📞

Vụ 'ép học sinh yếu không thi vào lớp 10': Phân luồng hướng nghiệp hay căn bệnh ngụy thành tích?

Ngọc Huyền* 13:45 | 26/04/2022
Từ câu chuyện 'khuyên' học sinh yếu không thi vào lớp 10 xôn xao dư luận thời gian gần đây khiến mọi người đặt câu hỏi là phân luồng hay căn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục?
Từ vụ ép học sinh yếu không thi vào lớp 10 nghĩ về bệnh ngụy thành tích trong giáo dục. (Ảnh: Internet)

Xung quanh việc một số phụ huynh học sinh lớp 9 có lực học không tốt “tố” đã bị một số trường học ở Hà Nội ép các em phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10.

Là một giáo viên, tôi đã từng nhận được chia sẻ của một số đồng nghiệp tại địa phương khác cho biết, họ cũng khá bức xúc với chuyện này nhưng năm nào cũng phải đóng vai người tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh để khuyên những em có lực học không tốt, tình nguyện không đăng ký thi vào lớp 10 trường công lập.

Dư luận đang vô cùng bức xúc, nhiều người cho rằng, làm vậy chẳng khác nào chặn đứng con đường học tập của các em, gây bức xúc cho phụ huynh, cho dư luận. Sao không để học sinh dự thi tự do, em nào không đủ lực để đỗ vào trường công lập, phụ huynh ắt sẽ cho đi học nghề, hoặc xin cho các con vào học tại các trường tư thục.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận khác lại cho rằng, vận động một số học sinh không thi vào lớp 10 là... không sai. Bởi đó là định hướng cho một bộ phận học sinh học kém để các em đỡ mất thời gian công sức để thi vì những học sinh này có thi bao nhiêu lần cũng không thể đỗ.

Rồi có người nêu quan điểm rằng, “phân luồng giúp các em ấy tạo lập tương lai sớm hơn, vững chắc hơn và ít hậu quả hơn. Phân luồng cũng giúp giảm “thừa thầy thiếu thợ” vì phong trào học đại học xong... cất vào tủ”.

Một số phụ huynh tố cáo rằng, giáo viên và nhà trường đã ép buộc họ đồng ý không cho con thi vào lớp 10 và được ngụy trang dưới tờ đơn tình nguyện.

Căn nguyên vẫn là vì căn bệnh ngụy thành tích

Do cách tính điểm thi đua của ngành giáo dục là lấy kết quả thi vào lớp 10 THPT để đánh giá thi đua các trường THCS, các trường lại lấy điểm thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua đối với giáo viên dạy, thầy cô chỉ còn biết dồn áp lực này lên đầu học trò.

Thử hỏi, nếu không có việc tính điểm thi đua kiểu này từ cấp trên ấn xuống thì có xảy ra tình trạng chặn đứng con đường học tập của học sinh như đã phản ánh không?

Câu trả lời, chắc chắn là không! Bởi vì, ngay tại địa phương nơi tôi ở, không có chuyện tính điểm thi đua kiểu này nên học sinh cứ tốt nghiệp lớp 9 (gần như 100%) đều có quyền làm đơn thi vào lớp 10.

Sau mỗi kỳ thi vào lớp 10, tỉnh cũng cho thống kê chất lượng điểm thi của từng địa phương, phòng giáo dục cũng dựa vào chất lượng kỳ thi ấy để nắm bắt, chỉ đạo chuyên môn cụ thể về các trường.

Vì thành tích xếp thứ hạng các trường, vì cả việc cạnh tranh được dạy lớp cuối cấp đến mức phải triệt đường học của một số học sinh thì không dừng lại ở căn bệnh thành tích thông thường, nó đã bị biến tướng thành căn bệnh dối trá đến tàn nhẫn.

Có những học sinh không nghe lời tư vấn của thầy cô làm đơn xin không thi vào 10. Tuy nhiên, khi đăng ký thi, em lại đỗ vào trường công. Cho thấy, đã có những học sinh không được học một cách oan uổng.

Không phải bây giờ mới nói đến căn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục. Nhiều người hiểu rõ đều cho rằng, đây là căn bệnh đã trở thành trầm kha và không còn dừng lại ở việc thành tích, nó đã trở thành căn bệnh dối trá mà nguồn cơn tất cả đều do việc áp chỉ tiêu gây ra.

Một chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT như phân luồng học sinh ngay ở bậc THCS. Giáo viên và nhà trường chỉ nên dừng lại ở việc tư vấn cho một số học sinh có lực học yếu kém (không thể thi đỗ vào lớp 10 cũng như không có đủ khả năng theo nổi chương trình) thấy được những lợi ích của việc đi học nghề sớm, để bản thân các em và gia đình tự quyết định.

Tuy nhiên, triển khai cụ thể lại phụ thuộc nhiều vào việc vận dụng của từng trường học, từng địa phương. Vì thành tích, có trường đã dùng chiêu thức ép buộc một số học sinh không được thi vào lớp 10 phải chuyển hướng tìm đến các trường nghề trong sự ấm ức.

Bộ GD&ĐT đã rất kịp thời khi yêu cầu xác minh, để xử lý nghiêm nếu có việc trường yêu cầu phụ huynh ký cam kết "tự nguyện" không cho con thi vào lớp 10 công lập. Hy vọng với động thái này, tình trạng bắt ép học sinh như một số phụ huynh tố cáo sẽ hoàn toàn chấm dứt.

Những lời thú nhận của chính giáo viên đã vén tấm màn bí mật trong ngành giáo dục rằng đã có chuyện ép buộc học sinh có lực học trung bình trở xuống không được dự thi vào lớp 10. Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm đơn lẻ ở một số địa phương ưa chuộng thành tích chứ hoàn toàn không phải quy định từ Bộ GD&ĐT.

Bởi vẫn còn khá nhiều địa phương trong cả nước thực hiện việc định hướng công khai cho học sinh lớp 9 và hoàn toàn giao quyền quyết định cho gia đình các em. Bằng chứng là những địa phương này học sinh lớp 9 tham gia vào thi lớp 10 luôn ở mức 100%, khi thi không đỗ vào trường nào mới bắt đầu xin vào trường nghề hoặc trường tư thục để học.

Sự việc “chặn đứng” con đường học tập của những học sinh có lực học chưa tốt như hồi chuông cảnh báo căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Cũng rất nhanh, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo kịp thời kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục đã bị phản ánh.

Cùng với đó, Bộ đã lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ phụ huynh. Hy vọng những động thái quyết liệt này sẽ chấm dứt tình trạng vô lý, bất công với những em học sinh còn hạn chế về lực học.


*Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.