Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Đừng nhân danh tình yêu để xúc phạm con trẻ! |
Những ngày gần đây, vụ việc bé gái T.T.V.A. (8 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) bị đánh đập, bạo hành đến chết khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Tại cơ quan công an, người "mẹ kế" khai nhận nhiều lần dùng roi mây đặt mua trên mạng để đánh đập bé V.A. khiến cơ thể bé có nhiều vết bầm tím mới, cũ. Thậm chí, khi roi mây gãy, người phụ nữ này còn dùng gậy gỗ để đánh bé A.
Không thể coi đòn roi là một cách giáo dục
Là một người mẹ, đồng thời là một nhà giáo, cô Thanh Hương (giáo viên tiểu học tại Hà Nội) cho biết, khi đọc thông tin hay theo dõi những hình ảnh liên quan đến việc bé gái 8 tuổi bị "mẹ kế" đánh đập, cô cảm thấy đau xót và tuyệt vọng… Bởi cô biết, dù có cố gắng thế nào, có bao nhiêu người lên tiếng thì cũng không thể đổi lại sự sống cho cháu.
Tuy nhiên, cô Hương chia sẻ, vụ việc đáng buồn này chính là dịp để người lớn, cụ thể là các ông bố, bà mẹ, xem xét lại việc dùng bạo lực, đòn roi như một cách để giáo dục, dạy dỗ con em.
"Là giáo viên chủ nhiệm lớp 5, không ít lần tôi nghe các con than phiền về việc bị bố mẹ dùng roi đánh vào tay, đánh vào mông, thậm chí có trẻ bị tát… do học kém, cãi lời hay ngang bướng. Việc cha mẹ dùng đòn roi như một cách dạy dỗ trẻ có thể bắt nguồn từ quan niệm 'thương cho roi cho vọt'. Một bộ phận người lớn cho rằng, việc quát mắng, hay trừng phạt cơ thể là cách dạy dỗ tốt nhất, đồng thời thể hiện sự quan tâm.
Thậm chí, có rất nhiều cha mẹ hiện nay đã được lớn lên bằng cách dạy dỗ khắc nghiệt như vậy, nên họ cứ áp dụng với con cái, cho rằng nếu không trừng phạt những lỗi nhỏ thì sẽ dẫn đến lỗi lớn hơn".
Tuy nhiên, cô giáo này cho hay, trong thời đại ngày nay, dạy trẻ bằng đòn roi không còn phù hợp. Có rất nhiều cách để dạy con, quan trọng là các bậc cha mẹ phải chịu tìm hiểu, học hỏi kiến thức hay trang bị kỹ năng. Không chỉ để lại những vết thương trên cơ thể, đòn roi còn khiến trẻ sợ hãi; thậm chí giải pháp mang tính bạo lực này còn là "mồi lửa" kích thích hành vi bạo lực trong tương lai.
"Chừng nào trẻ em trong gia đình vẫn bị đánh và người ta nghiễm nhiên coi đánh đập là dạy dỗ, 'thương cho roi cho vọt' là bình thường thì chừng đó còn nhiều bé trẻ chịu cảnh đánh đập, bạo hành, đau khổ hơn thì mất cả tính mạng. Qua vụ việc bé gái 8 tuổi này, tôi mong các bậc phụ huynh hãy cân nhắc, xem xét trước khi quyết định 'xuống tay' đánh một đứa trẻ. Đừng mặc nhiên nhân danh tình yêu để xúc phạm thân thể, nhân phẩm các con!", cô Hương bày tỏ.
Phụ huynh Trần Mạnh Khôi cũng đồng tình với quan điểm này. Anh Khôi cho biết, trước lời khai của người "mẹ kế" về việc đặt mua roi mây trên mạng để về dạy dỗ bé V.A.; bên cạnh cảm xúc phẫn nộ, anh còn đặt ra câu hỏi, phải chăng việc mua bán mặt hàng này một cách tràn lan, công khai chính là cách thức cổ súy cho nạn bạo hành trong giáo dục con trẻ?
"Trên các sàn thương mại điện tử, người ta rao bán công khai những chiếc roi mây với lời quảng cáo hoa mỹ như 'roi mây thần thánh', 'bậc thầy dạy con'... đi kèm với đó là hình ảnh đứa bé nằm sấp… chịu đòn. Tôi thấy thật khủng khiếp. Sàn giao dịch điện tử - dấu hiệu của sự văn minh lại bán roi mây dạy trẻ. Đáng nói, mặt hàng này được nhiều người đặt mua, chứng tỏ một bộ phận coi chuyện dùng roi, đánh liên tiếp vào người một đứa trẻ là hết sức bình thường. Mỗi gia đình có mỗi cách dạy con khác nhau, nhưng tôi cho rằng dạy con bằng bạo lực thì hậu quả sẽ nhiều hơn là kết quả tốt đẹp", anh Khôi nói.
Cũng theo phụ huynh này, việc cổ xúy cho nạn bạo hành trong giáo dục trẻ là hành vi đáng lên án. Do đó, cơ quan chức năng nên cấm việc rao bán công khai những sản phẩm mang tính cổ súy bạo lực. Tuy không thay đổi được hoàn toàn nạn bạo hành trẻ, nhưng việc làm này cũng phần nào dập tắt ý định "mua roi về trị con" của nhiều phụ huynh.
Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam - VPIT cho biết, trong vụ việc bé gái 8 tuổi tử vong do bị bạo hành; người phụ nữ tạo ra câu chuyện thương tâm đó chỉ là bạn gái của bố đứa trẻ. Do vậy, xét về mặt trách nhiệm pháp lý, người phụ nữ này không có quyền giáo dục bé V.A.
Tuy nhiên, người phụ nữ này lại vượt giới hạn khi tự cho mình quyền dạy dỗ, giáo dục bé; thậm chí còn dùng đòn roi để đánh đập, hành hạ.
Chuyên gia Vũ Thu Hà nói: "Điều này không thể chấp nhận. Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để xác định thực sự câu chuyện này là gì, từ đó can thiệp và đưa ra mức xử lý thỏa đáng".
Cũng theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, không riêng gì vụ việc này, mà trong xã hội hiện nay, việc sử dụng đòn roi để giáo dục trẻ là hành vi phi giáo dục.
Đánh mắng, đòn roi hay chỉ trích một cách quá mức sẽ tạo ra những hệ quả về mặt cơ thể và tinh thần của trẻ. Vì vậy, cần nói "không" với cách giáo dục mang tính tiêu cực này. Thay vào đó, bố mẹ có thể hướng tới những biện pháp giáo dục tích cực; ví dụ như đưa ra những hình phạt phù hợp với trẻ, hay bố mẹ có thể ngồi lại để chỉ dẫn, phân tích cho con đúng sai…
"Đây mới là cách để con có thể trưởng thành đúng với lứa tuổi. Và đôi khi, ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ có biểu hiện của sự chống đối, bố mẹ phải bao dung hơn rất nhiều thì mới có thể giáo dục được con", chuyên gia Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Bố mẹ ly hôn, con là người thiệt thòi nhất?
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho hay, vụ việc đáng buồn này còn như "giọt nước tràn ly", phần nào cho thấy hậu quả của một cuộc hôn nhân đổ vỡ để lại chính là sự thiệt thòi của con cái.
Bởi thực tế, vụ bé gái 8 tuổi bị bạn gái của bố bạo hành đến chết không phải trường hợp đầu tiên. Nhiều năm trở lại đây, những vụ bạo hành trẻ em liên tục được truyền thông phản ánh và cứ lặp đi lặp lại. Đáng nói, trong số những vụ bạo hành trẻ em xảy ra, không ít vụ việc đau lòng gây ra bởi những người được gọi là "mẹ kế", "dì ghẻ" hay "cha dượng"...
"Bố mẹ 'đường ai nấy đi', trẻ sẽ không có được sự chăm sóc đầy đủ từ bố và mẹ, không còn được cả hai quan tâm, sẻ chia trong câu chuyện tình cảm mỗi ngày. Đứa trẻ nào cũng cần sự giáo dục, dạy dỗ của cha mẹ. Một chút nghiêm khắc của bố, cộng với một chút dịu dàng và nhẹ nhàng của mẹ sẽ giúp con trở thành một người toàn diện. Nhưng khi bố mẹ ly hôn, con sẽ mất đi cơ hội được phát triển toàn diện.
Ngoài ra, cuộc hôn nhân đổ vỡ có thể đẩy những đứa trẻ vào môi trường thiếu sự an toàn khi trẻ không cảm nhận được tình yêu trọn vẹn của gia đình, hay sự xuất hiện của người thứ ba khi bố hoặc mẹ có tình yêu mới.
Nói chung, vì bất kể lý do gì, cuộc ly hôn của bố mẹ cũng đều tác động tới trẻ, đặc biệt với những em nhạy cảm. Kết thúc một mối quan hệ vợ chồng thì dễ nhưng để xóa nhòa đi những vết sẹo tổn thương in hằn trong tâm trí con thì không hề dễ dàng. Thậm chí, những nỗi đau còn theo con suốt đời, ngay cả khi trưởng thành, mặc dù thành đạt nhưng con chưa chắc đã cảm thấy hạnh phúc", bà Vũ Thu Hà nói.
Do đó, theo chuyên gia, để giúp trẻ tránh khỏi tổn thương tâm lý nặng nề, thậm chí để ngăn ngừa những vụ việc thương tâm; trước khi ly hôn, bố mẹ cần bỏ qua tất cả sự tổn thương, tâm lý không hài lòng về đối phương để cả hai ngồi lại trò chuyện.
Theo đó, cần thống nhất với nhau về mặt trách nhiệm. Ví dụ, nếu như bố nuôi con, thì mẹ phải được quyền thăm nom, biết con sống, ăn ngủ ra sao, không ai được ngăn cấm vì đó là quyền lợi mà đứa trẻ được hưởng. Bên cạnh đó, bố mẹ cần đưa ra quan điểm chung trong việc giáo dục con cái và dành thời gian cho con hậu ly hôn ra sao.
"Đặc biệt, dù có ly hôn, cha mẹ cũng cần giữ hình ảnh đẹp trong mắt trẻ. Phụ huynh cần tránh việc cư xử thiếu chuẩn mực, xúc phạm hay xung đột nhau bởi điều này sẽ khiến con có cái nhìn tiêu cực về bố mẹ, dễ có nhận thức và hành vi lệch lạc trong tương lai", chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.