Lệnh phong tỏa đã khiến nhiều thành phố tại Trung Quốc bị biến thành "thành phố ma". Hình ảnh một người đàn ông đi xe đạp điện tại đường phố vắng tanh của Vũ Hán. (Nguồn: SCMP) |
Nỗi lo từ các “thành phố ma”
Khi virus corona phát tán từ thành phố Vũ Hán ở miền Trung Trung Quốc, các nhà chức trách nước này đã thực hiện các biện pháp ngày càng quyết liệt để ngăn chặn như: hạn chế giao thông công cộng, đóng cửa các địa điểm giải trí và rút ngắn thời gian làm việc. Lệnh phong tỏa nhiều thành phố trên khắp đất nước Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã khiến những nơi này trở thành “thành phố ma”.
Theo trang South China Morning Post, tại Hained, một thành phố nằm giữa Thượng Hải và Hàng Châu, các quan chức đã đến tận nhà vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán để khuyên người dân nên ở nhà và hủy bỏ các bữa tiệc gia đình. Dù thành phố Hained vẫn chưa báo cáo trường hợp nào bị nhiễm bệnh, nhưng các biện pháp phòng ngừa virus corona đã được chính quyền địa phương triển khai nhanh chóng.
Các rạp chiếu phim, phòng karaoke, trung tâm thương mại, nhà tắm công cộng, công viên… được lệnh đóng cửa vô thời hạn. Khu trung tâm thành phố Hained trở nên đặc biệt yên tĩnh, thậm chí các siêu thị đang trong tình trạng gần như cạn kiệt các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Hiện tại, chỉ có 16 thành phố ở Hồ Bắc đã yêu cầu người dân hạn chế đi lại nhưng 700 thành phố, 20.000 thị trấn ở Trung Quốc đã rất vắng vẻ và heo hút.
Tại thành phố Handan, cách Vũ Hán khoảng 800 km, người dân đổ xô đến các siêu thị để mua rau, mì và gạo sau khi 2 trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên được xác nhận tại nơi này. Một cửa hàng Walmart tại địa phương đã buộc phải giới hạn số lượng vật tư đối với mỗi người mua hàng.
Không chỉ thế, khẩu trang đã được bán sạch tại các hiệu thuốc của thành phố. Các cộng đồng dân cư trên toàn thành phố bắt đầu áp đặt các hạn chế, cấm xe hơi và người dân từ các khu vực khác vào. Hầu hết các nhà hàng, cửa hàng và quán cà phê đóng cửa, thành phố yên tĩnh lạ thường. Tại một số địa điểm mở cửa, khách hàng được yêu cầu phải trải qua kiểm tra nhiệt độ cơ thể trước khi bước vào.
Những cảnh tượng tương tự cũng diễn ra ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc. Tại thủ đô Bắc Kinh từng vô cùng nhộn nhịp thì giờ đây chỉ có một vài xe hơi hoặc người đi lại trên các đường phố. Khẩu trang, gel khử trùng đã nhanh chóng “biến mất” trên các kệ hàng siêu thị. “Chúng tôi đã bán hết từ lâu rồi”, một nhân viên bán hàng cho biết.
Trên tàu cao tốc G14 từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, tuyến đường sắt cao tốc bận rộn nhất của Trung Quốc hiện chỉ "phủ sóng" 1/5 số ghế vào ngày 25/1. Tại Thượng Hải, tất cả các nhà máy và công trình xây dựng đã đình chỉ hoạt động cho đến ngày 10/2.
Các nhà kinh tế thuộc Công ty Nomura ngày 29/1 cho rằng, virus corona chủng mới có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc mạnh hơn cả đại dịch SARS năm 2003. Họ cũng lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của Trung Quốc trong quý đầu năm 2020 có thể bị giảm xuống nhiều hơn mức 2 phần trăm (từ mức ước tính 6% ban đầu).
Số người nhiễm bệnh và tử vong do virus corona vẫn tiếp tục tăng lên mỗi ngày. (Nguồn: CNN) |
Tác động sẽ “cực kỳ lớn”
Theo trang CNN, dịch viêm phổi cấp xảy ra tại một thời điểm khó khăn với Trung Quốc khi nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 29 năm qua và bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” với Mỹ.
Đến cuối năm 2019, dường như việc nới lỏng hơn nữa các chính sách kinh tế như: gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng, các chính sách nới lỏng tiền tệ và ngân sách lỏng lẻo đã giúp nền kinh tế ổn định sau sự chậm lại đáng kể trong mùa Hè và mùa Thu năm ngoái.
Tuy nhiên, hy vọng về sự cải thiện kinh tế trong nửa đầu năm 2020 của Trung Quốc hầu như không xảy ra ở thời điểm hiện tại. Virus corona hoành hành tại Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng kinh tế nước này trượt dốc đáng kể, ngay cả khi dữ liệu chính thức công bố nền kinh tế vẫn tăng trưởng với khoảng 6%. Thực tế là nền kinh tế Trung Quốc gần như chắc chắn tăng trưởng dưới mức đó và các tác động cuộc khủng hoảng do virus corona hiện nay sẽ có xu hướng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thậm chí thấp hơn mức mà Trung Quốc đã đạt được trong thời gian tới.
Sự bùng phát của virus corona có nguy cơ làm mất đi sự ổn định vốn dĩ đã rất mong manh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mặc dù còn quá sớm để đánh giá đầy đủ các tác động mà chủng virus gây chết người này đến Trung Quốc nhưng có thể rõ ràng nhận thấy, virus đang gây tổn hại cho hoạt động tiêu dùng và ngành du lịch, dịch vụ của nước này.
Về ngắn hạn, việc phong tỏa thành phố Vũ Hán và các khu vực khác của tỉnh Hồ Bắc; đồng thời kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán đã khiến các doanh nghiệp đóng cửa thêm một tuần nữa. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của các công ty Trung Quốc, làm tổn hại đến tiêu dùng và cũng làm giảm sản lượng, xuất khẩu công nghiệp.
Thêm vào đó, việc hủy hàng loạt chuyến bay đến Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus corona có thể sẽ gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Tác động ngắn hạn hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lây lan của virus corona trở nên tồi tệ thế nào, mất bao lâu để kiểm soát ổ dịch và điều trị cho những người bị nhiễm bệnh.
Về lâu dài, ngay cả khi virus được kiểm soát và tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu giảm thì cũng chỉ nên kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ bình thường hóa.
Nhà phân tích Margaret Yang của CMC Markets đánh giá rằng, tác động kinh tế của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra là cực kỳ lớn. Mọi lĩnh vực của Trung Quốc sẽ cảm nhận rõ tác động tiêu cực khi tình trạng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, đặc biệt là ở lĩnh vực giao thông, du lịch, giải trí, bán lẻ và bất động sản.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại IHS Markit trong một báo cáo gần đây cho rằng, phạm vi và thời gian của “cú sốc” tiêu cực này sẽ không dừng ở phạm vi Trung Quốc. Virus corona có nguy cơ làm giảm đáng kể đối với triển vọng kinh tế châu Á - Thái Bình vào năm 2020 nếu dịch bệnh tiếp tục leo thang trong những tuần tới.