Sáng kiến trên huy động nguồn lực xã hội xây dựng thư viện ở các vùng nông thôn khó khăn để giúp những người biết chữ rèn luyện khả năng đọc, giúp đỡ cộng đồng học tập. Đây là sáng kiến được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá cao, trao giải thưởng và mong muốn ý tưởng này sẽ đóng góp vào kinh nghiệm chung của các nước trên thế giới trong việc xóa nạn mù chữ, thúc đẩy học tập.
Buổi lễ do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhằm biểu dương tất cả những cá nhân và tập thể đã góp sức đưa “Sách hóa nông thôn” đến với các tỉnh thành trong cả nước và từ nay đã trở thành một cách làm tiêu biểu đối với UNESCO và thế giới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ vinh danh. (Ảnh: Lan Anh) |
Tại Lễ vinh danh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng đã khẳng định: “Với vai trò là tổ chức tiên phong về giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc, UNESCO đã đồng hành và hỗ trợ Việt Nam rất có hiệu quả trong việc thúc đẩy sự ra đời của các chính sách và triển khai các hoạt động thực tiễn liên quan đến học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam”.
Tại buổi lễ, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã áp dụng, triển khai nhiều ý tưởng giáo dục của UNESCO và đạt được những tiến bộ ấn tượng trong Thập kỷ xóa mù chữ và Giáo dục vì sự Phát triển bền vững, Giáo dục cho mọi người, từ nâng cao năng lực quản lý giáo dục, năng lực giáo viên đến tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và các trường hợp khẩn cấp; từ bình đẳng giới đến học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập…
“Nhưng thực tế, phải thấy rằng khu vực nông thôn và vùng núi, đặc biệt là những vùng khó khăn vẫn còn thiếu sách, thiếu những điều kiện học tập không chỉ cho trẻ em mà cho tất cả mọi người. Giải thưởng lần này vì thế không chỉ là sự động viên đối với những cá nhân và tập thể đã xây dựng, thực hiện chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” mà còn là động lực to lớn cho các nỗ lực và sáng kiến chung trong cộng đồng để nâng cao văn hóa đọc và phát huy việc học tập suốt đời cho tất cả mọi người” - Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.
Cũng tại Lễ vinh danh, ông Toshiyuki Matsumoto, Chuyên gia Chương trình giáo dục UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “Trong thế giới vận động rất nhanh này, Chương trình nghị sự 2030 sẽ giúp tất cả cúng ta lĩnh hội được tri thức và thúc đẩy các kỹ năng và năng lực mới cần thiết cho mọi người, để tham gia đầy đủ và đóng góp hiệu quả cho xã hội. Trong bối cảnh đó, biết chữ không chỉ cần thiết để làm nên nhân phẩm con người mà còn là yếu tố sống còn cho sự nghiệp phát triển bền vững theo hướng hòa nhập”.
Về sáng kiến “Sách hóa nông thôn Việt Nam”, ông Toshiyuki Matsumoto nhận định, cách tiếp cận sáng tạo trong Chương trình của Việt Nam với việc chú trọng đến xây dựng các thư viện ở khu vực nông thôn và vùng khó khăn là để giúp những người mới biết chữ duy trì được khả năng đọc hiểu của mình là điều hết sức đáng khen ngợi. Trong vòng 10 năm trở lại đây, với nguồn ngân sách rất hạn hẹp và phải dự vào nguồn sách đóng góp từ thiện, Chương trình này đã giúp đưa sách đến với hơn 400.000 bạn đọc ở khu vực nông thôn, đồng thời xây dựng hơn 9.000 thư viện tại 26 tỉnh, thành trên toàn Việt Nam.
Việc “Sách hóa nông thôn Việt Nam” đoạt giải đã chứng minh lựa chọn xác đáng và thành công của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn ứng cử tham gia giải thưởng, để thế giới biết đến sự hiếu học và những ý tưởng giáo dục sáng tạo và cao đẹp của Việt Nam. Đây có thể coi là sản phẩm kết hợp thành công giữa Nhà nước và cộng đồng vì mục tiêu phát triển giáo dục của đất nước.
Được biết, cuộc thi Giải thưởng xóa mù chữ quốc tế năm nay của UNESCO đã kêu gọi những giải pháp nhằm giúp đưa mục tiêu biết chữ vào Chương trình nghị sự giáo dục đến năm 2030.