Cô Nguyễn Thị Liên Hương. |
Cô đã sang Đài Loan định cư được bao lâu rồi, cô có thể chia sẻ về cuộc sống bên đó được không?
Tôi đã tới học tập và định cư ở Đài Loan được gần 15 năm. Trước khi sang đây, tôi là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam. Sau khi tới Bắc Kinh học tiếng Hoa, tôi qua Đài Loan học tiếp thạc sỹ ở Khoa Đông Nam Á - Đại học quốc tế Ký Nam. Tốt nghiệp xong, tôi lập gia đình và định cư ở Đài Bắc rồi gắn bó với công việc giảng dạy tiếng Việt tại Trường Đại học Đài Loan.
Do nhu cầu học tiếng Việt ở đây ngày càng tăng lên tôi đã sang làm giáo viên kiêm nhiệm các môn học liên quan đến tiếng Việt, văn hóa Việt Nam và văn hóa Đông Nam Á ở một số trường khác như Đại học Chính trị, Đại học Phụ nhân và Cao đẳng Cảnh sát…
Tôi nghĩ đây là một công việc thích hợp với bản thân vì có thể chia sẻ cho nhiều sinh viên và những người muốn tìm hiểu những điều thú vị về quê hương Việt Nam của mình…
Người bạn đời của tôi cũng rất có duyên với Việt Nam vì anh cũng đã có một thời gian học tập tại Việt Nam và đã lấy bằng Thạc sỹ Văn học ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Còn những công việc thú vị khác?
Ngoài giờ dạy chính, tôi có tham gia các buổi thuyết giảng giới thiệu về văn hóa Việt Nam, văn hóa Đông Nam Á với các em học sinh, các giáo viên ở các trường tiểu học và trung học. Tôi cũng tham gia biên soạn sách về Văn hóa Việt Nam, về giáo trình học tiếng Việt cho cấp 1 và cấp 3, dịch truyện cổ tích Việt Nam sang tiếng Hoa và tham gia làm giám khảo các cuộc thi có liên quan đến tiếng Việt.
Tôi cũng đảm nhận một công việc thú vị khác là phụ trách một trang chuyên đề về thành ngữ cho một tờ báo tiếng Việt tại Đài Loan… Các bạn đồng nghiệp hay nói đùa là tôi được vinh dự làm công việc của một "đại sứ văn hóa".
Cô đánh giá thế nào về vai trò của tiếng Việt tại Đài Loan?
Tiếng Việt ở Đài Loan đang có một vị trí đặc biệt bởi lượng người Việt nhập cư vào Đài Loan thông qua con đường hôn nhân càng ngày càng tăng, thế hệ con lai Việt Đài ra đời trong vài năm gần đây đã đến tuổi tới trường học. Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện có khoảng 100.000 người Việt di cư sang Đài Loan theo con đường hôn nhân, và vì người bản địa Đài Loan không chịu sinh con nên tỷ lệ trung bình là cứ 5-10 học sinh sẽ có một bé có mẹ là người nhập cư. Bên cạnh đó, các tập đoàn Đài Loan sang Việt Nam đầu tư cũng ngày một tăng nên nhu cầu tìm hiểu và học tiếng Việt của người Đài Loan cũng ngày một lớn.
Tiếng Việt hiện đã được đưa vào giảng dạy tại hơn 20 trường đại học và đưa vào dạy ở các trường cấp 1 (như dạy tiếng mẹ đẻ) và các trường cấp 3 ở Đài Loan (như một ngoại ngữ hai). Trong nhiều cuộc thi viên chức (ví dụ như ở Sở di dân), tiếng Việt cũng được đưa vào danh mục thi ngoại ngữ chính thức. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với lực lượng giảng viên dạy tiếng Việt ở Đài Loan là hầu hết các giáo viên chưa được trải qua các chương trình đào tạo chính quy và giáo trình dạy tiếng Việt rất khan hiếm.
Cô có những cảm nhận gì về cộng đồng người Việt tại Đài Loan hiện nay?
Những người bạn Việt Nam ở Đài Loan mà tôi biết tương đối đoàn kết, nhiệt tình với công việc của cộng đồng và luôn giúp đỡ học hỏi lẫn nhau. Nhiều người từng chung tay giúp đỡ các em bé từ Việt Nam sang Đài Loan chữa bệnh và những lao động Việt Nam bị thương trong quá trình làm việc. Nhiều các bà mẹ tham gia vào dự án dạy tiếng Việt cho các trường dù đồng lương theo giờ rất hạn hẹp…
Theo cô, thái độ thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba ở đây tiếp nhận văn hóa truyền thống ra sao? Họ đang học tiếng Việt như thế nào?
Bộ giáo dục và Sở di dân Đài Loan hiện đã đưa tiếng Việt vào các trường cấp 1 theo chương trình "Ngọn đuốc". Các em ngoài việc được học tiếng Việt có thể được tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Các lớp tiếng Việt cho đối tượng là học sinh cấp 1 thì một tuần được học từ 1-2 tiết ngoại khóa. Giảng viên là những người mẹ là người nhập cư đã được tham gia qua các lớp đào tạo ngắn hạn. Các em học sinh có thể được học hát, học các trò chơi dân gian với môn tiếng Việt.
Một tin đáng mừng là đầu năm nay, Bộ giáo dục Đài Loan đã xuất bản Bộ giáo trình học tiếng Việt (và bốn thứ tiếng Đông Nam Á khác) cho các em học sinh cấp 1. Tôi cũng có vinh dự tham gia biên tập cuốn giáo trình này cho các em. Trong quá trình biên tập giáo trình cũng nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Loan.
Hiện tại, các lớp học tiếng Việt mở trong trường đại học dành cho các đối tượng là sinh viên ở Đài Loan, sinh viên các nước đến Đài Loan giao lưu trao đổi. Các trung tâm buổi tối cũng mở lớp tiếng Việt cho các thương nhân, gia đình chồng của những người phụ nữ Việt Nam di cư sang Đài Loan theo dạng kết hôn, hoặc những người có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa lịch sử ngôn ngữ Việt Nam.
Xin cảm ơn cô!
HẢI THANH (thực hiện)