📞

Vinh danh ngôi trường góp phần đặt nền móng xây dựng tình hữu nghị Việt – Mỹ

16:47 | 22/06/2019
TGVN. Trường George là cơ sở giáo dục đầu tiên tại Mỹ thăm Việt Nam qua kênh Hội Việt-Mỹ, kết hợp thực hiện lao động tình nguyện và tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam.
Lãnh đạo VUFO trao tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương cho tập thể và cá nhân Trường George. (Ảnh: A.B)

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) vừa phối hợp với Hội Việt-Mỹ tổ chức Lễ trao Bằng khen cho Trường George và Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” tặng cho những cá nhân của ngôi trường có đóng góp quan trọng trong việc đặt nền móng, xây dựng quan hệ hai bên.

Tại đây, Phó Chủ tịch VUFO Đôn Tuấn Phong đã tặng bằng khen cho tập thể cho Trường George và nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, trường đã gửi nhiều đoàn giáo viên, học sinh tới Việt Nam, góp phần tích cực tạo cầu nối hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Trường George đã thiết lập quan hệ với Hội Việt - Mỹ năm 1995 và cử đoàn đầu tiên thăm Việt Nam tháng 6/1996. Cho đến nay, Trường George đã cử 18 đoàn giáo viên và học sinh thăm và lao động tình nguyện tại Việt Nam trong hơn 20 năm từ năm 1995 - 2017. Thông qua các chuyến thăm Việt Nam, nhà trường đã quyên góp ủng hộ khoảng 150kg thuốc men, dụng cụ, vật phẩm y tế cho Bệnh viện E (năm 1998) và 80kg Xanh Pôn (2009) trị giá khoảng 50.000USD, lao động tình nguyện và ủng hộ các cơ sở nhân đạo, trị giá khoảng hơn 30.000USD.

Dịp này, Phó Chủ tịch VUFO cũng trao Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” cho những giáo viên của trường có đóng góp lớn nhất vào quan hệ đối tác giữa trường và Hội Việt-Mỹ là ông Ralph Lelii - Giáo viên phụ trách chương trình trao dổi sinh viên quốc tế, bà Cheryl Mellor - Giáo viên tiếng Anh và ông Carter Sio - Giáo viên về nghề mộc của Khoa dạy nghề.

Ralph Lelii là người có công lớn nhất trong việc đặt nền móng và xây dựng quan hệ đối tác giữa trường và Hội Việt-Mỹ. Khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam vào cuối năm 1994, ông Lelii bắt đầu làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan Việt Nam để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Ralph Lelii đã dẫn dầu 6 đoàn của Trường George vào thăm Việt Nam từ 1996 đến 2001 và phụ trách chương trình trao đổi đoàn với Việt Nam từ 1996 đến 2007. Ông cũng chính là người bảo trợ và vận động nhà trường dành học bổng toàn phần cho 02 học sinh trung học của Việt Nam là con em cán bộ của Liên hiệp sang theo học tại Trường từ năm 1998-2000.

Học sinh Trường George lao động tình nguyện tại Việt Nam. (Nguồn: George School)

Bà Cheryl Mellor là trưởng đoàn của các đoàn giáo viên và học sinh trường George vào thăm Việt Nam trong 14 năm, bắt đầu từ năm 2004. Các đoàn do bà Cheryl Mellor phụ trách quan tâm đến nạn nhân chất độc da cam, trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo vượt khó tại vùng sâu, vùng xa. Bà đã đưa học sinh đến thăm và lao động tình nguyện tại Làng Hữu nghị Việt Nam, Trung tâm bảo trợ xã hội, người có công và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh, bản Pom Coọng (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) và Hội nạn nhân da cam tỉnh Bắc Giang.

Ông Carter Sio là đồng Trưởng đoàn trong 10 năm, bắt đầu từ năm 2008. Ông cùng với bà Cheryl Mellor ủng hộ nhiệt tình chương trình homestay của học sinh George tại Hà Nội và Mai Châu, Hòa Bình, tạo cầu nối giữa các bạn trẻ Mỹ và Việt Nam, giúp các học sinh của trường George tiếp xúc với người dân thuộc các dân tộc, vùng miền khác nhau của Việt Nam.

Có thể nói, Mellor và ông Sio đã phát triển quan hệ giữa trường George với các cơ sở nhân đạo, từ thiện tại Việt Nam, đồng thời củng cố quan hệ với VUFO và Hội Việt-Mỹ mà ông Ralph Lelii đã thiết lập từ hơn 25 năm trước.

Trường George mở cửa tuyển sinh vào năm 1893 tại quận Bucks, thành phố Newtown, bang Pennsylvania là trường tư thục của cộng đồng theo giáo phái Quaker. Ngoài việc giáo dục kiến thức phổ thông cơ bản, trường chủ trương bồi dưỡng, đào tạo học sinh của mình trở thành những người phát triển toàn diện và hằng năm tổ chức cho học sinh các chuyến thăm hữu nghị tìm hiểu các nước trên thế giới như Nicaragoa, Guatemala, Cuba, Nam Phi, Tanzania, Palestine, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Việt Nam… kết hợp với lao động tình nguyện bắt buộc thuộc chương trình giáo dục chính thức.