động của UNESCO, luôn được nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của bạn bè quốc tế. |
Về phần mình, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO Firmin Edouard Matoko bày tỏ cảm kích và xúc động được thăm lại Việt Nam vào dịp các lễ kỷ niệm quan trọng; khẳng định Việt Nam là đối tác chiến lược, tin cậy, trách nhiệm của UNESCO, là một trong những nước đi đầu trong việc triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động của UNESCO, luôn được nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của bạn bè quốc tế. Ông cũng đánh giá cao các đóng góp quan trọng, hiệu quả của Việt Nam trong công việc chung của Tổ chức với tư cách là thành viên của 6 cơ chế điều hành then chốt, là hình mẫu hợp tác điển hình giữa một quốc gia thành viên với UNESCO như Tổng giám đốc UNESCO đã nhận xét. Với 70 danh hiệu UNESCO, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy sứ mệnh của UNESCO.
Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO Matoko cũng đề cao hợp tác hiệu quả giữa Uỷ ban Quốc gia - Văn phòng UNESCO Hà Nội - Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO - UNESCO Paris, nhấn mạnh Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam là một trong những Uỷ ban Quốc gia năng động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã huy động tốt sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng người dân trong các chương trình hoạt động tại quốc gia như SOVICO…
Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO Firmin Edouard Matoko bày tỏ cảm kích và xúc động được thăm lại Việt Nam. |
Ông cũng khẳng định UNESCO luôn ủng hộ Việt Nam, cam kết hỗ trợ 100.000 USD và cử đoàn khảo sát giúp Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão Yagi; Lãnh đạo UNESCO và các chuyên gia quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thúc đẩy ghi danh các hồ sơ đã đề cử và đặc biệt là Dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, nơi ông vừa được tới thăm, để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng. Ông đánh giá cao việc Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức những sự kiện quan trọng như Lễ hội Hòa bình (Quảng Trị, tháng 7/2024), Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Cao Bằng, tháng 9/2024), hoan nghênh ý tưởng tổ chức Lễ hội “Nghệ thuật vì khí hậu” tại Hạ Long vào đầu năm 2025.
Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Matoko sẽ có các cuộc chào xã giao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; Diễn đàn Thanh niên và UNESCO tại Việt Nam: Những người kiến tạo phát triển bền vững.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc chụp ảnh lưu niệm cùng ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Đối ngoại và Ưu tiên châu Phi. |