📞

Vụ bắt cóc táo tợn nhất Trung Quốc năm 1946

10:39 | 18/08/2008
Ngày 25/4/1946, cả Thượng Hải xôn xao với vụ bắt cóc “ông trùm” tơ lụa Trung Quốc Vinh Đức Sinh. Đây được coi là vụ bắt cóc tống tiền đầu tiên và lớn nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Bọn bắt cóc cần tiền, người nhà họ Vinh cần người, còn cảnh sát muốn giữ thể diện. Ba bên giằng co, mạng sống của Vinh Đức Sinh rốt cuộc ra sao?
Thượng Hải những năm 30

Vinh Đức Sinh là người đứng đầu gia tộc kinh doanh lớn nhất Trung Quốc những năm 1920. Sản lượng gạo và tơ lụa của dòng họ Vinh chiếm tới 1/3 tổng sản lượng hai ngành này của cả nước. Vì vậy, Vinh Đức Sinh, 71 tuổi, rất chú ý bảo vệ mình. Mỗi khi ra ngoài, ông đều đưa theo nhiều vệ sĩ. Xe hơi đi cũng phải là loại chống đạn. Nhưng cuối cùng, ông cũng không thể tránh khỏi “bẫy” của bọn bắt cóc.

 

Kế giả danh cảnh sát

 

Thời đó, hai tên tội phạm nguy hiểm bậc nhất Thượng Hải Lạc Văn Khánh và Viên Sùng Như đã nhiều lần muốn đột nhập nhà họ Vinh nhưng đều không thực hiện được. Mặc dù đã tiếp cận được người nhà họ Vinh và nắm chắc thói quen đi lại của Vinh Đức Sinh, song do lực lượng bảo vệ quá đông, chúng tìm đến Hoàng A Bảo, người từng làm chỉ điểm cho Quốc Dân Đảng, để hợp tác.

 

Quả nhiên, Bảo hiến kế “bắt ông Sinh lên xe với danh nghĩa của cảnh sát”, đồng thời gọi thêm cháu hắn là Hoàng Tích Thường, từng là mật vụ Quốc Dân Đảng vì Thường dễ dàng lấy được một khẩu “côn” mà các đặc vụ Quốc Dân Đảng quen dùng cùng giấy phép bắt giữ của Phương diện quân số 3 Lục quân và một ô tô của Bộ Tư lệnh cảnh vệ.

 

Ngày 25/4/1946, tại nhà họ Vinh ở số 210 đường Cao Ân, Thượng Hải, một chiếc xe quân sự màu đen phanh gấp trước cửa đúng lúc chiếc xe chống đạn của Vinh Đức Sinh ra khỏi cửa. Khánh, Như cùng một tên đồng bọn vội nhảy xuống với khẩu súng lục lăm lăm trên tay, ra hiệu cho mọi người ra khỏi xe. Khi đó trong xe ngoài Vinh Đức Sinh, tài xế và hai vệ sĩ, còn có vợ chồng con gái là Vinh Nhất Tâm và Đường Hùng Nguyên.

 

Khi thấy hai vệ sĩ xông lên, kẻ cầm súng nói: “Chúng tôi đang thi hành việc công”. Tiếp đó, y chìa tờ lệnh bắt có chữ “Phương diện quân số 3 Lục quân” ra trước mặt Vinh Đức Sinh và nói: “Thưa ông Vinh, Bộ Tư lệnh có việc mời ông đi một chuyến, mời ông theo chúng tôi”.

 

Biết rõ chiếc xe quân sự chuyên dùng cho việc thông hành đặc biệt của cơ quan mật vụ, lại thêm khẩu “côn” và lệnh bắt của Phương diện quân số 3 Lục quân, ông Sinh nghĩ họ là người của quân đội. Hơn nữa, do nghĩ việc kinh doanh rộng lớn của gia đình rất dễ có va chạm với phía quân cảnh, nên ông cũng muốn đi tìm hiểu xem thực hư. Ông lặng lẽ bước lên xe.

 

Vợ chồng con gái quay vào nhà đã lập tức liên lạc với phía tổng bộ của Phương diện quân số 3 Lục quân và được trả lời là họ không hề cho mời ông Vinh. Người nhà kinh hãi, vội đến Bộ Tư lệnh cảnh vệ Tùng Hộ. Phía Bộ Tư lệnh thấy lạ hỏi: “Bắt Vinh tiên sinh? Ai to gan vậy?”. Lúc này, con cái mới ngã ngửa, sự thực là cha họ đã bị bắt cóc giữa ban ngày và ngay trước mũi họ.

 

Cuộc đấu tay ba

 

Do bọn bắt cóc sử dụng xe và giấy phép của Bộ Tư lệnh cảnh vệ khi gây án, Bộ này không thể phủ nhận trách nhiệm. Để làm rõ nội tình, quân cảnh Thượng Hải điều động lực lượng truy tìm. Thế nhưng, người nhà họ Vinh lo ngại việc can thiệp của cảnh sát có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cha họ, nên không hợp tác. Vụ án này trở thành cuộc đấu giữa ba phía: bọn bắt cóc, gia tộc họ Vinh và phía quân cảnh. Vụ án càng ngày càng phức tạp.

 

Sau khi bọn bắt cóc cho xe chạy vào con đường nhỏ đầy lau sậy bên bờ sông thuộc vùng ngoại ô Sạp Bắc, ông Sinh mới biết mình bị bắt cóc. Ban đầu, ông bị giam tại ngôi nhà cạnh bờ sông, song do cảnh sát mở rộng tìm kiếm ra vùng ngoại ô, bọn bắt cóc đã đưa ông trở vào thành phố, giam tại ngôi nhà trong phố vắng. Chúng thuê hẳn một người canh giữ ông và trong gần một tháng, cấm ông không được nói to hay ho hắng…

 

Về phía nhà họ Vinh, 5 ngày sau vụ bắt cóc, ngày 30/4, đang lúc như ngồi trên đống lửa thì nhận được điện thoại đòi tiền chuộc cao chưa từng thấy vào thời đó: 2 triệu USD! Nhà họ Vinh cho biết sẽ tìm cách xoay tiền nhưng do số tiền chuộc quá lớn nên hy vọng có thể thương lượng thêm.

 

Mấy ngày sau, bọn bắt cóc lại gọi điện, chỉ định địa điểm đàm phán, nhà họ Vinh nhanh chóng đến điểm hẹn, nhưng không thấy ai. Năm lần bẩy lượt đều như vậy. Thì ra, cảnh sát do muốn phá án sớm nên đã nghe trộm điện thoại nhà họ Vinh. Khi hai bên thống nhất địa điểm gặp, phía quân cảnh lập tức phái người mặc thường phục đến hiện trường. Bọn bắt cóc cảnh giác, nên không xuất hiện và quyết định chỉ liên lạc bằng thư tay.

 

Trong khi đó, Vinh Đức Sinh không ngừng đàm phán với bọn bắt cóc. Ông nói rằng để có số tiền lớn như vậy chỉ có thể gom toàn bộ quỹ hoạt động từ các xưởng của ông trên khắp đất nước, mà mỗi xưởng lại có một người giữ quỹ riêng. Việc rút nhiều tiền sẽ khiến cho các công xưởng không thể hoạt động, nếu vì mạng sống một mình ông mà ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều công nhân thì ông sống không bằng chết. Nói xong, ông liền xin giấy mực để viết di chúc.

 

Trước tình huống này, bọn bắt cóc trở nên luống cuống. Nếu giữ nguyên giá cũ, người nhà họ Vinh không thể đáp ứng, còn nếu giết con tin, quân cảnh và gia đình họ Vinh sẽ truy tìm chúng đến cùng. Suy tính vậy, chúng đồng ý giảm mức tiền chuộc.

 

Ba ngày sau, nhà họ Vinh nhận được thư thông báo giảm tiền chuộc xuống còn 500.000 USD. Số tiền này nội bộ gia đình có thể lo được, nên không dám chậm trễ. Tin này đến tai quân cảnh, họ liền cử người mai phục tại địa điểm liên lạc. Người liên lạc của bọn bắt cóc thấy có nguy hiểm nên nhanh chóng hủy cuộc giao dịch. Thế nhưng, người liên lạc của nhà họ Vinh là Cố Đỉnh Ngôn lại hoàn toàn không biết, vẫn mang một nửa số tiền chuộc đến địa điểm hẹn gặp. Cố đang ngơ ngác ở chỗ hẹn thì bất ngờ bị quân cảnh bắt giữ, số tiền 250.000 USD cũng bị thu giữ vì việc tự ý liên hệ với bọn bắt cóc là phạm pháp.

 

Người chưa chuộc được, tiền chuộc đã bị thu, nhà họ Vinh vô cùng thất vọng. Sau nhờ người nói hộ, quân cảnh mới đồng ý trả lại số tiền này sau khi phá án xong.

 

Vũ Anh (Theo Thời báo hoàn cầu)