TIN LIÊN QUAN | |
Vụ cô giáo quỳ xin lỗi: Không thể dùng một cái sai để sửa sai | |
TS Giáo dục: Trẻ cần được “sống” và “học” song song! |
Xin chào Tiến sĩ, trong xã hội hiện nay, đâu đâu cũng thấy bạo lực, tiêu cực như trẻ đánh hội đồng, học sinh “phản pháo” thầy cô. Gần đây là vụ việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ xin lỗi. Vậy nguyên nhân từ đâu, thưa ông?
Nguyên nhân bắt đầu từ chính những hành động của chúng ta. Hành động của cô giáo phạt học sinh quỳ đã ngầm dạy cho các em là làm cô giáo thì có quyền hạ nhục học sinh nếu các em không làm theo ý cô. Việc trẻ bị phạt không phụ thuộc vào hành vi của các em mà phụ thuộc vào cảm xúc của cô lúc đó.
Ngược lại, về phía phụ huynh qua hành vi của mình, họ đã để lại cho con những bài học tiêu cực, xấu xí. Đó là những ai dùng bạo lực với mình thì phải dùng bạo lực mạnh hơn để trả đũa. Đồng thời, việc dùng bạo lực với người khác để có được cái mình muốn là điều bình thường, rất oai khi hạ nhục người khác trước mặt đông người…
Từ đó, khiến trẻ tin rằng nếu mình có quyền lực sẽ không phải sợ bất cứ ai, kể cả người thầy của mình, kể cả hiệu trưởng ngôi trường mình đang học. Cứ như vậy, một cách ngầm ẩn, cha mẹ vô tình định hướng lệch lạc nhận thức của con mình. Như một chuỗi sai lầm, đứa trẻ tự thấy mình được phép mắc lỗi và sẽ chẳng phải chịu trách nhiệm gì nếu có cha mẹ che chắn.
Nói về hành động của lãnh đạo nhà trường, việc bỏ đi như vậy vô tình dạy cho trẻ rằng, nếu bạn mình gặp bất công hoặc bị bắt nạt bởi một kẻ mạnh hơn thì tốt nhất là tránh xa ra, bỏ mặc bạn để tránh rắc rối.
Cộng đồng mạng bằng việc like, share, bình luận nhiều chiều về vụ việc dạy cho trẻ biết rằng, nếu muốn được chú ý, được nhắc đến thì cứ hành động càng bất thường, càng phá luật thì càng dễ đạt mục tiêu.
Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng câu chuyện phụ huynh bắt giáo viên quỳ xin lỗi đang làm xói mòn niềm tin của công chúng về vị thế và phẩm chất của nhà giáo. (Ảnh: NVCC) |
Tôi thấy bạo lực chỉ sinh ra bạo lực và bạo lực sau lớn hơn bạo lực trước...
Đúng vậy, hậu quả là chúng ta đang có một môi trường học đường ngày càng nhiều bạo lực hơn. Tính chất hành vi bạo lực của học sinh ngày càng nghiêm trọng hơn. Học sinh nữ vốn được xem là chỉ sử dụng bạo lực lời nói nay cũng sẵn sàng dùng hung khí với bạn mình. Cùng với đó, sự tôn trọng của học sinh với bố mẹ, thầy cô và người lớn ngày càng giảm đi.
Tôi được biết, không ít phụ huynh khi thấy con bị đánh, bị bắt nạt thường dạy con: “Sao mày không đánh lại? Sao mày không gấu lên để chúng nó không bắt nạt nữa?”. Có thể cách hành xử của nhóm phụ huynh phạt quỳ cô giáo chính là minh họa sinh động nhất cho việc họ đã được giáo dục theo phương cách như thế. Để giờ, phụ huynh “di truyền” lại cho con qua cách hành xử của mình.
Có lẽ, vấn đề ở đây nên giải quyết từ gốc và cha mẹ phải là những tấm gương “không tì vết”?
Nghiên cứu chỉ ra, trẻ 2 tuổi mỗi ngày nghe khoảng 432 câu nói tiêu cực, chỉ trích và chỉ nghe khoảng 31 câu nói tích cực từ người lớn. Tỉ lệ tiêu cực/tích cực là 14/1. Đến 6 tuổi, tỉ lệ này có thể lên đến 30/1.
Chúng ta phải thừa nhận là những bài học về sự yêu thương, chia sẻ cũng được dạy ở trường, được đề cập trên truyền thông. Tuy nhiên, những bài học ấy đã bị chìm nghỉm và lọt thỏm trong các thông tin bạo lực giật gân khác đang truyền tải đến trẻ hàng ngày.
Để giải quyết hẳn cần phải có sự thống nhất chung tay của toàn xã hội. Quan trọng là làm sao tạo ra những môi trường nhất quán ở nhà - ở trường - ngoài xã hội đều mang các giá trị yêu thương, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ phải xác định mình làm tấm gương không chỉ cho con mà còn cho những người xung quanh để tạo nên môi trường an toàn và tôn trọng. Giáo viên không những cần đáp ứng về năng lực chuyên môn mà còn cần phải được sàng lọc về các tiêu chuẩn đạo đức.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng bộ chuẩn giáo viên mới. Trong các bộ chuẩn đều có các tiêu chí đánh giá về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn xây dựng môi trường giáo dục và tiêu chuẩn quan hệ xã hội. Một người giáo viên đạt chuẩn phải xây dựng được mối quan hệ với học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và các tổ chức xã hội khác.
Việc đánh giá giáo viên hay hiệu trưởng đạt chuẩn không chỉ dựa vào việc cá nhân tự báo cáo, tự đánh giá mà còn dựa vào các bên liên quan như đồng nghiệp, cấp trên/cấp dưới, phụ huynh và chính học sinh. Những giáo viên không nhận được sự ủng hộ của các bên liên quan sẽ không đạt chuẩn và sẽ phải chuyển sang công việc khác. Hiệu trưởng cũng có các tiêu chuẩn của mình và nếu lãnh đạo nào không dám bảo vệ nhân viên cũng sẽ không đạt chuẩn theo đánh giá phản hồi của các bên liên quan.
Ở các nước, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra. Tuy nhiên, họ có hệ thống các nhà tâm lý học đường trong trường học. Họ có hệ thống nội quy, quy trình xử lý khủng hoảng và bạo lực trường học rõ ràng. Họ có hệ thống tư pháp phối hợp và sẵn sàng hỗ trợ. Đồng thời, họ có các hiệp hội nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi của các bên nên góp phần phòng ngừa được nhiều vụ việc, tạo ra môi trường học đường tương đối an toàn.
Vậy khi không hài lòng với giáo viên của con thì phụ huynh nên làm gì để không để xảy ra những trường hợp tương tự, thưa ông?
Khi không hài lòng với giáo viên của con, phụ huynh cần phải có lối ứng xử phù hợp. Thứ nhất, cha mẹ nên tìm hiểu những cách thức, con đường để báo cáo hành vi đó cho đương sự và lãnh đạo của đương sự. Thứ hai, lưu lại minh chứng để nếu đương sự, lãnh đạo của đương sự không phản hồi sẽ báo đến các cơ quan chức năng hoặc những hiệp hội hỗ trợ. Nếu hành vi của giáo viên gây nên những cảm xúc tiêu cực ở con trẻ, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là cách ly con khỏi nguồn gây ra chấn thương. Đồng thời, cha mẹ nên đưa con đến nhà tâm lý học đường trước khi nghĩ đến chuyện ứng xử thế nào với giáo viên.
Giáo viên phạt học sinh, phụ huynh phạt quỳ cô giáo là câu chuyện buồn của ngành giáo dục. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Nhưng cũng nên nhấn mạnh rằng, trước khi làm gì người lớn cũng nên cân nhắc đến quyền lợi của đứa trẻ trước. Thay vì tập trung vào xử lý giáo viên hay trút giận của bản thân, hãy cân nhắc là “quyền lợi tốt nhất của trẻ". Mọi hành vi của phụ huynh cần đảm bảo nguyên tắc cơ bản "do no harm", tức là không gây hại cho trẻ.
Cách hành xử của các bên trong vụ việc đáng tiếc ở Long An vừa qua đã gây hại cho đứa trẻ. Tôi nghĩ rằng, con của phụ huynh bắt cô giáo quỳ xuống chắc không thể học một cách bình thường, vui vẻ ở trường được nữa. Chúng có thể bị đối xử không công bằng, bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc hoặc cô lập trong thời gian tới.
Tôi đang kỳ vọng về việc ban hành bộ chuẩn giáo viên mới chú trọng đến không chỉ năng lực chuyên môn mà cả phẩm chất của người giáo viên sẽ thay đổi bầu không khí trong trường học. Việc đánh giá giáo viên không chỉ dựa trên sự tự đánh giá mà chú trọng đến việc sử dụng các minh chứng đánh giá từ phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp, cấp trên. Qua đó, giúp chúng ta phòng ngừa được nhiều vụ việc mất kiểm soát tương tự thế này.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, cô giáo trong vụ việc này cũng đang chịu nhiều áp lực như mới sinh con, có thể bị áp lực chăm sóc con, có thể đang trong giai đoạn nguy cơ trầm cảm sau sinh cao… dẫn đến việc mất kiểm soát. Trong khi đó, thực tế nhiều trẻ do có cha mẹ làm “lá chắn” nên ương bướng, không nghe lời giáo viên. Để rồi, hành động sai lầm của cô giáo là giọt nước tràn ly của những áp lực dồn nén lâu ngày.
Trong nhiều trường, giáo viên cũng bị áp lực từ những phụ huynh tương tự như thế. Cô cũng còn sợ phụ huynh đến mức chịu quỳ. Lãnh đạo còn sợ phụ huynh đến mức tránh đi. Phụ huynh hành động vì xót con thì ít, vì sĩ diện thì nhiều, vì cảm giác bị mất mặt, rằng “dám phạt con tôi, thì tôi sẽ phạt lại cô”.
Tôi nghĩ, nếu phụ huynh muốn con hạnh phúc và được tôn trọng ở trường, trước tiên hãy tôn trọng giáo viên và cư xử khiến họ thấy hạnh phúc.
Cuối cùng, tất cả chúng ta đều đã bị tổn thương sau câu chuyện cô giáo bị phạt quỳ. Không chỉ những người trong cuộc, những vụ việc như thế này đang làm xói mòn niềm tin của công chúng về vị thế và phẩm chất của nhà giáo. Đồng thời, xói mòn niềm tin của học sinh về hình ảnh “cô giáo như mẹ hiền” hay “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Câu chuyện buồn ấy cũng làm giảm đi sự gắn bó và yêu nghề của những giáo viên giỏi khi nguy cơ bị phụ huynh tấn công trong ngay môi trường làm việc và không thể được bạo vệ bởi lãnh đạo nhà trường là có thật.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Nguyệt Anh (thực hiện)
Vụ cô giáo quỳ xin lỗi: Không thể dùng một cái sai để sửa sai Sau khi câu chuyện phụ huynh bắt giáo viên phải quỳ để xin lỗi xảy ra ( trường tiểu học Bình Chánh, Long An), dư ... |
Chí Phèo là "một phần của cuộc sống”, sao phải bỏ? Liên quan đến chuyện đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo trong sách giáo khoa, đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường ... |
TS Giáo dục: Trẻ cần được “sống” và “học” song song! Những đứa trẻ luôn được "ưu tiên” học mà không tham gia bất kỳ công việc nào của gia đình sẽ dễ trở nên hoang ... |