Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Nguồn: Reuters) |
Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận chiếc búa biểu tượng từ người đồng cấp Thái Lan Prayut Chan-o-cha trong lễ bàn giao chức Chủ tịch ASEAN vào tháng 11/2019 tại Bangkok, ông không biết đất nước mình sẽ gặp phải những thách thức gì chỉ sau vài tháng.
Việt Nam, mặc dù đã thành công trong việc chống lại đại dịch Covid-19, nhưng đã có một năm khó khăn chưa từng có trên cương vị chủ tịch ASEAN. Chủ đề của năm là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, nhưng sự hỗn loạn của đại dịch đe dọa làm mất đi hy vọng của đất nước. Bất chấp việc Hà Nội vận động hành lang cho hình thức họp trực tiếp truyền thống của ASEAN tại Đà Nẵng vào tháng 4, cuối cùng sự kiện đã diễn ra thông qua hình thức trực tuyến lần đầu tiên kể từ khi thành lập ASEAN năm 1967.
Thể thức mới đã thách thức khả năng của nước chủ nhà trong việc thiết lập chương trình nghị sự và tiến hành các cuộc đàm phán quan trọng.
"Ngoại giao ASEAN được dàn xếp một cách riêng tư; nổi tiếng với việc đạt được các thỏa thuận lớn trên sân golf và uống rượu trong các cuộc họp bên lề... Khi bạn không có các cuộc gặp trực tiếp thực tế này... các sự kiện trực tuyến sẽ làm loãng 'cách thức ASEAN' trong việc thực hiện điều đó", một học giả chuyên về Đông Nam Á tại Bangkok đã lưu ý như vậy vào đầu năm nay, đồng thời bày tỏ kỳ vọng thấp về những thành tựu mà Việt Nam có thể đạt được trong vai trò Chủ tịch ASEAN.
Tuy nhiên, trong khi các nước láng giềng vẫn đang phải vật lộn với đại dịch, Hà Nội đã sáng tạo một cách đáng ngạc nhiên trong các hoạt động ngoại giao và tận dụng tình hình một cách tốt nhất, không chỉ cho mình mà cho cả cộng đồng ASEAN.
Biến điều không thể thành có thể
Việt Nam đã khéo léo xoay sở để chuyển hoạt động ngoại giao ngoại tuyến điển hình sang các nền tảng trực tuyến. Hà Nội đã tổ chức tất cả các sự kiện quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, bao gồm hội nghị cấp cao trực tuyến đầu tiên vào tháng 6 và hội nghị sắp diễn ra vào tháng 11 năm nay (dự kiến cũng sẽ bao gồm các cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên vào năm 2020). Nhìn một cách tích cực, sự chuyển đổi trực tuyến thực sự giúp giảm bớt nhiệm vụ tổ chức các cuộc họp.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các cuộc họp liên quan (AMM), có tới 42 văn kiện được thông qua, một kỷ lục trong lịch sử AMM.
Số lượng các cuộc họp và tài liệu không nhất thiết đã đủ để đánh giá hoạt động của nước chủ tọa. Tuy nhiên, việc xem xét kỹ hơn những gì thực sự đã làm được trong năm đầy biến động này cũng cho thấy sự đánh giá cao về những nỗ lực của Việt Nam.
Về quan hệ đối ngoại, ASEAN vẫn giữ quan điểm khá trung lập trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc leo thang căng thẳng. Tổ chức này cũng đã tích cực tìm cách mở rộng quan hệ đối tác: ASEAN đã đồng ý trao quy chế đối tác phát triển cho Pháp và Italy, đồng thời kết nạp Colombia và Cuba vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC).
Gần đây, Vương quốc Anh đã đề nghị trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN. Điều này rất quan trọng bởi vì vấn đề phức tạp nhất trong khu vực hiện tại, tranh chấp Biển Đông, không thể một mình các nước ASEAN giải quyết được.
Hà Nội đã cố gắng để thúc đẩy chủ đề này trên hai phương diện: trong nội bộ ASEAN và giữa các đối tác ASEAN. Ở phương diện thứ nhất, sau Hội nghị AMM 53, Việt Nam đã ra tuyên bố chung chỉ trích rõ ràng các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc (mặc dù không nêu đích danh Bắc Kinh).
Đây cũng là tuyên bố đầu tiên của ASEAN đề cập rõ ràng đến Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), vốn trước đây bị các nước Chủ tịch ASEAN khác, bao gồm cả các nước tranh chấp chủ chốt như Philippines và Malaysia, né tránh. Đây là một bước đột phá to lớn: Tuyên bố ám chỉ một thỏa thuận đồng thuận của ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, thay vì cách tiếp cận song phương.
Mặc dù có một số thay đổi đáng kể trong ngôn ngữ của Tuyên bố chung, nhưng Hà Nội đã làm rất tốt vấn đề Biển Đông. Điều quan trọng là các nước ASEAN giáp giới với Biển Đông hiện bắt đầu lên tiếng và công nhận vụ kiện mà một quốc gia thành viên khác là Philippines đã thắng Trung Quốc vào năm 2016.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh giữa) trao đổi cùng các bộ trưởng ngoại giao ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM 53) diễn ra tại Việt Nam. (Nguồn: VGP News) |
Bên ngoài ASEAN, 2020 là năm mà các cường quốc quốc tế và khu vực, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã lên tiếng chỉ trích sự quyết đoán của Trung Quốc. Tất nhiên, điều này một phần do tính toán của chính các nước đó, nhưng không thể phủ nhận rằng Việt Nam cũng đóng vai trò vận động tích cực.
Vào tháng 7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã “hoan nghênh những đóng góp mang tính xây dựng và thích ứng của Mỹ” ở Biển Đông, một động thái chưa từng có trước đây. Bên cạnh những nỗ lực thu hút sự ủng hộ chống lại các cuộc chơi quyền lực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, ASEAN cũng cố gắng làm hài lòng Trung Quốc.
Vào cuối năm 2019, ASEAN, dưới sự chủ trì của Thái Lan đã chấp nhận đề xuất của Bắc Kinh về việc liên kết Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 (MPAC) với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Có 3 thành viên ASEAN ủng hộ đề xuất này và đang nỗ lực xây dựng các ý tưởng hợp tác cụ thể.
Mặc dù áp lực đối với các nước Đông Nam Á có thể sẽ gia tăng sau hậu quả của Covid-19 khi nhiều nước đối mặt với suy thoái kinh tế, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN trong ứng phó với đại dịch để giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế.
Những nỗ lực này bao gồm thành lập Quỹ ứng phó Covid-19, tích cực xây dựng một diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược và cách thức nhằm giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đối với con người và nền kinh tế. Mặc dù chỉ đạt được những tiến bộ hạn chế từ những hành động này, nhưng điều đáng chú ý là Việt Nam đã điều phối một lượng lớn công việc mà không cần đến các cuộc họp và hội đàm bên lề không chính thức của ASEAN.
Các giải pháp lâu dài
Trước tiên, Việt Nam cần tìm ra một cách thức sáng tạo để thực hiện cách tiếp cận đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề không liên quan đến các quốc gia thành viên khác. Ví dụ, rất khó để các nước như Myanmar, Campuchia hoặc Lào đồng ý về bất kỳ tuyên bố mạnh mẽ nào về Biển Đông, không mang lại lợi ích trước mắt và có thể gây tổn hại cho mối quan hệ của các nước này với Trung Quốc.
Họ có thể đồng ý về một nguyên tắc chung, chẳng hạn như tôn trọng luật pháp quốc tế và các giải pháp hòa bình, nhưng chắc chắn sẽ không mạo hiểm đi quá xa để chỉ trích Trung Quốc. Do đó, Việt Nam có thể thành lập một nhóm nhỏ hoặc lực lượng đặc nhiệm của các nước trong ASEAN có quan tâm trực tiếp đến vấn đề này.
Để thực hiện điều này, thứ nhất, Việt Nam có thể tìm cách đưa ra các tuyên bố riêng cho các quốc gia bị ảnh hưởng thay vì tất cả của cách tiếp cận đồng thuận. Đây chắc chắn là một thách thức nhưng Hà Nội có thể bắt đầu với những vấn đề ít nhạy cảm hơn như chống đánh bắt bất hợp pháp hay sông Mekong.
Thứ hai, Việt Nam đã cố gắng thúc đẩy việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp chủ quyền và thúc đẩy rõ ràng việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS năm 1982.
Năm 2020 là một năm chưa từng có khi các quốc gia Đông Nam Á có lập trường ngoại giao mạnh mẽ hơn nhiều đối với Trung Quốc. Từ các bên tuyên bố chủ quyền thường im lặng như Malaysia cho đến các bên trung lập như Indonesia, các quốc gia thành viên đã gửi công hàm để bác bỏ các tuyên bố chủ quyền và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thứ ba, ASEAN với tư cách là một mỏ neo thể chế khu vực, đã và đang hoạt động khá tốt trên mặt trận kinh tế, nhưng lại kém hơn ở các trụ cột quan trọng khác như an ninh chính trị và các giá trị văn hóa xã hội. Chắc chắn là rất khó để tìm thấy những điểm chung ở một khu vực đa dạng như Đông Nam Á, chưa kể đến nguyên tắc không can thiệp của ASEAN.
Tuy nhiên, để xây dựng một cộng đồng khu vực thực sự sớm nhất vào năm 2025, ASEAN phải đóng vai trò tích cực hơn. Xây dựng bản sắc ASEAN là một trong những mục tiêu chính của Hà Nội trong năm nay, nhưng dễ hiểu là điều này đòi hỏi thời gian nhiều hơn một năm làm Chủ tịch.
Trong thời đại đại dịch, Hà Nội có thể bắt đầu với mối quan tâm chung: tập trung chia sẻ kinh nghiệm đối phó với Covid-19 từ các quốc gia đang làm tốt (như Singapore, Thái Lan và Việt Nam) cho các quốc gia thành viên đang gặp khó khăn, chẳng hạn như Indonesia và Philippines. Hoạt động liên kết cần hành động chứ không phải lời nói đơn thuần.
Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam đã đạt được nhiều điều hơn mong đợi trong vai trò Chủ tịch nhằm thúc đẩy lợi ích của đất nước cũng như củng cố một ASEAN gắn kết hơn giữa một thế giới không chắc chắn với sự cạnh tranh ngày càng tăng của các cường quốc. Tuy nhiên, mọi thứ rất có thể trở lại “bình thường” trong hai năm tới khi Brunei và Campuchia đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên.