Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ tại một trung tâm điều trị ở Monigi, Congo, ngày 19/8. (Nguồn: AP) |
Virus gây bệnh biến đổi nhanh hơn bình thường
Tính đến ngày 27/8, châu Phi đã ghi nhận 22.863 trường hợp nghi nhiễm và 622 trường hợp tử vong liên quan đến các chủng mpox khác nhau trên khắp lục địa. Trong khi đó, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 25/8, châu Phi đã có 5.281 trường hợp đã được xác nhận mắc mpox.
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh đậu mùa khỉ đã ghi nhận hơn 18.000 ca nghi mắc chủng đặc hữu clade 1 và biến thể clade 1b của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, cùng với 615 trường hợp tử vong. Những con số trên cho thấy tính chất phức tạp của dịch bệnh và những lo ngại đối với sức khoẻ toàn cầu.
Theo giới nghiên cứu, biến thể mới của virus gây bệnh đậu mùa khỉ được gọi là clade 1b lây lan ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước láng giềng đang biến đổi nhanh hơn dự đoán và thường xảy ra ở những khu vực thiếu nguồn lực để thực hiện các biện pháp giám sát và phòng ngừa dịch bệnh. Việc biến đổi như vậy cũng có nghĩa là sự biến đổi của virus, mức độ nghiêm trọng và cách thức virus lan truyền vẫn là còn là ẩn số, làm cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Trong khi đó, cơ quan y tế Thụy Điển ngày 15/8 xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể clade 1b; ngày 22/8, Thái Lan cũng đã xác nhận trường hợp được biết đến là ca đầu tiên ở châu Á nhiễm biến thể clade 1b. Đây là những ca nhiễm clade 1b của virus gây bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được xác nhận bên ngoài châu Phi.
Theo Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ của WHO - ông Dimie Ogoina, nếu không nắm rõ được cách thức biến đổi của virus thì cộng đồng y tế sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến cách thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như các yếu tố rủi ro.
Giải trình tự gene của các ca nhiễm biến thể clade 1b cho thấy chúng mang một đột biến được gọi là APOBEC3 (một enzyme thuộc họ protein). Theo Tiến sĩ Miguel Paredes, chuyên nghiên cứu về quá trình biến đổi của virus gây bệnh đậu mùa khỉ tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchison (Mỹ), virus gây ra bệnh đậu mùa khỉ thường chậm đột biến, nhưng các đột biến do APOBEC thúc đẩy có thể làm tăng tốc quá trình tiến hóa của virus.
Theo Tiến sĩ Paredes, tất cả các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ lây từ người này sang người khác đều có dấu hiệu đột biến APOBEC nói trên, đồng nghĩa với việc virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang đột biến nhanh hơn một chút so với những gì mà giới nghiên cứu dự đoán.
Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ
Trước khi bùng phát vào năm 2022 tại 70 quốc gia, bệnh đậu mùa khỉ đã âm thầm lây lan trong nhiều năm mà ít được quan tâm, lưu ý. Bên cạnh đó, nếu như đợt bùng phát năm 2022 chủ yếu tập trung ở nam giới đồng tính và song tính, thì đợt bùng phát hiện nay ở châu Phi không chỉ qua đường quan hệ tình dục mà còn qua tiếp xúc gần giữa trẻ em, phụ nữ mang thai và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
Theo các chuyên gia y tế Malaysia, mặc dù bệnh mpox và bệnh Covid-19 đều do virus gây ra nhưng về cơ bản hai dịch bệnh này khác nhau về nguồn gốc, triệu chứng, phương thức lây truyền và phương pháp điều trị, đồng thời cũng có các biểu hiện lâm sàng riêng biệt.
Giáo sư Rafdzah Ahmad Zaki, Tiến sĩ Lim Say Hiang và Tiến sĩ Lim Yin Cheng (Khoa Y học xã hội và phòng ngừa dịch bệnh, Đại học Malaya, Malaysia) cho biết: thời gian ủ bệnh của mpox là từ 3-17 ngày và các triệu chứng bắt đầu từ 5-21 ngày sau khi bị nhiễm virus với các triệu chứng phổ biến như sốt, nhức đầu, đau họng, đau nhức cơ, sưng hạch bạch huyết và phát ban với mụn nước trên mặt, tay, chân, cơ thể, mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục.
Theo ba chuyên gia nói trên, khi thế giới đang đối phó với nhiều bệnh truyền nhiễm hiện có và mới xuất hiện, điều quan trọng là người dân phải phân biệt và hiểu được cách lây truyền, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa.
So với mpox, Covid-19 lây lan nhanh hơn vì nó lây truyền qua đường hô hấp khi người bị nhiễm ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc thở.
Phương pháp điều trị mpox chủ yếu là hỗ trợ, tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Trong khi, phương pháp điều trị Covid-19 khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các trường hợp nhẹ có thể cần nghỉ ngơi, bù nước và dùng thuốc không kê đơn để giảm triệu chứng.
Vaccine vẫn là phương thức phòng ngừa hữu hiệu
Nhằm đẩy lùi mpox, WHO khởi động Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược toàn cầu. WHO kêu gọi sự phối hợp của cộng đồng quốc tế nhằm tăng khả năng tiếp cận vaccine ngừa mpox, nhất là đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Theo kế hoạch, các chiến dịch tiêm chủng sẽ hướng đến những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao là người tiếp xúc gần với các ca bệnh, cũng như nhân viên y tế nhằm cắt đứt chuỗi lây truyền.
Ngày 28/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) thông báo đã đảm bảo được gần 1 triệu liều vaccine phòng đậu mùa khỉ (mpox) cho châu lục này, đồng thời hối thúc các hãng dược phẩm chia sẻ công nghệ sản xuất để chống lại căn bệnh này.
Đầu tháng này, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) vì bệnh đậu mùa khỉ, với châu Phi hiện đang ở tuyến đầu của dịch bệnh. Theo WHO, CHDC Congo hiện chiếm tới 90% số ca nhiễm được ghi nhận trong năm nay. Trước tình hình này, một số quốc gia đã cam kết gửi vaccine đến các quốc gia châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, riêng Tây Ban Nha cam kết cung cấp 500.000 liều. Công ty dược phẩm Bavarian Nordic của Đan Mạch cũng sẽ hỗ trợ 215.000 liều vaccine.
Ngày 29/8, công ty dược phẩm sinh học Emergent BioSolutions của Mỹ cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) nước này đã chấp thuận sử dụng rộng rãi vaccine ACAM2000 phòng bệnh mpox của hãng cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao. Trước đó, Emergent thông báo sẽ tặng 50.000 liều vaccine đậu mùa của công ty này cho CHDC Congo và các quốc gia bị ảnh hưởng khác gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda để ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay.