TS. Phạm Lan Dung phát biểu tại lễ khai giảng chương trình bồi dưỡng cao cấp về hội nhập quốc tế dành cho vụ trưởng các bộ, ngành và giám đốc sở các tỉnh, thành phố, tháng 11/2019. |
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945- 28/8/2021), TG&VN đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Lan Dung, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao về công tác đào tạo của đơn vị.
Học viện Ngoại giao được biết đến là địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế nói chung và là cái nôi đào tạo cán bộ cho Bộ Ngoại giao nói riêng. Xin bà cho biết những kết quả nổi bật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong những năm qua?
Với bề dày hơn 60 năm thành lập và phát triển, Học viện Ngoại giao là cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia, duy nhất trực thuộc Bộ Ngoại giao, đào tạo các bậc tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân.
Tính đến năm 2021, Học viện đã tuyển sinh được 11 khoá Nghiên cứu sinh Quan hệ quốc tế (QHQT), 4 khóa Nghiên cứu sinh Luật quốc tế (LQT), 21 khoá Cao học QHQT, 9 khóa Cao học LQT, 7 khóa Cao học Kinh tế quốc tế (KTQT), 48 khoá Đại học chính quy và 5 Khoá Cao đẳng, 23 khoá Trung cấp trong những giai đoạn trước.
Sinh viên tốt nghiệp Học viện được thị trường lao động đánh giá cao về năng lực bao gồm kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ; về các tố chất cần thiết đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường như tính thích ứng cao, năng động, sáng tạo, tự tin và chuyên nghiệp.
"Sinh viên tốt nghiệp Học viện được thị trường lao động đánh giá cao về năng lực bao gồm kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ; về các tố chất cần thiết đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường như tính thích ứng cao, năng động, sáng tạo, tự tin và chuyên nghiệp". |
Nhiều sinh viên đã khẳng định và phát huy tốt ở các vị trí việc làm đa dạng, không chỉ ở Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, các cơ quan trung ương mà còn ở khối ngân hàng, khối cơ quan báo chí, truyền thông, ở các tập đoàn, doanh nghiệp, cũng như ở các cơ quan đại diện của các nước ở Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện trong và ngoài nước.
Theo số liệu khảo sát hằng năm, trên 90% sinh viên tốt nghiệp Học viện có việc làm (bao gồm cả học nâng cao) trong khoảng 12 tháng từ khi tốt nghiệp. Mức lương khởi điểm trung bình từ 7-15 triệu, trong đó, theo ý kiến phân tích của các chuyên gia đoàn đánh giá ngoài làm việc với Học viện tháng 1/2021, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Học viện có mức lương trên 10 triệu khá cao so với các cơ sở đào tạo khác.
Riêng trong khối các cơ quan nhà nước, các cựu sinh viên của Học viện vinh dự có 2 đồng chí hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, 4 đồng chí hiện là Ủy viên Trung ương Đảng và nhiều đồng chí giữ các vị trí quan trọng tại các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Học viện cũng vô cùng tự hào khi rất nhiều các đồng chí Lãnh đạo Bộ Ngoại giao thuộc các thế hệ, các đồng chí Đại sứ, các đồng chí Vụ trưởng và cán bộ chủ chốt của Bộ, cũng như các cán bộ trẻ có năng lực hiện nay là cựu sinh viên Học viện.
Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Đối ngoại (FOSET) trực thuộc Học viện Ngoại giao có chức năng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ cho đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao; công chức, viên chức làm công tác đối ngoại của các Bộ, ngành, địa phương và cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Học viện Ngoại giao là đơn vị được giao chủ trì về mặt chuyên môn, tổ chức thực hiện các khóa bồi dưỡng trong khuôn khổ 3 Đề án Chính phủ là Đề án “Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025”, Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2021-2025”, và Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025”.
Đặc biệt, Đề án Chính phủ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế là Đề án đầu tiên về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại có quy mô và ảnh hưởng lớn, đối tượng học viên bao gồm các cán bộ làm công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của tất cả các bộ, ngành và địa phương trên cả nước.
Những năm gần đây, Trung tâm FOSET tổ chức được gần 450 khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trong và ngoài Bộ Ngoại giao, trong đó giai đoạn 2016-2020 tổ chức 306 khóa cho hơn 19.000 lượt học viên, gồm 103 khóa bồi dưỡng cán bộ Bộ ngoại giao, 140 khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức làm công tác đối ngoại tại các bộ, ngành và địa phương, 28 khóa bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ địa phương, và 34 khóa biên phiên dịch dành cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu riêng.
Điểm đặc biệt của các khóa bồi dưỡng do FOSET tổ chức là theo mô hình tiên tiến, kết hợp kiến thức và kỹ năng, lựa chọn các chủ đề có tính thời sự và tính ứng dụng cao, thiết kế ngắn gọn và hiệu quả, phù hợp với nhu cầu người học, mời các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, tính tương tác giữa giảng viên và học viên cao.
Vì vậy, dù không cấp các văn bằng, chứng chỉ có các giá trị đặc biệt, nhưng các khóa học của FOSET luôn thu hút được số lượng lớn học viên, tạo được sự tham gia sôi nổi, thực chất và để lại những ấn tượng rất tích cực với người học.
Học viện cũng luôn coi trọng và tích cực đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và bồi dưỡng, đặc biệt với các đối tác từ các nước có nền giáo dục và đào tạo tiên tiến.
Hiện nay, Học viện có quan hệ hợp tác với hơn 80 viện, trung tâm, cơ quan, tổ chức nghiên cứu và trường đại học trong và ngoài nước. Học viện đã ký thỏa thuận hợp tác với 58 cơ sở nghiên cứu, đào tạo và bồi dưỡng trên thế giới, bao gồm các quốc gia từ tất cả các châu lục.
Ngay trong giai đoạn đại dịch Covid-19, số lượng các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trên thế giới muốn đặt quan hệ hợp tác với Học viện vẫn không ngừng gia tăng.
Năm 2020-21 Học viện đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác trực tuyến với các trường, viện nghiên cứu ở Trung Đông và ở châu Mỹ.
Các hội thảo, tọa đàm trực tuyến với các đối tác nước ngoài được tiến hành thường xuyên, không hề bị gián đoạn trong năm 2020-21 với chất lượng cao và sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực trao đổi.
Về liên kết đào tạo, Học viện có chương trình hợp tác liên kết đào tạo Thạc sĩ và Cử nhân QHQT với Trường Đại học Lyon III (Pháp) và Trường Đại học Victoria Wellington (New Zealand).
Học viện vừa ký Thỏa thuận hợp tác với Đại học Bristol, Vương quốc Anh và đang thúc đẩy xây dựng Chương trình đào tạo liên kết với Bristol trong năm 2022. Học viện là thành viên của mạng lưới Học viện Ngoại giao các nước ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).
Trong nhiều năm qua, Học viện Ngoại giao liên tục được Bộ Ngoại giao công nhận là đơn vị xuất sắc trong Ngành và được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương như: Huân chương Lao động hạng Nhất (1994), Huân chương Độc lập hạng Ba (1999), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2004), Huân chương Hồ Chí Minh (2009), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2019).
Bên cạnh đó, Học viện đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen và Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các Bộ, Ngành, thành phố Hà Nội và các tổ chức Đảng và Đoàn cấp trên.
TS. Phạm Lan Dung - quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C.O' Brien trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 11/2020. |
Theo bà, trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Ngoại giao đang đứng trước những cơ hội và thách thức gì?
Trong bối cảnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đang được đẩy mạnh, nhu cầu của đất nước và xã hội đối với các lĩnh vực và ngành học mà Học viện Ngoại giao đang đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, với bề dày uy tín nhiều năm, đội ngũ giảng viên giỏi và tâm huyết, môi trường đào tạo tiên tiến và lành mạnh, chất lượng sinh viên tốt nghiệp đã được xã hội kiểm chứng và được khẳng định trên thực tế, Học viện vững tin là đông đảo các thế hệ trẻ tài năng và có khí chất luôn nuôi dưỡng nguyện vọng thiết tha được học tập, rèn luyện và trưởng thành từ Học viện.
Mặc dù vậy, Học viện cũng nhận thức được sự cần thiết phải tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo để gắn với thực tiễn hơn nữa, mở thêm những ngành mới mà Học viện có ưu thế đồng thời đáp ứng được nhu cầu rộng rãi của xã hội.
Một thế mạnh nổi bật của Học viện là phần lớn đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện được đào tạo tại các trường hàng đầu khu vực và thế giới, có thể giảng dạy trực tiếp các môn chuyên ngành bằng nhiều ngoại ngữ khác nhau, có tâm huyết và cách tiếp cận tiên tiến trong đào tạo và nghiên cứu.
Nhiều giảng viên và cán bộ nghiên cứu uy tín của Học viện có kiến thức chuyên môn sâu đồng thời là các nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đội ngũ các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ, Học viện còn có đội ngũ giảng viên đã từng đảm nhiệm vai trò Đại sứ hoặc nhân sự cao cấp tại các tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, Học viện cũng có một mạng lưới các chuyên gia cao cấp trong nước và quốc tế thường xuyên cộng tác trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, Học viện cũng là cơ sở đào tạo nghiên cứu duy nhất thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác tốt với mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng như các cơ quan đại diện của các nước và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam.
Lãnh đạo Học viện Ngoại giao tiếp đón phái đoàn Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 22/7. |
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong các lĩnh vực tổ chức, tài chính, đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao đã ban hành quyết định để Học viện tự chủ về chi thường xuyên từ năm 2021.
Học viện Ngoại giao bắt đầu chuyển sang vận hành theo chế độ tự chủ về chi thường xuyên là một thách thức không nhỏ, nhưng cũng là cơ hội để đội ngũ cán bộ Học viện quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động về mọi mặt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của Nhà nước và xã hội.
Với quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết và nỗ lực không mệt mọi của toàn bộ giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ, nhân viên Học viện, đặc biệt được sự chỉ đạo, giám sát và hỗ trợ tận tình của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các đơn vị trong Bộ, Học viện tự tin vượt qua những thách thức trong giai đoạn đầu chuyển sang tự chủ, từ việc lo đủ nguồn tài chính để chi trả lương và chi phí vận hành của Học viện, việc động viên cán bộ thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chính trị quan trọng mà 2 Viện nghiên cứu và Trung tâm FOSET của Học viện đảm nhiệm, cho đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ, nhằm hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ đào tạo tiên tiến, tiệm cận với chuẩn của khu vực và quốc tế.
Cũng để thực hiện mục tiêu này, Học viện là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành kiểm định 100% các ngành đào tạo, tạo tiền đề để có thể thực hiện quyền tự chủ về tuyển sinh. Học viện cũng xúc tiến việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp nhân sự hợp lý và hiệu quả.
Và đặc biệt, Học viện đã nỗ lực xây dựng mới và tu bổ, cải tạo khuôn viên của Học viện để các thế hệ sinh viên và học viên sắp tới sẽ được rèn luyện, học tập trong điều kiện về cơ sở vật chất khang trang và hiện đại. Nhiều việc lớn và những thay đổi hệ trọng như vậy tạo nên sức ép không nhỏ cho toàn Học viện.
Bên cạnh đó là tác động của đại dịch Covid-19 cũng chồng chất thêm khó khăn cho hoạt động của Học viện. Tuy nhiên, cách tiếp cận của các thầy cô và cán bộ Học viện là luôn tìm ra cơ hội trong thách thức.
Việc chuyển sang tự chủ thực sự là thách thức chưa từng có với Học viện nhưng đồng thời cũng tạo ra nguồn động lực mạnh mẽ để mỗi người và cả tập thể nỗ lực không mệt mỏi.
Sức ép về tự chủ và quyết tâm cao độ của các đơn vị giúp Học viện hoàn thiện được một nhiệm vụ tưởng chừng là bất khả thi và đã bị trì hoãn nhiều năm – đó là thực hiện kiểm định các ngành đào tạo. Yêu cầu về giãn cách trong đại dịch được mọi người tiếp nhận như cơ hội thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức trực tuyến vào việc tổ chức hội thảo, học tập, họp hành và các hoạt động khác của Học viện.
Quy định nghiêm ngặt về “làm việc từ nhà” được nhìn nhận như một sự trùng hợp may mắn khiến việc cán bộ phải di dời khỏi cơ quan để triển khai Dự án xây dựng và sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của Học viện không tạo nên tâm lý căng thẳng cho anh chị em.
Khi chỉ thị giãn cách áp dụng với Hà Nội từ cuối tháng 7/2021, Học viện đã chuẩn bị và quyết tâm lên kế hoạch triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhất theo quy định để xin cho Dự án xây dựng của Học viện được tiếp tục thi công, nhằm đảm bảo hoàn thành công trình trong 12 tháng và kịp đón năm học mới.
Học viện đã vượt qua những bước ban đầu khó khăn nhất để chuyển sang tự chủ, Ban Lãnh đạo Học viện là những người ý thức và hiểu rõ nhất vai trò định hướng sáng suốt của các đồng chí Lãnh đạo Bộ.
Với tầm nhìn chiến lược và dài hạn, các đồng chí Lãnh đạo Bộ đã chủ động khuyến khích và tư vấn Học viện chuyển sang tự chủ và luôn luôn đồng hành cùng Học viện, hỗ trợ chúng tôi vượt qua những thử thách gian nan nhất.
TS. Phạm Lan Dung cùng các sinh viên Học viện Ngoại giao trong ngày lễ tốt nghiệp cử nhân năm 2019. |
Trước những cơ hội và thách thức như vậy, để giữ vững vị trí là vườn ươm đội ngũ nhân lực chất lượng cao và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế phục vụ không chỉ cho Bộ Ngoại giao mà cả các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trên cả nước, Học viện Ngoại giao có những định hướng giải pháp nào trong thời gian tới thưa bà?
Với tinh thần tận dụng cơ hội và biến thách thức thành cơ hội, Học viện Ngoại giao đang hoàn thiện và triển khai chiến lược phát triển trong giai đoạn mới 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo các định hướng giải pháp chính sau:
Thứ nhất là mở rộng quy mô đào tạo. Bắt đầu từ năm nay, Học viện đã thực hiện đề án tuyển sinh với nhiều điểm mới, đột phá so với các năm trước - tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh, bổ sung nhiều phương thức xét tuyển đa dạng hơn, mở thêm chương trình đào tạo mới, bổ sung lựa chọn các ngoại ngữ mới ngoài các tiếng Anh, Pháp, Trung như tiếng Hàn, tiếng Nhật.
Các đề án của Chính phủ bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại nhân dân và viên chức ngoại vụ địa phương mà Học viện Ngoại giao làm đầu mối chủ trì thực hiện cũng có quy mô mở rộng với sự tham gia của hầu hết các bộ ngành và địa phương trên cả nước.
Thứ hai là nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng, đặc biệt chú trọng đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo hướng khoa học, hiện đại, nhằm thích ứng với tình hình và đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy được xác định là một giải pháp trọng tâm.
"Bắt đầu từ năm nay, Học viện đã thực hiện đề án tuyển sinh với nhiều điểm mới, đột phá so với các năm trước - tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh, bổ sung nhiều phương thức xét tuyển đa dạng hơn, mở thêm chương trình đào tạo mới, bổ sung lựa chọn các ngoại ngữ mới ngoài các tiếng Anh, Pháp, Trung như tiếng Hàn, tiếng Nhật". |
Bên cạnh chức năng đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Ngoại giao còn là đơn vị nòng cốt nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chuyên sâu phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới được xem là có ý nghĩa quan trọng thiết yếu không chỉ phục vụ tham mưu hoạch định và triển khai công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, mà còn đối với chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.
Bên cạnh hoạt động giảng dạy truyền thống, Học viện dự kiến nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức đào tạo với các hình thức như: Tổ chức cho sinh viên tọa đàm với các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội, các nhân vật nổi tiếng, đi thực tế tại các cơ quan, tổ chức liên quan đến ngành học của các em như các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Hà Nội, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, các phân xã của Thông tấn xã Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức quốc tế ở trong và ngoài nước; Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giới thiệu và tổ chức cho sinh viên tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế gắn liền với ngành học nhằm khơi dậy tiềm năng, tạo động lực cho sinh viên phấn đấu trong học tập; Đẩy mạnh hoạt động thực tập và hướng nghiệp cho sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên và học viên tham dự các buổi đón tiếp, gặp mặt, trao đổi với các chính khách, đại sứ, quan chức cấp cao nước ngoài đến Việt Nam hay tham gia hỗ trợ các hội nghị quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam và các chương trình trao đổi sinh viên với các đối tác của Học viện ở nước ngoài.
Thứ ba là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Học viện Ngoại giao đang bước vào giai đoạn hoàn tất Dự án Đầu tư xây dựng khu giảng đường mới với hệ thống các phòng học, giảng đường và phòng hội nghị, hội thảo quốc tế được trang bị hiện đại, phù hợp với công tác giảng dạy, đào tạo của Học viện, đồng thời tích cực triển khai dự án nâng cấp Thư viện điện tử và Thư viện số.
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay và nhất là do tác động của đại dịch Covid-19, việc khẩn trương ứng dụng công nghệ và đào tạo đội ngũ giảng viên am hiểu kỹ năng và phương pháp “E-learning” (phương pháp học trực tuyến sử dụng kết nối mạng Internet” và “Blended learning” (phương pháp học điện tử được kết hợp với các phương pháp lớp học truyền thống) là một việc làm cấp thiết.
Nhận thức rõ điều này, Học viện đang và sẽ tập trung đầu tư các phần mềm dạy và học trực tuyến, mời các chuyên gia đến chia sẻ và hướng dẫn giúp giảng viên, cán bộ của Học viện xây dựng chương trình, phương pháp giảng dạy trực tuyến sao cho sinh động, cuốn hút để luôn chủ động, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất trong tình hình mới.
Thứ tư là xây dựng đội ngũ và bộ máy trên cơ sở chuẩn hóa theo bằng cấp, lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, gắn với công tác đối ngoại của Bộ Ngoại giao để kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, tận dụng mạng lưới hợp tác của Học viện với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo để cử cán bộ, giảng viên tham dự các khóa đào tạo ngắn, dài hạn trong và ngoài nước, mời chuyên gia đến giúp nâng cao trình độ quản lý đào tạo, tiến tới chuẩn hóa theo trình độ khu vực và quốc tế.
Tóm lại, cùng với sự phát triển, hội nhập sâu rộng, toàn diện của đất nước cũng như nhu cầu của xã hội, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác toàn ngành Ngoại giao nói chung và công tác đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trọng lĩnh vực đối ngoại nói riêng ngày càng cao hơn, cấp bách hơn.
Nhận thức rõ điều đó, tập thể đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện đang quyết tâm phấn đấu giữ vững vị trí là cơ sở nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế, phấn đấu đến năm 2030 vươn lên nhóm dẫn đầu ở khu vực .
Xin cảm ơn bà!
| IC Master 2021: Cuộc thi tìm kiếm Nhà Truyền thông tài ba của Học viện Ngoại giao chính thức mở vòng sơ loại Cuộc thi IC Master - Nhà Truyền thông tài ba 2021 do Khoa Truyền thông và Văn hoá Đối ngoại Học viện Ngoại giao tổ ... |
| Môn Hoa Kỳ học - 'Chắp cánh' những sứ giả tương lai Chia sẻ với TG&VN về công tác giảng dạy chuyên ngành Hoa Kỳ học tại Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ, GS.TS Nguyễn Thái ... |