Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ. (Nguồn: AP) |
Theo một thông báo ngắn gọn từ Bộ Ngoại giao Costa Rica, chính phủ Trung Quốc thừa nhận, một trong những khinh khí cầu của họ đã bay qua quốc gia Trung Mỹ này và Đại sứ quán Trung Quốc tại San Jose đã "xin lỗi về vụ việc".
Bắc Kinh cũng đồng thời nhấn mạnh, khinh khí cầu này tập trung vào nghiên cứu khoa học, chủ yếu là thời tiết và đường bay của nó đã đi chệch khỏi kế hoạch ban đầu.
Động thái trên diễn ra sau khi một khinh khí cầu khác của Trung Quốc bay qua Mỹ khiến Washington nghi ngờ là phương tiện do thám và bắn hạ, dẫn đến một cuộc tranh cãi chính trị-ngoại giao lớn.
Liên quan vụ việc Washington bắn hạ khinh khí cầu mà Bắc Kinh nói là xuất hiện ngoài ý muốn trong không phận Mỹ, người phát ngôn Phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Tao Wang cho biết, nước này hiện không có kế hoạch đưa ra Hội đồng Bảo an.
Trước đó, ngày 6/2, LHQ thông báo không có thông tin về vụ khinh khí cầu, ngoài những gì đã được công bố trên các phương tiện truyền thông.
Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ tin tưởng rằng, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể giải quyết vụ việc một cách có trách nhiệm.
Vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc không chỉ gây căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington mà còn làm bùng bổ tranh cãi trong nội bộ Mỹ.
Nhiều ngày qua, phe Cộng hòa đã đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Joe Biden về cách thức giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hôm 4/2 thông báo rằng, dưới thời chính quyền ông Donald Trump, có ít nhất 3 chuyến bay khinh khí cầu không được thông báo cho giới chức cấp cao.
Thông báo này đã gây ra sự náo động trong đảng Cộng hòa, và ngày 5/2, một số cựu quan chức dưới thời ông Trump đã lên tiếng phủ nhận sự việc, cho rằng họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía quân đội.
Ngày 6/2, theo Tướng Glen VanHerck - chỉ huy Bộ Tư lệnh phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ - việc quân đội không phát hiện các khinh khí cầu của Trung Quốc xâm nhập Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump là do "có lỗ hổng” trong kiểm soát không phận.
Ông thừa nhận: “Chúng tôi đã không phát hiện những mối đe dọa đó, những khinh khí cầu do thám. Và đó là ‘lỗ hổng’ trong vấn đề mà chúng ta phải tìm ra. Nhưng tôi không muốn đi sâu vào chi tiết”.
Tướng VanHerck cũng giải thích lý do quân đội không bắn hạ khinh khí cầu vào tuần trước: “Theo đánh giá của tôi, khinh khí cầu này không gây ra mối đe dọa quân sự nào đối với Bắc Mỹ. Do đó, tôi không thể hành động ngay lập tức vì vật thể này không thể hiện hành động thù địch hay ý định thù địch”.
Theo ông VanHerck, tàu đổ bộ USS Carter Hall của Hải quân Mỹ đang hoạt động gần nơi khinh khí cầu rơi xuống ở ngoài khơi bang South Carolina để thu thập, phân loại các mảnh vỡ.
Tàu khảo sát hải dương học USNS Pathfinder cũng đang tiến hành vẽ bản đồ khu vực phân bố các mảnh vỡ của khinh khí cầu. Tuy nhiên, điều kiện khắc nghiệt do biển động đã cản trở các hoạt động thu hồi.