Chính sách thu hút đầu tư Vĩnh Phúc không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp mà còn muốn xây dựng hệ sinh thái về công nghiệp. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc) |
Tại hội thảo về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc hồi tháng 10/2017, do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp tổ chức ở trung tâm thủ đô New Delhi, một doanh nghiệp lớn của Ấn Độ đã đặt câu hỏi: Hãy cho tôi lý do để đầu tư vào tỉnh của các bạn?
Một câu hỏi gọn. Vị Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Trì đã đóng vai trò “người bán hàng” - giới thiệu những lợi thế của Tỉnh với các bạn Ấn Độ.
Đó là vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và giao thông. Đó là tiềm năng phát triển công nghiệp và dịch vụ, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Đó là thủ tục hành chính về đầu tư đơn giản và nguồn lao động dồi dào...
Đây không phải lần đầu Vĩnh Phúc tìm đến Ấn Độ. Trước đó, năm 2014, Hội thảo Xúc tiến đầu tư với chủ đề “Cơ hội, kinh doanh và hợp tác đầu tư tại Vĩnh Phúc” cũng đã diễn ra tại thủ đô của quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Điều này chứng tỏ phần nào về sự chủ động và xông xáo của Vĩnh Phúc trong việc kêu gọi đầu tư của giới doanh nghiệp vốn nổi tiếng là khá kỹ tính và “chắc ăn mới làm”. Và Tỉnh phần nào đã hái "quả ngọt" trong nỗ lực chinh phục nhà đầu tư từ đất nước sông Hằng.
Dẫn chứng, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có doanh nghiệp Ấn Độ đã và đang hoạt động rất hiệu quả. Điển hình như Tập đoàn Spark Minda (Ấn Độ) - một trong những tập đoàn sản xuất linh kiện ôtô, xe máy hàng đầu thế giới - đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2008 với nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Bình Xuyên.
Nói như ông Deepak Kumar, Tổng giám đốc Công ty TNHH Linh kiện tự động Minda Việt Nam - nhà sản xuất linh kiện đầu tiên của Ấn Độ tại Việt Nam, điểm hấp dẫn nhất tập đoàn Minda và các nhà đầu tư lớn trên thế giới của Vĩnh Phúc chính là Tỉnh đã có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư FDI rất tốt.
Kiên định ba yếu tố “ruột”
Câu chuyện “hút” nhà đầu tư nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc một lần nữa được “khuấy” lên tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Thời báo Kinh tế tổ chức hôm 26/4 vừa qua tại Hà Nội. Đăng đàn lần này là Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành - người kế nhiệm ông Nguyễn Văn Trì.
Vị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng các doanh nghiệp FDI có vai trò lớn trong việc làm thay đổi đáng kể quy mô nền kinh tế Tỉnh kể từ năm 1997 đến nay, hiện chiếm tới 70% nền kinh tế hiện nay. Để hấp dẫn nhà đầu tư "ngoại", ông Lê Duy Thành khẳng định tầm quan trọng của ba yếu tố tiên quyết chính là nguồn lực, đất đai và khoa học công nghệ.
“Từ khi tái lập Tỉnh, chúng tôi luôn kiên định ba yếu tố này”.
Vĩnh Phúc chuẩn bị rất tốt các điều kiện như nguồn đất sạch, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp, hệ sinh thái công nghệ...
Ông Lê Duy Thành nhấn mạnh, “chúng tôi ý thức rất rõ rằng bên cạnh đất đai có tính đến hạ tầng phục vụ cho các nhà đầu tư, nhằm tạo ra cuộc sống tốt cho các nhà đầu tư khi đến với Tỉnh”.
Có lẽ điều này lý giải vì sao Tỉnh đã tạo được sự đột phá trong thu hút FDI trong thời gian qua. Đơn cử một phép so sánh. Tính đến hết tháng 9/2017, Vĩnh Phúc có 253 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 3,8 tỷ USD. Tính đến hết năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký vào Vĩnh Phúc đạt 540,71 triệu USD và lũy kế là 5,21 tỷ USD.
Tất nhiên, trong hàng trăm dự án FDI ở Vĩnh Phúc không chỉ có Ấn Độ, mà còn Hàn Quốc (chiếm gần 50% tổng số vốn), Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Italy, Đài Loan (Trung Quốc)...
Từ một tỉnh thuần nông, thu ngân sách năm 1997 chỉ khoảng 80 tỷ đồng, tới nay Vĩnh Phúc đã có đóng góp về ngân sách Trung ương. Trong đó, khu vực FDI đóng góp chính vào số thu ngân sách của Tỉnh, chiếm phần lớn dữ liệu đầu vào về kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng của Tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành trao đổi với doanh nghiệp FDI bên lề Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 do Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức hôm 26/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đằng sau bí quyết thành công
Ông Lê Duy Thành chia sẻ một “bí kíp” giúp mang lại diện mạo mới cho kinh tế Vĩnh Phúc hiện nay: “Trong thời gian dài, chúng tôi đã thực hiện tốt đường lối kinh tế đối ngoại và có sự hỗ trợ của các ban, ngành, nhất là Bộ Ngoại giao, thậm chí đã ‘cầm tay chỉ việc’ cho Vĩnh Phúc”.
Tỉnh sớm xác định rằng “để thay đổi được thì phải có những nhà đầu tư lớn, mang đến nguồn lực, công nghệ. Muốn tìm được nhà đầu tư nước ngoài thì phải quan tâm đến kinh tế đối ngoại”.
Theo ông Lê Duy Thành, “bước đi chập chững đầu tiên là những văn bản, nghị quyết, luật đầu tư nước ngoài mà Bộ Ngoại giao chính là những người hỗ trợ đầu tiên và tổ chức những buổi tập huấn, tuyên truyền, giới thiệu, và đặc biệt là kết nối chúng tôi tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài”.
Từ những bước đi chập chững đầu tiên đó, chúng tôi dần dần tìm kiếm và thu hút các nhà đầu tư lớn. (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành) |
Hội thảo về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Ấn Độ chỉ là một trong số những hoạt động “cầm tay chỉ việc” của Bộ Ngoại giao trong nỗ lực đồng hành với tỉnh Vĩnh Phúc trên con đường tìm kiếm và “hấp thụ” vốn FDI, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh.
“Điều rất quan trọng là sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao đã góp phần giúp Vĩnh Phúc có tầm nhìn và sự thay đổi về tư duy, cách tiếp cận cũng như phương pháp để có được sự phát triển như ngày hôm nay”.
Trong giai đoạn tới, theo ông Lê Duy Thành, khu vực FDI tiếp tục vẫn là động lực tăng trưởng chính của Vĩnh Phúc nhưng cần được chọn lọc với định hướng phát triển công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn.
Tỉnh sẽ nghiên cứu và ban hành chiến lược thu hút vốn đầu tư để tận dụng tốt làn sóng chuyển dịch đầu tư vào ASEAN, trong đó có Việt Nam để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao.
Và hướng đi đó không thể thiếu vai trò của Bộ Ngoại giao, vị Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh, "chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm và đồng hành của Bộ trong hành trình khai phá động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà".