Nhỏ Bình thường Lớn

Vụ học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Các em được 'lùa' lên lớp, vì đâu?

Dư luận đang xôn xao câu chuyện học sinh lên lớp 6 vẫn không đọc được chữ. Người mẹ chỉ ước ao một điều: 'Mong con biết đọc', còn cậu bé lại quá ngỡ ngàng thốt lên: 'Con cũng không biết vì sao con lại được lên lớp'.
Vụ học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Các em được 'lùa' lên lớp, vì đâu?
Câu chuyện học sinh lớp 6 không đọc được chữ khiến dư luận xôn xao. (Nguồn: TT)

Đây không phải là trường hợp cá biệt, cách đây vài năm tại Đồng Tháp cũng đã có trường hợp học sinh lên lớp 6 nhưng vì không biết đọc, viết nên nhà trường trả về tiểu học.

Học tới lớp 6 vẫn không thể đọc, viết, nhiều người ngoài ngành nghe thấy lạ, thấy vô lý vì khó tin nhưng với giáo viên chúng tôi lại quá đỗi bình thường. Bởi, học sinh đọc yếu, thậm chí dù chưa biết đọc ở lớp 1 nhưng lại không cho ở lại lớp mà buộc lên lớp 2. Những học sinh như thế mỗi ngày sẽ đọc yếu hơn vì lớp 2 không dạy học vần.

Lớp 2 tiếp tục đẩy lên lớp 3, lớp 4 rồi lớp 5 làm lễ ra trường cho các em là giáo viên, nhà trường xong nhiệm vụ.

Xin cho con ở lại lớp không còn là hiện tượng cá biệt

Nhiều trường học hiện nay, đầu năm luôn đăng ký tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng ít nhất là 98%, trường mang danh hiệu chuẩn quốc gia luôn ở mức 99% thì cuối năm sao có thể cho học sinh ở lại lớp?

Nếu học sinh ở lại lớp, giáo viên đương nhiên bị Ban giám hiệu gây khó khăn vì chính Ban giám hiệu sẽ bị cán bộ Phòng giáo dục chất vấn, gây sức ép. Và biết đâu chính Phòng giáo dục cũng phải chịu sức ép từ trên xuống nên họ phải làm thế?

Cách đây nhiều năm, tôi đã cho một học sinh ở lại lớp 2 sau khi đã kèm cặp em vô cùng tận tình cả năm và 2 tháng hè nhưng vẫn không tiến bộ. Em đọc quá yếu, đến độ chúng tôi hay nói đùa “Đọc bài mà tháng 5 một tiếng, tháng 10 một tiếng”.

Đọc yếu đương nhiên chẳng thể viết chính tả, không làm được tập làm văn, toán cũng chẳng thể đọc đề bài để hiểu. Những môn học khác hầu như cũng chẳng biết gì. Vậy mà khi đưa danh sách học sinh ở lại lớp, tôi được mời lên phòng hiệu phó nghe chất vấn đủ điều.

Sau khi buộc tôi phải cho học sinh ấy lên lớp, hiệu phó yêu cầu tôi phải kèm em trong 3 tháng hè để em thi lại. Những ngày hè, tôi cũng phải sắp xếp chạy xuống nhà em vài buổi để kèm em học nhưng lực học của em cũng chẳng khá lên bao nhiêu.

Thế rồi nhà trường thành lập tổ thẩm định, gọi em ấy lên khảo sát, cuối cùng thống nhất cho em lên lớp 3. Nhà trường không còn o ép, gây “sóng gió” cho tôi nhưng chính tôi gặp rắc rối từ phía phụ huynh.

Một buổi chiều đang đi lên lớp, một phụ huynh kéo tay giọng năn nỉ: “Cô ơi! Cô cho cháu Tuấn ở lại lớp đi, nó học yếu thế sao có thể lên lớp được?”. Tôi phải nói với phụ huynh rằng, mình không có quyền và hướng dẫn họ lên gặp Ban giám hiệu.

Tôi nghe phụ huynh nói lại, hiệu trưởng nói trường chuẩn quốc gia nên không thể ở lại, nếu muốn cho con ở lại phải chuyển trường khác. Có lẽ vì sợ con phải chuyển trường nên phụ huynh ấy bỏ ý định xin cho con được ở lại lớp.

Học sinh học yếu, lỗi có thuộc về giáo viên?

Học sinh học yếu mà hỏi Ban giám hiệu thì chắc chắn lỗi sẽ thuộc về giáo viên. Nhưng là giáo viên chúng tôi hiểu học sinh học quá yếu đôi khi lỗi không thuộc về mình.

Đã có những giáo viên dạy dỗ rất tận tình nhưng cuối năm vẫn có học sinh yếu. Có những học sinh không thể tiếp thu kiến thức do có vấn đề về trí tuệ, có em lại mắc hội chứng tăng động mất tập trung, có em tiếp thu vô cùng chậm… nhưng gia đình không công nhận.

Trong khi đó, có không ít thầy cô dạy rất nhiệt tình, những giờ giải lao, giờ nghỉ tiết cũng ngồi kèm các em học. Thậm chí, có giáo viên còn đưa các em về nhà dạy không công vào buổi tối. Nhưng do trí tuệ kém phát triển, trí nhớ không bình thường, những học sinh này vẫn không thể tiếp thu được kiến thức.

Một số em là sản phẩm của lớp trước vốn học yếu nhưng bị "lùa" lên lớp trên nên đã yếu càng yếu hơn. Những trường hợp như thế, giáo viên chúng tôi đã từng nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn không thể thay đổi nhận thức của các em.

Những học sinh này cần được ở lại lớp để củng cố kiến thức mới có cơ hội học tốt hơn. Thế nhưng vì căn bệnh thành tích người ta đã "lùa" các em phải lên lớp. Vì thế, lỗi này đâu phải do chúng tôi?

Sẽ còn nhiều lá đơn xin ở lại lớp, nếu...

Một lớp khoảng năm chục học sinh sẽ có vài em lực học vô cùng yếu. Một trường từ năm trăm em trở lên, số lượng học yếu chiếm khoảng vài chục em cũng là chuyện bình thường. Thế mà, vài em lưu ban đã khó nói gì đến vài chục em? Vì căn bệnh thành tích nên nhiều học sinh yếu đã không còn cơ hội ở lại lớp.

Học yếu ở lại lớp, học sinh sẽ có cơ hội học tập tốt hơn. Học yếu cứ phải lên lớp thì càng ngày các em học sẽ càng yếu hơn là lẽ thường tình.

Có gia đình bất lực đành cho con nghỉ học giữa chừng nhưng có những phụ huynh không chấp nhận điều đó. Họ phản kháng bằng nhiều cách như lên trường xin, viết đơn gửi cấp trên, thậm chí chấp nhận chuyển trường chỉ vì không cho con được ở lại lớp.

Chúng ta kêu gọi xóa bỏ thành tích, nhưng thành tích ở ngay trong mỗi chúng ta. Nếu giáo viên đừng đặt nặng thành tích cá nhân, nếu nhà trường cũng đừng đặt nặng các danh hiệu tập thể để đánh giá đúng chất lượng học tập và sẵn sàng cho học sinh yếu ở lại. Lúc đó, học sinh ngồi nhầm lớp chắc chắn sẽ không còn.

*Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.

Góc nhìn: ‘Sẽ không an toàn nếu áp dụng hộ chiếu vaccine vào lúc này’
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đại biểu là chính khách
Giáo dục tuần qua: 'Tâm thư' của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi ngồi 'ghế nóng', Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền qua đời
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Hy vọng tân tư lệnh ngành giáo dục hãy lắng nghe ý kiến đóng góp
TIN LIÊN QUAN

Ngọc Huyền